Cơ sở tạo nên sự đồng thuận, khơi dậy sự năng động sáng tạo

Cuốn sách: 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ta và bạn bè quốc tế.

Với góc nhìn riêng, ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều tại Canada đã có những chia sẻ với chúng tôi về cuốn sách này:

Phóng viên (PV): Cuốn sách mới xuất bản của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những tác động đáng kể đến dư luận trong và ngoài nước. Ông có cảm nhận thấy điều này?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Những ngày qua, dư luận thế giới nóng lên từng giờ bởi căng thẳng giữa Nga - Mỹ - NATO vì chiến tranh tại điểm nóng Ukraina có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu mặt trận ngoại giao không làm hạ nhiệt, tháo gỡ được ngòi nổ.

Nhưng dư luận trong nước và quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công bố ngày 9-2-2022.

Mặc nhiên, khi cuốn sách này được phát hành sẽ có nhiều ý kiến theo cả chiều thuận và chưa thuận bởi Việt Nam và Thế giới nói chung còn nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về các chủ thuyết chính trị đang tồn tại mà tiêu biểu là chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia trong nước và quốc tế, cũng như lan tỏa trong quần chúng, nhân dân. Ảnh: Vietnam+

PV: Với tư cách là một doanh nhân xin ông chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình về nội dung cuốn sách và ý kiến phản hồi?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Vấn đề đặt ra theo góc nhìn của tôi là người không theo chủ thuyết nào bởi tôi chỉ là doanh nhân đã và đang làm ăn, đầu tư ở nhiều quốc gia có cả các nước TBCN và XHCN, trong đó có Việt Nam.

Nội dung của cuốn sách toát lên, phản ánh được nhiều nội hàm quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đang thực thi và theo đuổi. Bắt nguồn từ Cương lĩnh ban đầu của Đảng đã trải qua 92 năm mà người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là tổng kết, đánh giá và phát triển, mở rộng theo cách nhìn mới, sáng tạo mới, nhằm phù hợp với thực tế của Việt Nam và Thế giới trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần.

Cơ bản ý kiến là tích cực theo chiều thuận. Những ý kiến phản biện theo chiều không thuận cũng là chuyện đương nhiên và tôi nghĩ Đảng, Nhà nước Việt Nam cần chú ý lắng nghe, quan tâm đặc biệt để làm mới mình, để có những đối sách phù hợp và điều tiên quyết lấy quyền lợi của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng.

PV: Trong cuốn sách, tác giả đề cập nhiều đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh này tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Tôi nghĩ, chúng ta phải đứng ở góc độ khách quan, tầm nhìn bao trùm diện rộng, để đánh giá khách quan, công tâm những gì Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang làm được trong cuộc đấu tranh này. Trên thực tế ta phải khẳng định rằng bất cứ quốc gia nào cũng có hiện tượng tham nhũng và tham nhũng theo nhiều cách khác nhau bởi thể chế chính trị khác nhau.

Việt Nam có hay không? Có và đang trong tình trạng báo động. Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lực lượng bảo vệ pháp luật đã và đang điều tra, cương quyết xử lý tình trạng này. Do đó cuốn sách không chỉ nhận được sự quan tâm, đón nhận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nước mà còn được kiều bào, bạn bè, các chính đảng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu... quốc tế quan tâm, ghi nhận.

Trong thời điểm hiện tại, người dân mong muốn xử lý ngay và luôn tình trạng tham nhũng, tiêu cực là không thể bởi đây là cuộc đấu tranh phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức và tiến hành phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài. Đặc biệt, theo tôi thời gian qua, về cơ cấu tuyển chọn, sử dụng cán bộ còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Mặt khác, việc đánh giá nguồn nhân lực chủ chốt dẫn dắt đất nước cũng cần phải có tầm nhìn khác, dài hơi và không theo quy trình xơ cứng mà lâu nay Việt Nam vẫn áp dụng.

PV: Dưới góc nhìn của một doanh nhân ông có cảm nhận gì về ý nghĩa của cuốn sách đối với con đường đi lên xây dựng CNXH ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Cuốn sách của Tổng Bí thư đã phân tích, lý giải rõ ràng những câu hỏi lớn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam không chỉ trên bình diện chính trị mà cả về kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại;…

Là một doanh nhân, nhà đầu tư FDI vào Việt Nam hơn 20 năm qua, tôi đặc biệt quan tâm đến cách nhìn và cách đánh giá cũng như hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Việt Nam đang thực hiện nền kinh tế đa thành phần và tiến dần tới cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tiến tới lấy doanh nghiệp tư nhân và FDI là chủ đạo, nòng cốt cho nên tôi nhận thấy, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ sở để tạo nên sự đồng thuận, khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Về động lực phát triển đất nước, tôi cho rằng để đạt được kỳ vọng như Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành cũng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vấn đề then chốt vẫn là con người. Bởi con người vận hành và điều khiển chính sách đi đúng và trúng với những nội dung đã ghi. Vì vậy điều tiên quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam là công tác con người, phải lựa chọn đúng người, đúng việc có thực tâm, thực tài và thực lòng để giao việc. Với tôn chỉ dù ở bất cứ cương vị nào cán bộ cũng chỉ là người thực hiện công vụ của mình và phụng sự đất nước và nhân dân Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

KIM LÂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/co-so-tao-nen-su-dong-thuan-khoi-day-su-nang-dong-sang-tao-686456