Có sóng, có điện thoại, đồng bào sẽ 'đổi đời'
Cách mạng 4.0 đã và đang hiện hữu trong cuộc sống, đi cùng với đó công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế, nên còn nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua về giải pháp khắc phục những hạn chế trong tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận đây là chuyện khó, mà khó thì doanh nghiệp không làm. Tuy nhiên, may là doanh nghiệp lại bỏ tiền ra thành lập quỹ (Quỹ viễn thông công ích), sau đó dùng quỹ đó để làm nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ảnh: Hồ Long
Hiện nay, chúng ta đang đi theo hướng cho bà con phương tiện tiếp cận đầu tiên để có sóng (3G, 4G), tức là bà con ít nhất phải có điện thoại thông minh (smartphone). Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong Chương trình viễn thông công ích từ nay đến năm 2025 dành ra 400.000 máy điện thoại thông minh để hỗ trợ bà con, và có thể còn nhiều hơn nữa. Mỗi máy được hỗ trợ 500.000 đồng, ít nhất được khoảng hơn một nửa, các nhà mạng có thể hỗ trợ thêm chính quyền hoặc người dân. “Bây giờ quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải thống kê được bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu bà con (cần điện thoại thông minh), chỗ nào lõm sóng, chỗ nào chưa có phương tiện”.
Từ ngày 12.12.2022, hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ được trang bị điện thoại thông minh
Nguồn: chinhphu.vn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chúng ta có đủ ngân sách để trang bị điện thoại thông minh cho đồng bào, cả ngân sách trung ương và ngân sách của các quỹ ngoài ngân sách. Ngoài ra, còn 400.000 máy ipad cho học sinh chưa triển khai, tổng cộng là 800.000 thiết bị, mục tiêu mỗi gia đình ít nhất có 1 thiết bị để có thể dùng chung sử dụng dịch vụ công, lên sàn mua bán... “Chúng tôi nghĩ giải pháp lâu dài, căn cơ vẫn chính là cách này, tức là cho bà con ở vùng đấy tiếp cận thông tin và khi đã tiếp cận được rồi thì sẽ có đầy đủ thông tin về học tập, y tế, mua bán, bán hàng...”.
ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang)
Ảnh: Hồ Long
Theo Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28.10.2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 12.12.2022, các hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ nhận 500.000 đồng hoặc được trang bị điện thoại thông minh. Từ nay đến năm 2025, mỗi năm Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích sẽ cung cấp số lượng điện thoại thông minh nhất định. Số thiết bị sẽ được phân chia theo tỉnh, dựa trên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chưa có thiết bị trên tổng số của cả nước. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định tiêu chí và cách phân bổ tới từng đơn vị hành chính nhỏ hơn, trước khi tới hộ dân.
Theo ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang), Hà Giang hiện còn có 154 thôn chưa được phủ sóng di động, 1.352 thôn chưa có cáp quang internet, chiếm 66,37%. Tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ hoàn thành chỉ tiêu phát triển hạ tầng số năm 2022, trong đó, đề nghị Bộ chỉ đạo các tập đoàn viễn thông thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông qua Quỹ viễn thông công ích. “Đây không chỉ là ý kiến riêng của tỉnh Hà Giang mà là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa các tỉnh biên giới. Rất mong Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chỉ đạo để thực hiện phủ sóng các vùng, phủ sóng hệ thống viễn thông di động qua Quỹ viễn thông công ích để đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và biên giới sớm được tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin”.
ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông)
Ảnh: Văn Điệp
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 154 thôn bản “lõm sóng” đã gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông thì chắc chắn được đưa vào chương trình để có biện pháp phủ sóng. Tất nhiên, những thôn bản chỉ có 1 - 2 hộ dân là bài toán hơi khó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng có giải pháp phù hợp. “Tinh thần là sẽ phủ sóng triệt để các thôn, bản, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đấy là những nơi người dân thiệt thòi nhất, nếu như họ được tiếp cận không gian mạng, tiếp cận với hệ tri thức trên không gian mạng thì đấy là một cuộc cách mạng đổi đời”.
Minh Hà