Có thể 'cứu vớt' Cồn bắp Hội An?

Dự án xây dựng 'Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An' trên Cồn bắp Cẩm Nam đang vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, người yêu mến và có trách nhiệm với Hội An đã lên tiếng phản đối dự án này bởi những tác động xấu trước mắt và về lâu dài đối với khu vực phố cổ Hội An – khu vực di sản được bảo vệ nghiêm ngặt.

Công trình xây dựng trên Cồn Bắp Hội An. Ảnh: Tấn Nguyên

Công trình xây dựng trên Cồn Bắp Hội An. Ảnh: Tấn Nguyên

“Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An” là dự án do Công ty CP Gami Hội An làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dự án được triển khai trên diện tích hơn 10ha, bao gồm các hạng mục như: Khách sạn, biệt thự, villa cao cấp, bể bơi, bến du thuyền, khu phố thương mại, nhà hát và trung tâm hội nghị …

Theo nhiều người dân, trước đây, khu vực này được cho phép xây dựng Làng du lịch sinh thái Gami Hội An, nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định thu hồi. Vậy nhưng, đến tháng 8-2016, dự án “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An” lại được triển khai xây dựng tại đây.

Một số người lo ngại, việc Công ty CP Gami Hội An xây dựng “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An” tại Cồn bắp, nơi nằm giữa di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường của TP. Hội An. Theo quy định trước đây của thành phố, các công trình chỉ được xây dựng với chiều cao tối đa 13,5m (ngoại trừ một số công trình đặc biệt), nhưng có hạng mục ở công viên này xây dựng đến 16,5m (vượt 3m so với quy định chung của TP)…

Việc xây dựng “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An” không chỉ làm ảnh hưởng tầm nhìn, mất mỹ quan mà còn tác động đến dòng chảy của sông trong mùa mưa lũ. Do vậy, đề nghị tỉnh Quảng Nam thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát các thủ tục, nhất là kiểm tra lại toàn bộ công trình đã xây dựng xem có thực hiện đúng với giấy phép đã cấp không, và rà soát cả quy trình cấp giấy phép xem có đúng không. Nếu phát hiện sai phạm phải chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã trao đổi với các nhà chuyên môn về dự án này.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An:

“Tôi chưa được xem quy hoạch của công trình này nên cũng chưa nói được cụ thể. Nhưng nhìn từ thực tế, sân khấu thực cảnh nếu xây dựng với chiều cao cỡ đó, thì quả là bất ổn, vì phá đi cả một không gian sống của Hội An, và ở ngay giữa dòng thì sẽ làm thay đổi dòng nước, điều này rất nguy hiểm cho hai bên bờ. Còn trước mắt, về cảm quan, khu vực sân khấu quá cao, lồ lộ một khoảng bê tông xám xịt nhìn rất khó chịu và tức mắt. Tôi đã góp ý với phía nhà đầu tư rằng, điều này về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả khác là gây ra mưa lũ, sạt lở hai bên sông, rất nguy hiểm, do đó phải nhanh chóng điều chỉnh. Điều này tôi cho rằng các vị lãnh đạo tỉnh phải ghi nhận một cách nghiêm túc,để cầu thị, điều chỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, bảo đảm cho cuộc sống của Hội An, bảo đảm an toàn của nhân dân và không phá vỡ cảnh quan dòng sông.

Dự án này hồi năm 2005, tỉnh Quảng Nam đồng ý cho triển khai dự án nhưng khi đó là làng du lịch sinh thái và khu hội nghị, với mật độ xây dựng chỉ 15%. Sau đó, đến năm 2012-2013, dự án bị đề nghị bỏ bởi lý do chậm tiến độ và nguy cơ gây xói lở khi chủ đầu tư đề nghị nâng cốt nền. Tôi cũng đã từng phản đối dự án này vào tháng 7-2017 khi biết chiều cao của công trình lên tới 16,5m.

Gắn bó với Hội An lâu năm, nên tôi rất hiểu mùa lũ ở Hội An. Bất cứ một công trình xây dựng nào trên dòng chảy cũng làm thay đổi dòng chảy mùa lũ, kể cả kè. Bất kỳ một công trình xây dựng nào trên dòng chảy của sông cũng làm người dân Hội An “lãnh đủ”, nhà đầu tư cũng lãnh đủ luôn. Thay đổi dòng chảy cũng nghĩa là thay đổi môi sinh, môi trường. Khi tính đến việc xây dựng bất kỳ một công trình nào liên quan đến khu vực này cũng phải hết sức cẩn trọng, không thể đánh đổi làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến môi trường của Hội An.

Mô hình dự án "Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An".

Khi người ta có nhiều ý kiến, đúng sai chưa biết nhưng anh phải ngồi nghe, khi dự án vẫn còn đang xây dựng chỉ một phần thì phần sau nên tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Đó là trách nhiệm của quản lý Nhà nước chứ không chỉ là trách nhiệm của nhà đầu tư. Nếu anh làm lình xình như thế này, còn gây khó cho nhà đầu tư, thậm chí khó cho nhân dân nữa. Theo tôi bây giờ cơ quan quản lý Nhà nước phải dũng cảm lên. Sai hay đúng chưa bàn nhưng quá nhiều ý kiến như vậy thì phải rà soát lại. Quản lý Nhà nước là phải chịu khó nghe, phải chịu trách nhiệm và phải thấy cái gì bất hợp lý để điều chỉnh. Sai là chuyện bình thường, thấy sai thì điều chỉnh, vừa để cho phù hợp với không gian chung của Hội An, vừa để cho dự án của nhà đầu tư tốt hơn”.

Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông:

“Không thể có một “phố mới giả cổ” và một sân khấu “tái hiện thực cảnh” bên cạnh một thực cảnh là khu phố di sản hiện tồn một cách sinh động hàng ngày hàng đêm như vậy (nếu xem xét về không gian khu vực thì cồn Gami chỉ cách đường Phan Bội Châu - khu vực I, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt không quá 200m). Tất nhiên việc xây dựng cầm chắc làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên - và đặc biệt sự thoát nước vùng hạ lưu sông Thu Bồn trong mùa lũ. Chắc chắn bờ sông phía phố cổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng chưa nói đến bối cảnh biến đổi khí hậu mà việc xói lở bờ biển Cửa Đại còn chưa giải quyết xong… Hội An đang có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (UNESCO ghi danh) mà vùng cồn bàu cửa sông Thu Bồn (trong đó có Cồn Gami) nằm trong khu vực bảo tồn. Ngay từ đầu giới nghiên cứu về bảo tồn, các nhà khoa học đã có ý kiến không đồng thuận nhưng các nhà quản lý không lưu tâm…

Tôi không “ảo tưởng” về việc Cồn Bắp Cẩm Nam sẽ “hoàn nguyên” trạng thái ban đầu tự nhiên của nó. Nhưng trước mắt nhà quản lý, nhà đầu tư cùng các nhà khoa học nên ngồi lại để cứu vớt “số phận” của không gian sinh thái - cảnh quan của Cồn Gami - nghĩa là phải ưu tiên cho văn hóa. Việc làm này đúng với tinh thần của lãnh đạo Hội An - không phát triển Hội An bằng mọi giá-bằng việc đánh đổi văn hóa cho lợi ích kinh tế nhất thời.

Bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng ban văn hóa Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội):

“Các tác động và nguy cơ từ dự án kè cứng và xây dựng quy mô trên cồn bãi tự nhiên tại Hội An, khu vực hạ lưu sông Thu Bồn đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Gần đây nhất là tại Tọa đàm do IUCN và UBND TP Hội An tổ chức tại Hội An cuối năm 2016, tất cả các chuyên gia từ sinh thái biển, bảo tồn thiên nhiên, môi trường bảo tồn biển đều đã phân tích và chỉ ra vai trò quan trọng như thế nào của các cồn bãi tự nhiên vùng hạ lưu, đặc biệt là với những dòng sông ngắn và dốc đặc trưng khu vực miền trung như sông Thu Bồn. Quan điểm của lãnh đạo TP. Hội An cũng nhấn mạnh tầm nhìn phát triển bền vững và những dự án với mật độ xây dựng cao ở khu vực này cần phải được xem xét lại. Khu vực Cồn Bắp mà dư luận đang nhắc đến không nằm trong vùng lõi của di sản thế giới đô thị cổ Hội An, nhưng nó lại nằm trong khu vực tiếp giáp giữa di sản thế giới này và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Như đã nêu tại hội thảo lúc đó, chúng tôi không ủng hộ một dự án cứng hóa, mật độ xây dựng lớn như vậy bởi nó làm thay đổi dòng chảy.

Trong hội thảo đó, cả UNESCO, IUCN và UNDP cũng đã cảnh báo về diện tích xây dựng quá lớn. Anh Nguyễn Sự khi còn công tác, đã chỉ duyệt ở mật độ xây dựng 13%, không được nâng cốt bởi vì nó vẫn nằm trong hành lang thoát lũ. Việc kè cứng và xây dựng mật độ cao trên cồn bãi tự nhiên sẽ làm biến đổi dòng chảy, biến đổi cảnh quan. Hội thảo cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của cồn bãi tự nhiên đối với sự điều tiết dòng chảy, nhất là mùa lũ. Thường là thảm thực vật tự nhiên sẽ giảm áp lực dòng chảy và tiêu hao giảm áp lực của dòng chảy. Vì vậy khi có lũ, những khu vực đó lũ có thể tràn qua nhưng phục hồi nhanh. Nhưng khi kè cứng, dòng chảy đập vào, năng lượng nước bị chặn sẽ dội lại. Do đó, kè bên này sẽ làm lở bên kia, kè đoạn trên sẽ làm lở đoạn dưới vì áp lực dòng chảy không bị tiêu đi. Nguy cơ của sự thay đổi dòng chảy khi bị kè cứng giữa sông làm chúng ta lo ngại bởi nó có thể dẫn tới xói sang hai bên bờ sông, mà một bên của Cồn Bắp này chính là phố cổ Hội An. Những tác động này sẽ khiến cho nỗ lực bảo tồn khu phố cổ Hội An, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt bão lũ sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tại hội thảo đó, khi bàn tới dự án xây dựng trên cồn bãi tự nhiên khu vực tiếp giáp giữa vùng đệm di sản thế giới Hội An với Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tôi cũng đã trình bày bảy đặc điểm của một Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Khu vực cửa sông này và rừng dừa Bảy Mẫu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với giá trị của Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm. Chính vùng nước lợ này là khu vực tái sinh nhiều loài sinh vật có mối liên kết chặt chẽ với vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đảo Cù Lao Chàm.

“Hành trình” của dự án “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An”

- 2004: Khởi động dự án với tên gọi trung tâm hội nghị - làng du lịch sinh thái Gami Hội An (Quảng Nam) do Công ty CP đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận với mật độ xây dựng 15%.

- 2013 - 2014: Dự án bị thu hồi quyết định đầu tư của dự án do tiến độ quá chậm và nguy cơ xói lở khi chủ đầu tư đề nghị nâng cốt

- 2016: Tỉnh cho phép dự án thực hiện trở lại với cái tên “Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An”, trên cơ sở kế thừa dự án trước đây.

“Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An” là một dự án do Công ty CP Gami Hội An làm chủ đầu tư, được triển khai trên diện tích hơn 10ha, bao gồm các hạng mục như: Khách sạn, biệt thự, villa cao cấp, bể bơi, bến du thuyền, khu phố thương mại, nhà hát và trung tâm hội nghị …

Công trình được đặt tại Cồn Bắp, nơi nằm giữa di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Theo quy định trước đây của thành phố, các công trình chỉ được xây dựng với chiều cao tối đa 13,5m (ngoại trừ một số công trình đặc biệt), nhưng có hạng mục ở công viên này xây dựng đến 16,5m (vượt 3m so với quy định chung của TP)…

TẤN NGUYÊN - TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/36118402-co-the-%E2%80%9Ccuu-vot%E2%80%9D-con-bap-hoi-an.html