Có thể dự phòng và điều trị nghiện ma túy tổng hợp

Sáng 16-10, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) đã tổ chức chương trình họp báo với chủ đề 'Nghiện ma túy tổng hợp: Có thể dự phòng và điều trị'.

Tại buổi họp báo, các chuyên gia đã có những trao đổi, chia sẻ thông tin với các phóng viên các cơ quan báo chí. Trong đó tập trung giải đáp các thắc mắc về các phương pháp dự phòng và điều trị nghiện ma túy tổng hợp.

Các chuyên gia tham dự buổi họp báo.

Các chuyên gia tham dự buổi họp báo.

Theo số liệu của Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc UNODC, trên thế giới hiện nay có 255 triệu người sử dụng ma túy, trong đó số người sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine (ATS), hay còn gọi là ma túy tổng hợp chiếm 15%. Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Năm 2001 chỉ có khoảng 1,5% người sử dụng ma túy ở Việt Nam sử dụng ATS thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên xấp xỉ 10%. BS. Huỳnh Thanh Hiển- Trưởng khoa T3 bệnh viện Tâm thần TP. HCM cho biết, việc sử dụng ma túy đã bị chuyển màu, trước đây thì heroin là đa số còn hiện nay số người nghiện heroin đã giảm dần đi và số người nghiện ma túy tổng hợp đang tăng rất cao.

Ma túy tổng hợp có hại cho sức khỏe và có thể gây nghiện

GS.TS. Nicole Lee - Giám đốc trung tâm điều trị nghiện rượu và ma túy 360Edge (Úc) nói: “Tôi cũng rất tiếc khi phải nói rằng những người sử dụng ma túy đá có khả năng bị nghiện”. Nếu như một người dùng thường xuyên ở mức độ tuần nào cũng sử dụng, ít nhất một lần/ tuần hoặc nhiều hơn 1 lần/ tuần thì họ sẽ có nguy cơ cao bị lệ thuộc vào chất ma túy đó. Tuy nhiên, ở mức độ sử dụng thấp khoảng vài lần/năm thì thường không bị lệ thuộc vào ma túy đá, bà Lee cho biết.

Ở mức độ sử dụng thường xuyên và liều lượng cao, người sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gặp phải các vấn đề như lo âu, kích động, tim đập nhanh và một số rối loạn tâm lý khác. Sốc ma túy đá gây ra nhồi máu cơ tim, co giật và đột quỵ.

Theo BS. Huỳnh Thanh Hiển, so với heroin thì ma túy đá chậm nghiện hơn, tuy nhiên ma túy đá có thể gây ảo giác, gây hại cho não bộ và hủy hoại não bộ rất trầm trọng. ATS gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ, vì thế dẫn đến những tác hại lâu dài đối với sức khỏe tâm trí bao gồm lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định một cách tỉnh táo. Tình trạng sử dụng ATS kéo dài có thể dẫn tới tăng độ dung nạp và phụ thuộc.

Dự phòng và điều trị nghiện ma túy tổng hợp

Ma túy tổng hợp gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ. Tuy nhiên những vấn đề này chỉ mang tính tạm thời, và các chức năng của não bộ sẽ dần dần hồi phục sau khi ngưng sử dụng ma túy đá. TS. Lee cho biết, thời gian điều trị có thể kéo dài 2 tuần nhưng thời gian hồi phục có thể kéo dài tới 2 năm. Mặc dù điều trị có thể rất hiệu quả nếu người sử dụng nỗ lực hết sức, tuy nhiên việc tái sử dụng vẫn có khả năng tái diễn. Chính vì vậy, việc điều trị không là chưa đủ mà cần có hệ thống hỗ trợ sau điều trị.

BS. Hiển cho biết, theo định nghĩa của Tổ chức t tế Thế giới thì nghiện là một bệnh lý mãn tính, do đó người nghiện cần được xem là bệnh nhân chứ không phải là tội phạm. Nếu như heroin chúng ta đã có khá nhiều phương pháp điều trị, trong đó có phương pháp thay thế bằng methadone. Còn với nhóm ma túy mới gồm có đá, ketamin thì khoa học chưa có phương pháp điều trị. Tuy nhiên, tùy mức độ nghiện và phụ thuộc vào nó mà chúng ta có thể có những biện pháp dự phòng và điều trị, ông Hiển cho biết thêm.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS mà cần một giải pháp tổng thể bao gồm các can thiệp về tâm lý- xã hội cũng như các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.

Chuyên gia Nick Veldwijk- Quản lý khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Mainline (Hà Lan) chia sẻ: "Một trong những phương pháp can thiệp cơ bản nhất đến người sử dụng ma túy là chúng tôi cung cấp những thông tin chính xác về chất ma túy đá, chất ma túy này tác động lên cơ thể như thế nào cho những người sử dụng”.

Ngoài ra thì theo ông Nick, cách tiếp cận giảm hại là tiếp cận với người sử dụng ma túy đá, xác định các địa điểm mà những người sử dụng ma túy đá thường lui tới và gặp gỡ họ, cung cấp những thông tin cho họ về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng. Để đảm bảo các chất ma túy như ma túy đá không bị trộn lẫn với các loại chất khác có thể gây nguy hại hơn cho người sử dụng thì ở Hà Lan có những trung tâm để xét nghiệm các loại ma túy.

“Chúng tôi cũng tổ chức các nhóm thảo luận, đó là nơi mà những người sử dụng ma túy có thể đến tham gia sinh hoạt và thảo luận để có những thông tin về các loại ma túy cũng như các cách giảm hại hoặc nhận những sự hỗ trợ nếu họ có nhu cầu cần được hỗ trợ”, ông Nick cho biết thêm.

Cũng theo chuyên gia này, từ năm 2019 SCDI và Mainline bắt đầu phối hợp để tổ chức một chuỗi tập huấn về giảm hại cho những người sử dụng ma túy tổng hợp. Hiện nay SCDI và Mainline đã xây dựng một chương trình tập huấn kéo dài trong 7 tuần, và trong thời gian đó thì 2 tổ chức này đã làm việc với các nhóm, các tổ chức cộng đồng (ví dụ như tổ chức Niềm tin Xanh…). “Chúng tôi làm việc cùng với nhau, tập huấn nâng cao năng lực để xây dựng một chương trình hiệu quả nhất”, ông Nick chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia Nick Veldwijk, các lớp tập huấn sẽ chú trọng vào các chiến lược tiếp cận, làm thế nào để nhận biết và tìm ra những người sử dụng ATS và cách ứng xử khi gặp những người này.

Trong lần gặp đầu tiên của những người là tiếp cận viên cộng đồng với những người sử dụng ma túy thì họ sẽ cung cấp những thông tin về sức khỏe cũng như các hành vi sử dụng thế nào cho an toàn cho những người sử dụng ma túy và cung cấp những thông tin để giảm tác hại của ma túy. Những người sử dụng ma túy có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề về sức khỏe thì các tiếp cận viên sẽ tiếp nhận những thông tin đấy và khi người sử dụng ma túy cần sự hỗ trợ thì họ sẽ biết phải đi đến đâu để nhận được sự hỗ trợ.

“Mục tiêu lâu dài và tham vọng của chúng tôi là sau chương trình tập huấn này và các chương trình sau đó nữa thì các chương trình can thiệp cho người sử dụng ma túy đá tại Việt Nam với trung tâm là các nhóm, các tổ chức cộng đồng sẽ trở thành một mô hình mà chúng ta có thể chia sẻ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là về giảm hại của việc sử dụng ma túy đá”, chuyên gia Nick Veldwijk nói.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-the-du-phong-va-dieu-tri-nghien-ma-tuy-tong-hop-166330.html