Cơ thể phụ nữ sau sinh bị 'tàn phá khủng khiếp' như thế nào?

Khi sinh con, ngoài việc mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, người phụ nữ còn phải chịu sự 'tàn phá' nhan sắc ngoài sức tưởng tượng. Hầu như người mẹ nào cũng phải chịu những 'dư chấn' này sau khi sinh con mà không dễ gì hồi phục được.

Đang mi nhon bỗng trở nên "khổng lồ"

Đây là sự thật đau lòng đối với hầu hết các bà mẹ sau sinh. Thật vậy, khi mang thai, người mẹ buộc phải ăn uống tích cực để cung cấp đầy đủ dưỡng chất nuôi con kéo theo cân nặng tăng dần đều. Sau sinh, để có đủ sữa cho con bú, mẹ cũng phải bồi bổ cơ thể thật nhiều. Kết quả, mẹ trở thành người “khổng lồ” trong mắt bố.

Vòng 2 "dị dạng"

Đối với phụ nữ, số đo vòng 2 là mối bận tâm cực kì lớn. Nhưng khi mang bầu, hẳn nhiên bụng sẽ căng to như một cái trống, các vết rạn bắt đầu xuất hiện, vùng da bụng tối màu đi và còn mọc… đầy lông lá.

Điều này khiến phụ nữ sau sinh thường phải hứng chịu một vòng bụng “dị dạng” với lớp da thừa nhăn nheo, sạm màu, các vết rạn da xấu xí cứ như bị san hô leo lên làm “hộ khẩu”,... rất hiếm có ai da bụng được mịn màng như thời son rỗi. Và thật sự phải cố gắng rất nhiều mới có thể lấy lại được tầm 70 – 80% vóc dáng ngày xưa.

Không những thế, với những bà mẹ phải đẻ mổ, còn phải hứng chịu những "con rết xấu xí". Điều đáng buồn hơn nữa, vết sẹo đó sẽ không bao giờ biến mất để mẹ có thể tự tin khoe thân hình bốc lửa của mình trong những bộ váy sexy. Chưa hết, ai đã sinh mổ lần đầu thì khả năng sinh mổ trong lần mang thai tiếp theo sẽ rất lớn. Cứ như vậy, vết mổ lần 2 khi da bụng bị chùng, nhăn, sẽ còn xấu xí hơn nhiều.

Ngực chảy xệ

Hầu như bộ phận nào của mẹ sau sinh cũng sẽ chảy xệ và vòng 1 cũng không ngoại lệ. Sau khi sinh đôi gò bồng đảo của mẹ sẽ không còn được săn chắc, căng tròn như thời con gái. Nhất là khi cho con bú, độ “nhão, chảy xệ” của ngực sẽ gia tăng. Đó là chưa kể khi đang mang thai, ngực mẹ phát triển quá nhanh khiến cho những vết rạn da đáng ghét xuất hiện, quầng vú và nhũ hoa sẽ trở nên to hơn, đậm màu hơn trông “kém” quyến rũ.

“Cô bé” cũng “dị dạng” nốt

Điều này là dĩ nhiên nếu mẹ sinh thường. Vùng kín được cho là bộ phận chịu tổn thương nặng nề nhất, giãn nở kinh khủng nhất… bởi mẹ vừa đưa em bé nặng tới hơn 3kg đến với thế giới này. Không những vậy, nếu không giãn nở được, các bác sĩ sẽ làm một tiểu phẫu “rạch cửa mình”. Không cần phải nói nhiều, cũng thấu được nỗi đau đớn và các di chứng để lại sẽ như thế nào.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi nhiều mẹ thắc mắc: “Liệu vùng kín có trở về được kích thước ban đầu sau khi sinh?”, “Vùng kín quá khổ có ảnh hưởng tới chuyện chăn gối không?”…

Nhưng khác với các bộ phận cơ thể khác, vùng kín sẽ dần hồi phục từ 4 – 6 tuần sau sinh và có thể trở về trạng thái ban đầu nếu mẹ chăm chỉ tập luyện Kegel.

Rụng tóc

Theo nghiên cứu chung có tới 90% phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng rụng tóc. Thường các mẹ sẽ bị rụng tóc nhiều nhất từ 1- 3 tháng đầu sau sinh và kéo dài đến tháng thứ 6. Nguyên nhân là bởi khi mang thai cơ thể bạn sản xuất nhiều estrogen và điều này khiến tóc mọc nhanh và rất dày. Sau khi sinh mức estrogen giảm xuống đột ngột và tóc của bạn cũng rụng đi nhiều.

Đãng trí

Phụ nữ mang thai và sau sinh là chúa đãng trí, cứ như có một con virus nào đó ngoặm mất một phần chất xám của mẹ. Nguyên nhân là do một loại hoocmon được tiết ra trong quá trình mang thai và khi sinh con, khiến não của phụ nữ thiếu đi sự linh hoạt khi phải nhớ việc gì đó.

Hậu quả, phụ nữ sau sinh bỗng trở nên “ngớ ngẩn”, làm trước quên sau, đôi khi còn không nhớ nổi đường về nhà,… Hiện tượng này có thể tự khỏi, nhưng cũng mang đến cho mẹ lắm điều phiền phức, nhức đầu.

Suy giảm sức đề kháng

Quan niệm kiêng khem khắt khe của phụ nữ sau sinh như không được tắm, tránh gió, ánh sáng, thực đơn chỉ có 1-2 món, ở trong phòng kín… khiến mẹ bị thiếu dinh dưỡng, cơ thể phục hồi chậm, đề kháng kém.

Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công mẹ và lây sang cho bé. Nhất là các bé có sức đề kháng kém khi bị lây từ mẹ dễ biến chứng sang viêm phổi, viêm phế quản, nguy cơ suy hô hấp tử vong rất cao.

Ngoài ra, cơ thể mẹ còn đang chịu đựng những cơn đau từ vết mổ, vết rạch tầng sinh môn. Nếu không có sức đề kháng tốt, chị em dễ bị viêm nhiễm, dính tử cung, gây vô sinh.

Chấn thương tử cung

Mổ lấy thai đứng đầu những nguy cơ khiến tử cung mẹ bị tổn thương nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai thường lầm tưởng đẻ mổ sẽ bớt đau và giúp con thông minh hơn đẻ thường. Tuy nhiên, thực tế thì đẻ thường vẫn là tốt nhất. Bác sĩ chỉ chỉ định đẻ mổ khi sản phụ gặp bất trắc trong thai kỳ. Khi mổ lấy thai, chị em sẽ phải chịu đựng những rủi ro từ việc gây mê, mất máu, nhiễm trùng và cả việc chọn các biện pháp tránh thai sau này.

Vất vả là thế, nhưng phụ nữ luôn xem việc mang thai, sinh con là niềm hạnh phúc lớn lao. Họ sẵn sàng đánh đổi tuổi xuân, sắc đẹp của mình để làm mẹ, sinh ra những đứa con đẹp như thiên thần.

Khả Di

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song/mang-thai/co-the-phu-nu-sau-sinh-bi-tan-pha-khung-khiep-nhu-the-nao-d108956.html