Có thể thổi bùng căng thẳng khu vực

Trong khi Trung Quốc lẩn tránh câu hỏi về việc có phải nước này vừa lắp đặt các hệ thống tên lửa tầm xa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay không, nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại bước đi của Bắc Kinh có thể thổi bùng căng thẳng mới ở biển Đông. Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ gặp những hậu quả trước mắt và lâu dài vì việc quân sự hóa này.

Hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-12 của Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Nhà Trắng hôm 3/5 cho biết họ đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống vũ khí mới trên các cấu trúc thuộc vùng tranh chấp ở biển Đông. “Chúng tôi nắm rất rõ việc Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp nêu quan ngại với Trung Quốc về điều này, và họ sẽ phải chịu những hậu quả ngắn và dài hạn”, Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với báo giới. Tuy nhiên, đại diện Nhà Trắng không cho biết cụ thể những hậu quả đó sẽ là gì.

“Bước leo thang đáng kể”

Trước đó, kênh truyền hình Mỹ CNBC dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc lắp đặt các tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-12 và đất đối không tầm xa HQ-9B trên 3 cấu trúc Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 30 ngày qua. Thông tin này nếu được kiểm chứng sẽ châm ngòi cho những căng thẳng mới trong khu vực, giới quan sát nhận định.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin này. Bà Hoa ngang nhiên nói rằng việc Trung Quốc “xây dựng hòa bình trên quần đảo Trường Sa, bao gồm việc triển khai các hệ thống quốc phòng cần thiết là nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận gì về thông tin triển khai tên lửa, nhưng trước đó cũng ngang nhiên nói rằng các cấu trúc trên là “một phần lãnh thổ Trung Quốc” và nước này có quyền quyết định làm gì ở đó. Ngoài những nỗ lực biến các cấu trúc thành đảo nhân tạo và xây dựng nhiều công trình dân sự và quân sự trên đó, Trung Quốc còn phát triển các căn cứ không quân, hệ thống radar và thông tin liên lạc, cơ sở hải quân và vũ khí, khí tài, đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự.

“Trung Quốc cần nhận thấy rằng, họ hưởng lợi từ quyền tự do hàng hải trên biển và Hải quân Mỹ là bên bảo đảm cho điều đó”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói. Bà cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải.

Không chỉ Mỹ, Úc cũng vừa lên tiếng quan ngại trước báo cáo nói rằng, Trung Quốc lần đầu triển khai tên lửa ra quần đảo Trường Sa. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop không nói liệu chính phủ Úc có thông tin tình báo khẳng định điều này hay không, nhưng cảnh báo chính phủ Úc nên lo lắng nếu những thông tin đó là đúng.
“Nếu thông tin trên các báo là đúng, chính phủ Úc cần quan tâm vì điều này đi ngược lại những tuyên bố đã nêu của Trung Quốc rằng họ sẽ không quân sự hóa các cấu trúc”, bà Bishop nói. “Trung Quốc đương nhiên phải có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới. Và bất kỳ hành động nào nhằm quân sự hóa các cấu trúc trên biển Đông sẽ đi ngược với trách nhiệm và vai trò đó”, Ngoại trưởng Úc nói.

Ông Eric Sayers, cựu cố vấn cho Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, gọi việc triển khai tên lửa là “bước leo thang đáng kể”. “Khi Trung Quốc thấy rằng, họ có thể làm những việc như vậy mà không phải trả giá nhiều, giống như những việc họ đã làm trong năm 2015 và 2016, thì họ có thể sẽ tiếp tục làm những điều tương tự”, ông Sayers nhận định. “Trung Quốc nhìn nhận việc họ thực hiện các cuộc tập trận là dấu hiệu được chấp nhận trong cộng đồng cường quốc biển thế giới, nhưng Bắc Kinh không thể được phép quân sự hóa vùng biển mở này mà vẫn được coi trọng như một thành viên được chào đón của cộng đồng biển”, ông Sayers nói.

Trực tiếp đe dọa láng giềng

Các chuyên gia và quan chức Philippines cũng cho rằng, việc Trung Quốc triển khai các tên lửa ra quần đảo Trường Sa trực tiếp đe dọa an ninh của Philippines, gây lo ngại nghiêm trọng không chỉ cho các nước liên quan ở khu vực mà cả những nước khác như Mỹ, Úc và Nhật Bản.

“Điều này gây lo ngại nghiêm trọng về an ninh cho toàn bộ khu vực vì bất kỳ ai đi ngang qua vùng biển này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc”, báo Philstar dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao Philippines. Quan chức này cho rằng, các tên lửa Trung Quốc mang ra đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập cũng trực tiếp thách thức bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ thực hiện các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực.

Một cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines chia sẻ những lo ngại trên và thúc giục lãnh đạo nước này phản đối mạnh mẽ vì việc im lặng trước mối quan ngại an ninh cấp bách này sẽ bị Trung Quốc hiểu là bằng lòng. Ngoài các tàu quân sự và dân sự nước ngoài đi qua biển Đông, những căn cứ quân sự của Philippines ở tỉnh Palawan giờ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Tháng trước, Đô đốc Mỹ Philip Davidson, người đang được đề cử trở thành Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng Trung Quốc có thể sử dụng “các căn cứ tiền phương” trên biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và sẽ “dễ dàng lấn át lực lượng quân đội của bất kỳ quốc gia liên quan nào trên biển Đông”.

Bình Giang (tổng hợp)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/co-the-thoi-bung-cang-thang-khu-vuc-1269438.tpo