Có thể thực hiện ngay việc giãn thuế

Nếu ngành thuế triển khai giãn, hoãn thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đó là một trong những liều thuốc bổ trợ cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo quy định hiện hành, DN có thể tự kê khai, tự tính số thuế rồi tạm nộp theo từng tháng hay từng quý. Tuy nhiên, đến hết quý IV hằng năm, DN phải nộp ít nhất 80% số tiền thuế, hạn chót phải nộp đủ số tiền này vào ngày 31-1 của năm tiếp theo; ngày 31-3 là thời hạn chót để DN quyết toán thuế. Theo đó, DN kinh doanh có lãi nếu chưa nộp đủ tiền thuế thì phải nộp thêm, trường hợp DN đã tạm nộp thuế nhưng sau khi quyết toán thuế cho thấy kinh doanh không có lãi thì được hoàn thuế.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), DN cũng tự kê khai, tự nộp theo từng tháng hoặc từng quý. Nếu DN nộp theo tháng thì ngày 20 của tháng tiếp theo là hạn chót phải nộp, nộp theo quý thì hạn chót trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý đó.

Giả thiết đặt ra là ngành thuế giãn hoặc hoãn thời hạn quyết toán thuế thu nhập DN. Khi đó, DN phải nộp thêm thuế sẽ có lợi; ngược lại, những DN được hoàn thuế lại bị thiệt thòi. Điều này sẽ dẫn đến bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế. Còn nếu ngành thuế cho phép DN bị ảnh hưởng Covid-19 giãn thời gian nộp thuế GTGT theo tháng từ 20 ngày lên 60 ngày, gia hạn nộp thuế GTGT theo quý từ 30 ngày lên 180 ngày thì các đơn vị này sẽ sử dụng được một số tiền khá lớn để duy trì sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn.

Ví dụ, quý IV/2019, sau khi khấu trừ thuế đầu vào với đầu ra, DN phải nộp thuế GTGT là 10 tỉ đồng, nếu thời hạn nộp thuế được giãn ra 180 ngày thì DN sẽ có được số tiền phục vụ cho các hoạt động của mình đến hết tháng 6-2020. Khi đó, cơ quan thuế chỉ chậm thu chứ không mất nguồn thu vì thuế GTGT là sắc thuế mà DN thu từ người tiêu dùng buộc phải nộp lại cho ngân sách.

Thực tế cho thấy, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến DN và hộ kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu. Nhiều DN cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Vì thế, cần có các động thái hỗ trợ từ ngành thuế, trong đó có các biện pháp là giảm, giãn thuế.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa (Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM) cho biết việc giảm thuế sẽ phải xin ý kiến nhiều cấp, thậm chí phải điều chỉnh pháp luật về thuế nên mất rất nhiều thời gian, còn việc giãn thuế có thể thực hiện ngay. "Có thể giãn thuế thu nhập DN từ 3-6 tháng, gồm các khoản phải nộp của năm 2019 và quý I/2020. Riêng thuế môn bài năm 2020, ngành thuế có thể miễn hoặc giảm 50% và cho giãn nộp đến cuối năm. Các biện pháp này sẽ giúp DN bớt áp lực, tiếp sức mạnh cho DN và hộ kinh doanh để có thể vượt qua Covid-19" - ông Nghĩa đề xuất.

Theo các chuyên gia tài chính, ngoài việc hoãn, giãn thời gian nộp thuế, cần có chính sách giảm thuế cho hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Điều này sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng bù lại ngành thuế có thể khai thác nguồn thu từ những DN được hưởng lợi nhờ dịch bệnh như thương mại điện tử, vật tư y tế... Đặc biệt, cơ quan thuế có thể đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra những nguồn thu thường bị thất thoát như hoạt động chuyển giá của những DN lớn, người nhận tiền từ Google, Facebook, thuế từ chuyển nhượng bất động sản... nhằm bù đắp nguồn thu.

Thy Thơ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/co-the-thuc-hien-ngay-viec-gian-thue-20200303220655782.htm