Có thể xem mại dâm là một nghề đặc biệt?

Đó là đề xuất của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại Tọa đàm trực tuyến: Có nên công nhận mại dâm là một nghề?, do báo Tiền Phong tổ chức chiều 5/4.

Tọa đàm trực tuyến: Có nên công nhận mại dâm là một nghề?, do báo Tiền Phong tổ chức chiều 5/4. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tọa đàm trực tuyến: Có nên công nhận mại dâm là một nghề?, do báo Tiền Phong tổ chức chiều 5/4. Ảnh: Mạnh Thắng.

Cấm thì vẫn tồn tại

Chia sẻ quan điểm về việc có nên coi mại dâm là một nghề, chị Mai Hương (30 tuổi), từng hoạt động bám dâm ở khu vực phố Trần Duy Hưng (Hà Nội) bày tỏ, chỉ mong pháp luật xem mại dâm là một nghề và bảo vệ những người hoạt động bán dâm. Theo chị, có cấm hay không mại dâm vẫn hoạt động, có cầu sẽ có cung, vì mại dâm là nhu cầu sinh lý bình thường của tất cả con người, nếu cấm nhiều người có nhu cầu sẽ không có chỗ để giải tỏa. Còn lý do cấm mại dâm để bảo vệ nhân phẩm, chị Hương cho rằng: “Với cá nhân tôi, đặc biệt đã làm mẹ, tôi thấy nhân phẩm không phải tới từ nghề nghiệp mình làm, mà là cách mình sống, ứng xử với người khác và xã hội. Còn nếu cứ cấm vì lý do bảo vệ nhân phẩm, nhưng những người bán dâm lại bị chà đạp, cưỡng bức, bạo hành... không ai bảo vệ thì đâu thể coi thế là bảo vệ phụ nữ nữa. Nếu cho phép mại dâm là một nghề, chắc chắn nhiều chị em như tôi sẽ rất vui”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, dù ông không phải người có suy nghĩ quá thoáng, nhưng cần nhìn mại dâm một cách khách quan. Ông kể, đã từng tiếp xúc với ít nhất 15 đại diện các nhóm phụ nữ bán dâm, tất cả họ đều muốn công khai để được pháp luật bảo vệ như một nghề. Theo ông Nhưỡng, xem mại dâm là một nghề hay không cần nhìn toàn diện, như khía cạnh về đảm bảo quyền con người, hỗ trợ phát triển các ngành nghề khác (như du lịch), thu thuế cho ngân sách... “Nếu được, nên xem mại dâm là nghề đặc biệt, với quy chế quản lý đặc biệt. Chúng ta nhìn nhận như vậy sẽ tốt hơn việc để cho hoạt động mại dâm trôi nổi như hiện nay. Hiện, chúng ta vừa không quản lý được hoạt động mại dâm, vừa không đảm bảo được quyền con người, nhiều người bán dâm bị bạo hành, xâm hại nhưng không được ai bảo vệ, họ bị đặt ra ngoài xã hội. Không phải ai cũng thích bán dâm, nhưng đó là quyền, mỗi người được lựa chọn một cách kiếm sống không xâm hại tới người khác và được pháp luật bảo vệ”, đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Minh Bạch cho rằng, trước đây mại dâm bị bắt sẽ đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, nay chỉ bị xử phạt hành chính rồi thả, rõ ràng là đang phạt để cho tồn tại. Do đó, theo vị luật sư này, nên đưa mại dâm vào các khu vực riêng để cho phép hoạt động, kiểm soát, còn nếu hoạt động ngoài khu vực đó là bất hợp pháp và xử rất nặng. “Chúng ta có thể thí điểm trước, như ở Phú Quốc chẳng hạn, ai muốn mua bán dâm thì ra đó, còn nếu hoạt động ở Hà Nội là bất hợp pháp và bị xử lý hình sự. Có thể xem mại dâm như hoạt động của doanh nghiệp, phải đăng ký để hoạt động”, ông Tuấn Anh nói.

Nhà xã hội học - TS Trịnh Hòa Bình cũng đồng quan điểm nên xem mại dâm là một nghề đặc biệt. Vì thực tế mại dâm vẫn tồn tại, và ngày càng phức tạp hơn, nếu xem mại dâm là nghề thì sẽ còn nhiều tranh cãi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kể, năm 2000 từng sang Thái Lan, chính quyền khẳng định không công nhận mại dâm, nhưng có những khu vực riêng mại dâm vẫn hoạt động và chính quyền biết nhưng vẫn để tồn tại. “Chính quyền không có tuyên ngôn công nhận hay bảo vệ mại dâm, nhưng hoạt động mại dâm được tôn trọng trong khu vực nhất định. Còn bất kể ai đứng đường bắt khách sẽ bị bắt và có thể bị xử tù tới 7 năm”, ông Nhưỡng nói. Còn ở Việt Nam, theo vị đại biểu Quốc hội này, các báo cáo đều nói mại dâm có ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, biên giới, thậm chí đi hoạt động ở Singapore... Nên chúng ta phải đánh giá thật và nhìn nhận điều đó, nói dối sao được. “Giờ xã hội đã đi xa lắm rồi, nếu cứ nói cấm mại dâm để bảo vệ thuần phong, mỹ tục thì phải giải thích rõ bảo vệ điều gì, khi có người bán dâm bị tấn công ai bảo vệ họ?”, ông Nhưỡng nói.

Theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý.

Hội phụ nữ nói gì?

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch T.Ư Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, quan điểm của hội luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đặc biệt với phụ nữ. Dù vậy, bà Cầm chưa nói rõ quan điểm về việc có xem mại dâm là một nghề hay không. “Việc có công nhận mại dâm là nghề, thì theo pháp luật Việt Nam, mọi hành vi mua - bán, chứa chấp mại dâm đều bị cấm”, bà Cầm nói. Nhưng theo đại diện T.Ư Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hội thường xuyên có các chương trình hỗ trợ chị em phụ nữ, kể cả với phụ nữ bán dâm, để hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hội cũng giám sát các hoạt động xã hội, trong đó có hỗ trợ về phòng, chống mại dâm.

Do đó, theo bà Cầm, việc nghiên cứu chính sách pháp luật về mại dâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Dù công khai hay cấm hoạt động mại dâm, các chính sách đưa ra cần đi vào cuộc sống, có tính khả thi, thiết thực nhất bảo vệ quyền lợi cao nhất của chị em phụ nữ.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết, tại, buổi Tọa đàm trực tuyến: “Có nên công nhận mại dâm là một nghề?” tuy nói về chủ đề không mới, nhưng luôn gây nhiều tranh cãi. Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng luật về mại dâm, hy vọng buổi tọa đàm sẽ góp một phần tiếng nói vào việc xây dựng chính sách. Các khách mời đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về chủ đề này, đây là tín hiệu sẽ có những thay đổi trong thời gian tới”, ông Sưởng nói.

Luật về mại dâm là để đảm bảo quyền con người

“Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng luật về mại dâm, theo nguyên tắc đảm bảo quyền con người, các công ước quốc tế và thực tế của Việt Nam”. Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Trưởng phòng Chính sách Phòng chống mại dâm (Cục Phòng Chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết như vậy tại Tọa đàm “Có nên công nhận mại dâm là một nghề?”.

Theo ông Dũng, Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp thu, ghi nhận thông tin, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách pháp luật về mại dâm cho giai đoạn tới, trong đó có phương án xây dựng luật về mại dâm. Hiện, Pháp lệnh về phòng chống mại dâm đã được thực hiện hơn 10 năm, có nhiều điểm cần khắc phục để giảm tác hại hoạt động mại dâm gây ra. “Pháp luật thời gian tới phải hướng tới quyền con người, lấy con người làm trọng tâm, theo nguyên tắc pháp luật Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế và xu hướng phát triển của xã hội”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, cụ thể có xem mại dâm là một nghề hay không sẽ ở các giai đoạn sau, khi luật về mại dâm có thể được trình ra vào năm 2020. Tuy nhiên, dù chính sách thế nào, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cũng phải phù hợp với các luật khác, kiểm soát hoạt động mại dâm, ngăn chặn tội phạm liên quan tới mại dâm.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-the-xem-mai-dam-la-mot-nghe-dac-biet-1258666.tpo