Có thực mới vực được đạo

Phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trong Hội thảo giáo dục 2018 tổ chức tại Hà Nội mới đây, đã đưa ra con số đáng chú ý liên quan đến tài chính GD ĐH.

Chất lượng giáo dục ĐH gắn liền với đầu tư và nguồn thu học phí

Chất lượng giáo dục ĐH gắn liền với đầu tư và nguồn thu học phí

Lãnh đạo ngành GD phụ trách bậc học này cho rằng, tài chính của GD ĐH đang rất thấp. Các trường muốn đào tạo chất lượng phải có đủ chi phí phục vụ cho đào tạo nghiên cứu khoa học.

Liên quan đến vấn đề trên, nhiều chuyên gia đều chung quan điểm, tài chính của trường ĐH góp phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, để đảm bảo chất lượng của trường ĐH.

Trong những năm qua, mức độ chi tiêu của trường ĐH trên thế giới thông qua chỉ số suất đầu tư cho 1 sinh viên trong 1 năm đã tăng rất cao. Nếu năm 2004, chi phí bình quân cho 1 sinh viên/năm của các nước thuộc OECD khoảng 11.000 USD, thì đến năm 2014 đã tăng lên trên 16.000 USD.

Ở Việt Nam chi phí bình quân cho 1 sinh viên/năm cũng tăng lên rõ rệt; tuy nhiên vẫn có khoảng cách rất lớn trong chi phí đào tạo trên một sinh viên trong 1 năm giữa Việt Nam và các nước. Điều này, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - PGS Thái Bá Cần, là một trong những lý do cơ bản lý giải những bất cập yếu kém của GD ĐH nước ta hiện nay.

Về vấn đề tài chính cho GD ĐH và gắn liền với nó là học phí hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, hãy sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hiện có, không nên đặt vấn đề tăng đầu tư, tăng học phí, vì điều đó gây khó khăn cho ngân sách và việc tiếp cận GD ĐH của một số đông sinh viên nghèo. Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, nên tính đúng, tính đủ các chi phí để xây dựng mức học phí phù hợp.

Nên lựa chọn cách tiếp cận nào?

Như đã đề cập ở trên, suất đầu tư cho 1 sinh viên của các trường ĐH Việt Nam ít hơn nhiều lần suất đầu tư của các trường ĐH trên thế giới và ngay cả ở khu vực Đông Nam Á. Với thị trường mở như hiện nay, giá cả các thiết bị, vật tư đầu tư cho công tác giảng dạy, học tập ở các nước về cơ bản là như nhau.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có thực mới vực được đạo”, với nguồn kinh phí hạn hẹp, các trường ĐH Việt Nam khó có thể đạt được các chuẩn mực đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, quan điểm của PGS Thái Bá Cần cũng như nhiều chuyên gia GD ĐH khác là: Suất đầu tư cho 1 sinh viên phải được tăng lên. Tuy nhiên việc xác định Suất đầu tư cho GD ĐH không chỉ đơn thuần dựa vào mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn phải tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi trả của hộ gia đình.

Từ phân tích cơ chế tự chủ tài chính cho ĐH công lập tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, 2 chuyên gia Nguyễn Thị Cành và Đoàn Thị Phương Diệp, cùng đến từ Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG - HCM) chung quan điểm khi đưa ra kiến nghị về hoàn thiện cơ chế tài chính cho ĐH công lập tại Việt Nam.

Theo đó, cùng với thực hiện cơ chế tự chủ ĐH nói chung, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế tài chính cho các cơ sở GD ĐH công lập. Thêm vào đó là trao quyền tự chủ tài chính cho các trường trong xác định mức học phí để bù đắp chi phí đầu tư từ Nhà nước còn thấp.

Dù là được Nhà nước đầu tư với mức độ khác nhau và khi các trường ĐH công lập đảm bảo các tiêu chí về năng lực tự chủ ĐH thì có thể giao tự chủ hoàn toàn về tài chính. Cuối cùng, dù là tăng học phí để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nhưng Nhà nước vẫn phải đảm bảo nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công thì chất lượng đào tạo mới được đảm bảo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-thuc-moi-vuc-duoc-dao-3945913-b.html