Có thực Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo?

Khi hay tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Vũ lập tức đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì muốn lưu giữ Quan Vũ nên không cấp giấy qua ải, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt. Các tướng của Tào Tháo không cho Quan Vũ qua ải nên ông phải mở đường máu mà đi… Những có thực là Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo?

Tam quốc Diễn nghĩa là một trong “Tứ đại danh tác” – Một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của nền văn học Trung Hoa từ xưa tới nay. Trong đó phần truyện “Qua 5 ải chém 6 tướng” và “Hồi trống Cổ Thành” được nhiều độc giả ngợi khen tấm tắc vì những tình tiết vô cùng đắt giá cả nội dung lẫn nghệ thuật. Đoạn truyện này nằm ở giữa hồi 28, kể về việc Quan Vũ khi hay tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu liên từ biệt Tào Tháo, đưa hai chị dâu đi tìm, rồi hội ngộ Trương Phi…

Tích "Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng" trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Tích "Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng" trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Chuyện kể rằng: Thuở mới dựng nghiệp, nhà Thục còn yếu. Trong khi đó quân Tào rất mạnh, vì thế nên quân Thục thua liên tiếp. Lưu Bị cùng Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Quan Vũ, Trương Phi bàn mưu kế chống lại Tào Tháo. Kế hoạch bại lộ, Tào Tháo giết bọn Đổng Thừa rồi kéo hai mươi vạn quân đánh Lưu Bị. Ba anh em Lưu, Quan, Trương thua trận rồi ly tán mỗi người một ngả: Lưu Bị chạy sang Nhữ Nam nương nhờ Viên Thiệu, Quan Công bị vây khốn ở Thổ Sơn, Trương Phi trên đường phiêu dạt đã chọn Cổ Thành làm nơi tá túc.

Trong lúc hoạn nạn, Quan Vũ nghe theo lời khuyên của Trương Liêu đưa hai chị dâu (vợ của Lưu Bị) là Cam phu nhân và Mi phu nhân sang ở nhờ Tào Tháo. Mặc dù bất đắc dĩ phải “Thân tại Tào doanh…” nhưng Quan Vũ ra điều kiện rằng: “Chỉ hàng Hán chứ không hàng Tào và nếu biết Lưu Bị ở đâu thì sẽ đi tìm ngay”.

Khi hay tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Vũ lập tức đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì muốn lưu giữ Quan Vũ để sử dụng sau này nên không cấp giấy qua ải, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt. Các tướng của Tào Tháo không cho Quan Vũ qua ải nên ông phải mở đường máu mà đi. Quan Vũ đã phải chém sáu tướng Tào để vượt qua năm cửa ải: Qua ải Đổng Lĩnh chém Khổng Tú, đến ải Lạc Dương chém Hán Phúc và Mạnh Thẩn, qua Nghi Thủy giết Biện Hỷ, vượt ải Huỳnh Dương chém Vương Thực, đến bờ Hoàng Hà giết Tân Kỷ.

Quan Vũ dẫn Cam phu nhân và Mi phu nhân đi tìm Lưu Bị.

Trên đường sang Nhữ Nam tìm Lưu Bị, khi đến Cổ Thành, Quan Vũ hỏi thăm được biết Trương Phi đang ở đấy nên xiết bao vui mừng. Trương Phi vốn nghi ngờ Quan Vũ ăn ở hai lòng nên đã lầm tưởng là Quan Vũ có thâm ý lừa mình để bắt nộp cho Tào Tháo, vì thế “chú Ba” giận dữ không thèm tiếp, lớn tiếng sỉ mắng và dọa đánh Quan Vũ. Ngẫu nhiên, lúc đó tướng Tào là Sái Dương dẫn quân ầm ầm kéo đến khiến Trương Phi càng khẳng định thêm nghi ngờ của mình là đúng.

Thanh minh không được, Quan Vũ hứa sẽ chém đầu tướng Tào để tỏ lòng thành. Trương Phi ra điều kiện: Sau ba hồi trống, Quan Vũ phải chém rơi đầu tướng Tào thì mới tin. Nhưng Trương Phi vừa đánh dứt một hồi trống thì đầu Sái Dương đã bị Quan Vũ chém rơi xuống đất rồi! Trương Phi tạm nguôi giận, rồi sau khi nghe tên lính hầu của Sái Dương cũng bị Quan Vũ bắt, kể đầu đuôi mọi chuyện và rồi được chính Cam phu nhân thuật lại hành trình gian nan trước đó thì mới tin, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường…

Sái Dương là nhân vật hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Thế nhưng có đúng là trong lịch sử, Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo rồi hội ngộ cùng Trương Phi ở Cổ Thành? Trên thực tế, 5 ải này ở cách nhau rất xa và cũng… chả liên quan gì đến nhau. Nó hoàn toàn là tình tiết được La Quán Trung tạo ra. Sau khi bỏ Tào Tháo, Quan Vũ đi trực tiếp từ Hứa Xương về Nhữ Nam tìm Lưu Bị khá thuận lợi.

Thậm chí, 6 tướng bị chém là Khổng Tú, Mạnh Thản, Hàn Phúc, Biện Hỉ, Vương Thực và Tần Kỳ cũng đều không có trong sử sách. Ngay cả Sái Dương cũng chỉ là một hư cấu. Không biết rằng liệu đây có phải câu chuyện được thêu dệt từ dân gian hay La Quán Trung đã sắp xếp nhưng rõ ràng tính xác thực của chiến tích này đã giảm đi khá nhiều.

Chưa hết, Quan Vũ là do buộc phải hàng Tào Tháo chứ không hẳn chủ định đến “nương nhờ”. Vậy nên càng không có chuyện đàng hoàng đưa ra 3 điều kiện bắt Tào Tháo phải hứa như trong tích “Ba điều cam kết ở Thổ Sơn”. Dù vậy, không thể không thừa nhận, việc hư cấu này của tác giả đã nâng lòng trung thành của vị Võ Thánh này lên một tầm cao khó ai với tới.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/co-thuc-quan-vu-qua-5-ai-chem-6-tuong-cua-tao-thao-964564.html