Cỏ thường tươi

Mưa đã nhuần. Năm nào trước và sau Phật đản, chừng như ở hai miền Nam Bắc đều có một thứ thời tiết giống nhau. Sáng sớm trời trong, nắng rát buổi trưa, chinh xế mây trầm và sau đó có mưa.

Riêng mồng 8 tháng 4 âm lịch, ngày sinh của Đức Phật, thế nào cũng mưa lành.

Cỏ ở công viên sau mấy tháng sống nhờ vào vòi tưới của nhân viên công ích, nay trở xanh tăm tắp, nhờ mưa. Một đồi cỏ, đồi giả thôi, đồi được đắp bằng cát hồi người ta thi công, cho khả năng thư giãn cao. Không đứa trẻ nào không muốn động đậy chân trước một đồi cỏ như vậy. Chúng u oa lao từ trên dốc xuống nhưng phía dưới đã là bờ kè, là đường nhựa, là hiểm nguy. Không ở đâu trẻ con đô thị được thả sức với cỏ dưới chân và một cánh diều trên tay.

Ảnh minh họa

Tuổi thơ của tôi thần tiên mặc dù chị em chúng tôi vật lộn với cỏ quanh năm. Một khuôn vườn rộng, khu cam quýt cỏ lưa thưa vài loại có ích khi dùng làm thuốc: cỏ mực, cỏ hôi (cây cứt lợn)... Khu vườn dừa cỏ chỉ, cỏ nước mặn mọc lẫn với lá lốt, càng cua, rau sam, rau má. Làm ngơ vài tuần, cỏ trùm lên lũ rau, vì vậy mà chị em tôi không được ngủ trưa sau khi đi học về, chúng tôi phải ra vườn giẫy cỏ.

Mắt tôi hướng về phía cánh đồng thèm thuồng. Cỏ xanh rợn trước mùa cày, hồi ấy người ta canh tác mỗi năm một vụ mà ngày nay được coi là cách cổ điển làm ra lúa sạch, gạo sạch. Một cây sậy, một chiếc chong chóng thắt bằng lá dừa, chân không bén đất, tôi như bay lên trong gió chiều mặc cho mây sầm sập phía nào. Chong chóng bật ra bay mất, khi ấy ngồi lại với vạt cỏ cũng đủ sướng! Khi ấy lờ mờ biết mình là ngữ đa cảm, đa đoan, bận bịu cảm xúc.

Chiến tranh quá dài nhưng đã thuộc về một quãng ngắn của ký ức. Bước chân đi qua không biết bao nhiêu mét đường có đồng hoang, bờ dại, cỏ tự do. Khi ấy không thấy cỏ đẹp chỉ vì con tim rên rỉ với đau thương, chiến cuộc. Hòa bình đến, lòng chùng xuống, những ý nghĩ mới thực sự thong dong. Hậu chiến bời bời, cỏ khắp nơi, bên miệng hố bom, trên cánh đồng mất những người đàn ông trụ cột. Khi ấy lại để ý đến cỏ ở nghĩa trang, rất nhiều nghĩa trang tạm bợ la liệt những nấm mồ xanh. Tuổi xanh, những cái chết xanh và sự ngã xuống cho đất nước yên xanh. Lúc nào cũng muốn ứa nước mắt.

Bây giờ ở đâu cũng xóm làng, ruộng đồng như tranh vẽ. Không khó để bắt gặp một con lộ chạy giữa hai vạt đồng màu xanh lúa. Đừng tìm một vạt cỏ, không có đâu, bờ xôi ruộng mật, tấc đất tấc vàng. Cỏ công nghiệp ở đô thị luôn có biển đề lịch sự hoặc hình sự: cấm không được giẫm lên cỏ. Chong chóng lá dừa tuyệt chủng, muốn thả diều phải đến biển, chạy trên bãi cát. Nước Mỹ đã nghĩ ra cách khác người, bởi vì họ luôn khuyến khích khác thường: không làm cây hàng rào, nhà nhà nép sau sân cỏ thoai thoải, cỏ thân thiện sát với vệ đường, cảm giác yên bình lan tỏa, cùng khắp.

Tâm tư tôi thuộc loại dễ ngân nga với cỏ. Ở những khu du lịch sinh thái như Bình Quới chẳng hạn, thế nào tôi cũng tháo giày ra, chân trần rón rén để rồi sẽ ngồi bệt trên cỏ chốc lát. Có sao đâu, bị nhắc thì sẽ đứng lên, cười trừ. Ngắm những cây bóng mát, thấy làm cây khó à nha, cây phải có dáng, rễ phải đào sâu mãi xuống đất, đám rễ cần cù ngày đêm âm thầm mới đủ nuôi cây. Những bồn hoa nổi bật nhưng phận hoa luôn sớm nở tối tàn, không né được quy luật khắc nghiệt ấy.

Tuổi già, bỗng dưng cổ thụ, hoa bồn hay cỏ công nghiệp đều khiến mình dửng dưng, không dễ xao lòng. Tâm tư lại hay lưu giữ những hình ảnh dân thường, dân khó, dân nghèo, dân oan… rất đông ở công viên, ở đường phố, ở đồng quê, ở vỉa hè, ở nhà trọ mái tôn và… cả ở cửa công đường. Một biển người nghèo khó đau khổ vì sinh nhai hoặc là vì hoàn cảnh mà xám xịt cuộc đời, mặt mũi, áo quần, không lẫn vào đâu cái sự hẩm hiu của họ. Họ là gì, cỏ sao không xanh, cỏ đang bị mưa sa nắng táp. Nhưng có úa màu thì họ vẫn là cỏ, kín đặc, bện quyện và bền bỉ.

Đến tuổi nào đó, chúng ta sẽ hay tự an ủi kiểu người đến cõi, biết sự hữu hạn của hết thảy. “Cuộc đời có nghĩa gì đâu. Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Đó là quy luật bi quan, cho mỗi người, tránh cũng không xong. Nhưng tôi muốn hát ca về một thứ sức mạnh mà chúng ta thường không nhận thấy khi trước mắt mình là trùng trùng một đám đông dân chúng. Hình ảnh thuyền và nước nói mãi, ca mãi, hô hào mãi đã nhàm. Dân là nước, mà Dân cũng là Đất Nước. Dân vạn đại, cũng như cỏ, phận người phận cỏ, cỏ mà thiêng.

Không dưng mà người đời còn có câu “hoa thường héo cỏ thường tươi”. Một trận mưa giông, cỏ nguyên vẹn và thản nhiên xanh. Không ai tận diệt được cỏ, vì cỏ ở khắp nơi, vững bền, vĩnh cửu.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 21)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/co-thuong-tuoi-post218565.html