Cổ tích Việt và cách kể chuyện mới của Hoàng Thủy Nguyên

Trung tâm sách Kim Đồng (248 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP .HCM) vừa tổ chức triển lãm và giới thiệu sách 'Thiện và Ác và Cổ Tích' do tác giả Hoàng Thủy Nguyên biên soạn cùng 17 họa sĩ vẽ minh họa.

"Thiện và Ác và Cổ Tích” theo nhận xét của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP.HCM, có một cách kể chuyện rất mới lạ.

Bìa cuốn sách "Thiện và Ác và Cổ tích" do Hoàng Thủy Nguyên biên soạn.

Bìa cuốn sách "Thiện và Ác và Cổ tích" do Hoàng Thủy Nguyên biên soạn.

"Các câu truyện cổ tích phần lớn đều được kể ở ngôi thứ ba, thế nhưng trong tập sách tranh này, lại được kể ở ngôi thứ nhất. Mà không phải chỉ có một ngôi thứ nhất, câu chuyện nào cũng có hai nhân vật cùng xưng “tôi” tạo cảm giác tác giả vận dụng kỹ thuật “đa giọng kể” thường thấy trong tự sự học. Cách để hai nhân vật tự xưng “tôi” trong câu chuyện, dưới quan sát của tôi, là cách để khi phụ huynh kể chuyện cho con, có thể giúp bé tự “đóng vai” các nhân vật, lựa chọn nhân vật mà mình thú vị nhất để kể lại câu chuyện. Hình thức “đóng vai” (role play) này là một kỹ năng trong giáo dục hiện đại, giúp trẻ đứng ở nhiều cương vị để thấu hiểu người khác hơn, để tự phân biệt và tìm tòi các khái niệm đúng – sai, nên – không nên trong các câu chuyện giáo dục.

Bằng cái nhìn nhân văn, các câu chuyện cổ tích được giữ nguyên cốt truyện nhưng gia giảm tình tiết, cốt sao cho trẻ biết phân biệt Thiện - Ác, đúng – sai, nhưng không trở nên sát phạt, tàn nhẫn, độc ác. Kết thúc của Tấm Cám, Sọ Dừa,… được giảm nhẹ hơn so với trong truyện cổ tích thường thấy là những ví dụ. Phụ huynh thường phàn nàn, ca cẩm rằng con em chúng ta gần đây hay đọc truyện tranh, mà đọc truyện tranh nhiều sẽ làm cách viết văn trở nên cộc lốc, thô lỗ, cụt ngủn, không lĩnh hội được cái hay của văn chương. Tuy nhiên, với cuốn sách “Thiện và ác và cổ tích” thì ngược lại. Đây là một cuốn sách xuất sắc về những tranh vẽ minh họa nhưng nội dung cũng rất cô đọng, mang đậm tính giáo dục sâu sắc. Đặc biệt sau mỗi câu chuyện đều có phần tổng kết ngắn gọn và sự gợi mở cho người đọc”, cô Hoa Tranh nói.

Tác giả Hoàng Thủy Nguyên trong buổi lễ ra mắt sách.

Về sự bắt đầu với cổ tích, tác giả Hoàng Thủy Nguyên chia sẻ: "Cổ tích là những câu chuyện mang yếu tố thần kì lưu truyền trong dân gian. Theo năm tháng và sự dịch chuyển qua các vùng đất, những câu chuyện có thể được bồi đắp, biến đổi để có thêm các dị bản. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu giữa Thiện và Ác luôn giữ vị trí cốt lõi trong hầu hết các câu chuyện, thể hiện cái nhìn xuyên suốt cũng như ước mơ lớn nhất của con người: Sống là cuộc đấu tranh giữa Tốt và Xấu, giữa Thiện và Ác".

Lựa chọn từ kho tàng truyện cổ Việt Nam, "Thiện và Ác và Cổ tích" là cuộc tập hợp, điểm danh khắt khe với 16 truyện được sắp xếp chặt chẽ liền mạch ý tưởng. Mở đầu là Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, lý giải cách nghĩ của dân gian về nguồn gốc người Việt, thể hiện niềm kiêu hãnh và tự tôn dân tộc, mối quan hệ gắn bó khăng khít keo sơn của cộng đồng trên đất nước Việt Nam. Sách khép lại bằng truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, một truyền thuyết tích hợp nhiều nội dung: Sự nghiệp xây dựng thành Cổ Loa của An Dương Vương; sự sáng tạo vũ khí của người dân Âu Lạc trong cuộc chiến chống lại kẻ thù;... và cuối cùng là câu chuyện tình yêu đầy bi kịch khi một nàng công chúa vô tình tiếp tay cho giặc.

Rất đông bạn bè, đồng nghiệp và báo chí tới buổi ra mắt sách.

Ở "Thiện và Ác và Cổ tích", xuyên suốt tất cả các truyện là hai tuyến nhân vật song song cùng kể chuyện. Là Sơn Tinh và Thủy Tinh trong "Sơn Tinh – Thủy Tinh", người anh và người em trong Sự tích trầu cau, Tấm và Cám trong Tấm Cám, Thạch Sanh và Lý Thông trong Thạch Sanh, Anh Khoai và Phú Ông trong "Cây tre trăm đốt",… Lần đầu tiên cái Ác được lên tiếng để tự "biện hộ", để người đọc có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn. Dẫu cho cuối cùng cái Thiện chiến thắng và cái Ác phải bị trừng phạt, nhưng người đọc hôm nay chắc chắn sẽ có cái nhìn trọn vẹn và cởi mở hơn cả từ hai phía Thiện và Ác.

Đồng thời, với thế mạnh là đơn vị tiên phong trong làm sách artbook, "Thiện và Ác và Cổ tích" của NXB Kim Đồng có sự khác biệt so với các ấn phẩm văn học dân gian đã từng có mặt trên thị trường sách. Các truyện cổ hòa quyện cùng những bức tranh khổ lớn của các họa sĩ trẻ đương đại như một bộ sưu tập tranh ấn tượng. 16 họa sĩ là 16 phong cách biểu đạt khác nhau, tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt, mang đến hiệu quả tiếp nhận mới cho toàn bộ ấn phẩm. Thêm nữa, sách còn được chuyển ngữ qua tiếng Anh các tóm tắt truyện, bước đầu "chào hàng" truyện cổ Việt Nam ra thế giới.

Một bức tranh minh họa trong "Thiện và Ác và Cổ tích".

Sự ra mắt "Thiện và Ác và Cổ tích" được xem là dấu ấn, là bước khởi đầu của Hoàng Thủy Nguyên (sinh năm 1986), là cử nhân Văn học (hệ cử nhân tài năng), thạc sĩ Văn hóa học ĐH KHXH&NV TP. HCM. Trước khi đến với công việc viết sách, Thủy Nguyên từng làm báo và hiện đang quản lý CLB MC nhí, dự án Dạy trẻ làm vườn và yêu thích cây thuốc,... tại TP. HCM.

“Dù sống trong thời đại công nghệ, tôi vẫn tin rằng trẻ em sẽ hạnh phúc nhất khi được bay bổng trong thế giới cổ tích tươi đẹp, cùng niềm tin cái Thiện luôn giành phần thắng trước cái Ác...”, Thủy Nguyên chia sẻ.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/co-tich-viet-va-cach-ke-chuyen-moi-cua-hoang-thuy-nguyen-54116