Có tiền sử bệnh tâm thần vẫn được làm trong ngành công an: Chuyện thật như đùa

Nữ trung tá công an tên Vũ Thùy Linh từng có bệnh sử bị tâm thần, bị rối loạn phân liệt cảm xúc cách đây 8 năm vẫn được làm trong ngành công an.

Chuyện “thật như đùa”

Vụ nữ trung tá công an bị tố "quỵt" tiền lái xe" và có cách ứng xử không chuẩn mực của người cán bộ CAND đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, trung tá Vũ Thùy Linh có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, gia đình đã đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình từ 29/3 đến ngày 11/4/2011 và hiện đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa bà Vũ Thùy Linh đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định.

Mẹ đẻ trung tá Vũ Thùy Linh cho biết, thời gian gần đây, Linh có biểu hiện tái phát bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, trong cách ăn nói, cư xử, sinh hoạt có nhiều biểu hiện không bình thường.

Dư luận đặt câu hỏi, nữ trung tá rối loạn phân liệt cảm xúc có nên trong ngành công an?

Được biết, sau khi nhận được đơn của anh Bùi Đức Hân (28 tuổi, trú thôn Đông An, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình) là tài xế taxi tố cáo việc bị nữ trung tá công an Vũ Thùy Linh cố tình "ăn quỵt" số tiền cước taxi 2 triệu đồng, công an tỉnh Thái Bình đã xác minh vụ việc và ngày 5/12 vừa qua đã có thông tin chính thức.

Theo đó, trung tá Vũ Thùy Linh, cán bộ phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Bình, thuê anh Bùi Đức Hân ngày 7 và 8/11 chở đi một số địa điểm trong tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nội, nhưng không có hợp đồng bằng văn bản. Ngày 8/11, bà Linh có trả cho anh Hân 1 triệu đồng, còn 2 triệu đồng bà L. chưa trả vì cho rằng giá thuê xe như vậy là cao.

Những dòng tin nhắn giữa nữ trung tá công an và tài xế taxi.

Những dòng tin nhắn giữa nữ trung tá công an và tài xế taxi.

Câu chuyện được đẩy lên cao trào không chỉ bởi thông tin “quỵt tiền” tài xế mà còn ở cách thể hiện thái độ của không đúng mực của người cán bộ công an nhân dân khi ứng xử trước dư luận.

Trung tá Vũ Thùy L.đăng thông tin và hình ảnh chụp tin nhắn qua lại giữa 2 người lên trang facebook cá nhân. Ảnh: VTC News

"Nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ" này còn sẵn sàng đối đáp bất cứ người nào khuyên nên trả tiền cho tài xế với ngôn ngữ nặng nề. Đó là những ngôn ngữ vốn không nên có từ một cán bộ công an đã được qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ lẫn đạo đức, am hiểu quy tắc ứng xử của ngành công an và đang giữ hàm trung tá.

Có bệnh tâm thần sao không đi điều trị?

Công an tỉnh Thái Bình xác định: "Trung tá Vũ Thùy Linh có tiền sử bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, đã điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình từ 29/3 đến 11/4/2011. Hiện Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa trung tá Linh đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định".

Chưa hết bức xúc bởi câu chuyện nữ trung tá "quỵt tiền" taxi, dư luận lại được phen "tá hỏa" bởi thông tin “nữ trung tá công an tên Vũ Thùy Linhtừng có bệnh sử bị tâm thần, bị rối loạn phân liệt cảm xúc cách đây 8 năm vẫn được làm trong ngành công an”.

Dư luận đặt câu hỏi: “Vì sao có tiền sử tâm thần mà vẫn phục vụ trong ngành công an?”; “Vì sao mắc bệnh tâm thần từ tháng 4/2011 chưa chữa khỏi mà vẫn được làm việc cho đến nay và vẫn lên cấp bậc?”; “Vì sao đã bị tâm thần mà vẫn không được giải quyết cho nghỉ?”

Một cán bộ Phòng thanh tra Công an tỉnh Thái Bình khi trả lời báo chí về lý do vì sao chưa làm thủ tục cho ra khỏi ngành đối với trung tá Linh khi có bệnh án tâm thần vì: “Theo quy định trung tá Linh phải điều trị liên tục trong khoảng 12 tháng thì mới đủ căn cứ để cho ra khỏi ngành. Chị Linh từng phải nhập viện tâm thần nhưng thời gian điều trị ngắn, thỉnh thoảng mới phát bệnh còn lại vẫn tỉnh táo và làm việc bình thường. Quá trình công tác chị Linh còn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen".

Bà Phùng Thị Minh Thuận - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình nói, chính bà đã trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân Vũ Thùy Linh hồi tháng 4/2011. "Khi đó chị Linh được người nhà đưa đến viện trong cơn kích động mạnh, la hét, đánh đấm, dọa kiện chúng tôi..., chẩn đoán lâm sàng bị 'rối loạn phân liệt cảm xúc' nên phải nhập viện để điều trị", bà Thuận nhớ lại.

Theo hồ sơ bệnh án do Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình cung cấp, bà Vũ Thùy Linh (SN 1980) nhập viện tháng 4/2011, nhưng mới điều trị được hơn một tuần người nhà đã đến làm thủ tục xin cho ra viện dù bệnh nhân khi ấy còn chưa ổn định.

"Chúng tôi dặn dò rất kỹ việc chị Linh phải được đưa đến khám theo định kỳ nhưng từ đó đến nay không thấy chị Linh quay lại để tái khám", bà Thuận cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình cho biết, ông rất quan ngại về trường hợp của bà Linh "nếu không điều trị tích cực thì có nguy cơ mất khả năng làm việc, có thể gây rối cho bản thân, gia đình và xã hội". - ông Ngọc nói.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo Công an tỉnh Thái Bình, trung tá Vũ Thùy Linh có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc và đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa Vũ Thùy Linh đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định.

“Trong trường hợp việc điều trị bệnh không mang lại kết quả tích cực, không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác thì có thể cho xuất ngũ theo quy định. Còn trường hợp kết quả điều trị ổn định, nữ trung tá công an này có thể tiếp tục làm việc thì sẽ tiếp tục làm việc và được bố trí công việc phù hợp”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Xem thêm video: Kẻ nghi ngáo đá đâm chết trung tá công an rồi tự sát

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/co-tien-su-benh-tam-than-van-duoc-lam-trong-nganh-cong-an-chuyen-that-nhu-dua-1313494.html