Có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khi triển khai gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: VGP

Theo Bộ KH&ĐT, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Sự tác động của dịch bệnh này đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động,việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước.

Số doanh nghiêoh đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15 - 54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp.

"Đáng lo ngại ở chỗ, những ảnh hưởng này kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ" - Báo cáo Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, các chính sách cần hỗ trợ kịp thời trong các tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chính sách có thời gian thực hiện dài, có thể thực hiện sang cả năng 2021.

Do đó, cần phải báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện gói hỗ trợ trong năm 2020 và 2021. Số vốn huy động được theo phương án nêu trên, nếu không sử dụng hết có thể báo cáo Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2021.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.

"Cụ thể như, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ" - một ý kiến tại hội thảo này lấy dẫn chứng.

Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần nhất để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về 2 phần.

"Phần một là các chính sách ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Phần hai là những chính sách mới, kể cả nguồn lực từ đâu, cái nào làm được ngay trong cuối năm, chính sách dài hạn như thế nào" - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Cùng với đó, các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình DN và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ mới dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng.

Đồng thời, cần tính toán các biến số có độ bao phủ rộng hơn, xây dựng một mô hình đầy đủ tính toán các yếu tố tác động. Từ đó, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng để phát huy hiệu quả lớn nhất.

“Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ khôngchỉ hỗ trợ, kích thích kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại hội thảo.

Bảo Trân (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/co-tinh-trang-dun-day-so-trach-nhiem-khi-trien-khai-goi-ho-tro-62-ngan-ty-dong-do-tac-dong-cua-covid-19-20200816091716997.htm