Có tình trạng giấu giếm khi xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm

Mặc dù thành phố Hà Nội đã có các quy trình, quy chế xử lý khi xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm (ATTP) rất rõ, song thực tế từ các vụ ngộ độc tập thể hay vụ nước sạch sông Đà gần đây cho thấy, có tình trạng giấu giếm, chậm báo cáo.

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm những ý kiến của một số đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố nêu ra vào cuối phiên họp của HĐND Thành phố sáng 4/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đã có các quy trình, quy chế xử lý khi xảy ra sự cố mất ATTP rất rõ, song thực tế từ các vụ ngộ độc tập thể hay vụ nước sạch sông Đà gần đây cho thấy, có tình trạng giấu giếm, chậm báo cáo.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: NC)

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: NC)

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân khiến việc đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung trên địa bàn Thành phố hiện còn chậm, một phần do nhận thức của các hộ giết mổ khó thay đổi. Quan trọng hơn là lợi nhuận mà họ thu được lớn hơn vì tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành và cung ứng ra thị trường nhanh hơn.

Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khi đưa các hộ vào các khu giết mổ tập trung còn bất cập. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng các khu giết mổ tập trung hiện đại cũng khó khăn, mấu chốt lớn nhất là liên quan tới thủ tục đất đai.

Giải trình câu hỏi của Đại biểu Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) liên quan đến giải pháp ứng phó của Thành phố khi xảy ra các sự cố về mất ATTP ra sao, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, mục tiêu của Thành phố là phải triển khai các biện pháp để làm sao không xảy ra sự cố.

Dù vậy, thực tế vừa qua vẫn xảy ra những sự cố về ATTP như ngộ độc rượu methanol khiến 5 người tử vong, ngộ độc bếp ăn tập thể tại một trường học ở huyện Đông Anh khiến nhiều học sinh nhập viện…

“Thành phố đã xây dựng các quy trình, quy chế rất rõ ràng liên quan đến ứng xử với các sự cố này, có phân công trách nhiệm rất rõ, với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, có phân công trách nhiệm cho các cơ sở y tế đóng trên địa bàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của trung ương trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Thực tế Thành phố cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập…”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khi xảy ra sự cố vẫn còn hiện tượng vào cuộc chậm, xử lý lúng túng, nguyên nhân là do khâu báo cáo chưa kịp thời. Các đơn vị xảy ra sự cố về ATTP, cán bộ tuyến dưới, khi xảy ra vụ việc, ban đầu vẫn có tình trạng giấu giếm. Khi người dân, các cơ quan báo chí phản ánh lên thì lúc đó mới báo cáo, nên vào cuộc không kịp thời.

Quang cảnh phiên giải trình. (Ảnh: NC)

Liên quan đến ứng phó của Thành phố sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy đầu tiên cung cấp nước cho Thành phố được xây dựng ở tỉnh ngoài. Khi xảy ra sự cố, Thành phố đã cử ngay cán bộ xuống lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm chất lượng nước liên tục, đồng thời tiến hành điều tiết nguồn nước từ các công ty cấp nước khác để cấp nước cho người dân.

“Qua sự việc này, chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm và trong thời gian tới Thành phố sẽ có một cuộc họp để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, có ứng phó kịp thời hơn với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Đình Đoàn về việc có thể xây dựng Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực hay không, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai các giải pháp đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, phải tận dụng, phát huy được hết các thế mạnh của Hà Nội, trong đó việc xây dựng, phát triển các thương hiệu về ẩm thực của Thành phố là một trong những nội dung rất quan trọng.

Hà Nội cũng đang thí điểm xây dựng các chuỗi cửa hàng hoa quả đảm bảo ATTP, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, ở các quận huyện khác. Đồng thời, thành phố cũng có chủ trương khuyến khích các nghệ nhân của các làng nghề ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội và hàng năm tổ chức vinh danh họ. “Mục tiêu là làm sao để ẩm thực của Hà Nội trở thành một thứ không thể thiếu được trong đời sống, cũng như là một thứ sản phẩm không thể thiếu được với khách nước ngoài và khách các tỉnh/ thành phố khác khi đến Hà Nội”, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.

Hoàng My

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-tinh-trang-giau-giem-khi-xay-ra-su-co-mat-an-toan-thuc-pham-99062.html