Có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Việc lấy ý kiến xây dựng văn bản, trình tự rút gọn trong xây dựng luật… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) băn khoăn khi báo cáo đánh giá kết quả thực thi luật thời gian qua nhận định cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Từ phía cơ quan Nhà nước, nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến, việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp văn bản. Thực tiễn phản ánh cách thức lấy ý kiến, phương pháp lấy ý kiến, thời gian gửi hồ sơ, lấy ý kiến, nội dung hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến thời gian qua còn nảy sinh nhiều vấn đề, cần phải quan tâm.

“Tôi kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, xác định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan tổ chức tham gia góp ý về đề nghị xây dựng VBQPPL dự án dự thảo VBQPPL. Hoàn thiện cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình phản hồi của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong quy trình này”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa ( Đồng Tháp) cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến trong xây dựng VBQPPL là căn cứ để bảo đảm quy phạm pháp luật được khả thi và tránh áp đặt.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện lấy ý kiến còn một số hạn chế như khi đăng trên cổng thông tin điện tử thì số lượng truy cập vào xem rất thấp và không có ý kiến góp ý hoặc lấy ý kiến trực tiếp thì quy mô rất nhỏ, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan thì việc phản hồi vừa chậm và vừa có tính hình thức.

Đặc biệt, do chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định những dự luật nào sẽ lấy ý kiến nhân dân, những trường hợp bổ sung việc lấy ý kiến nhân dân trong quy trình xây dựng luật thì cũng chưa được quy định cụ thể. Cho nên dẫn tới lúng túng nếu yêu cầu bổ sung.

Ví dụ như trong trường hợp Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa rồi lần thứ 2 cho ý kiến thì yêu cầu lấy ý kiến nhân dân, thời gian rất gấp nên chất lượng lấy ý kiến nhân dân cũng chưa thỏa mãn. Điều này đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng do luật tác động.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định về việc lấy ý kiến theo các tiêu chí sát với thực tiễn và bằng những biện pháp phù hợp. Đề nghị nghiên cứu quy định hình thức, quy mô tổ chức lấy ý kiến, đối tượng, mức độ, đặc biệt là các hình thức này phải quy định như thế nào đối với từng loại văn bản”, đại biểu nói.

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị quy định chặt chẽ các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị quy định chặt chẽ các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn. Ảnh: Quochoi.vn

Có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, đặt ra trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản là cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục rút gọn có thể dẫn tới một số hạn chế như là sẽ làm mất đi cơ hội có ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động hoặc các quy định chính sách được đánh giá trước kỹ càng, thận trọng và có thể dẫn tới hạn chế chất lượng của các văn bản. Hệ quả là có những VBQPPL, mặc dù quan trọng nhưng lại được đề xuất xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nên chất lượng chưa cao.

Có trường hợp Quốc hội phải quyết định chuyển từ hình thức VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn sang quy trình ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục thông thường. Trên thực tế, luật hiện hành chưa quy định cụ thể đối với những trường hợp này nên cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đều gặp khó khăn, lúng túng, bị động trong triển khai thực hiện các bước còn lại.

“Ban soạn thảo cần cân nhắc đưa ra những quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn đối với tiêu chí, quy trình xem xét, quyết định văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để tránh bị lạm dụng và bổ sung thêm quy trình, thủ tục đối với trường hợp ban hành VBQPPL chuyển từ trình tự, thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường và trường hợp chuyển từ quy trình thông qua 2 kỳ họp sang quy trình 3 kỳ họp”, đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), quá trình xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư đang có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn, khá nhiều trường hợp các Bộ đề nghị xây dựng nghị định theo trình tự rút gọn, mà trình tự rút gọn thì không tổ chức lấy ý kiến khiến cho các đối tượng chịu tác động trở tay không kịp.

Ví dụ như giai đoạn sửa đổi gần 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đầu năm 2016, dù việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là việc tốt nhưng xây dựng văn bản theo quy trình rút gọn, tạo cú sốc lớn cho các DN.

Gần đây có tình trạng các luật được ban hành cần có nghị định, thông tư hướng dẫn và phải có hiệu lực cùng thời điểm với luật. Các bộ soạn nghị định và thông tư chậm nên sát đến lúc luật có hiệu lực rồi mà vẫn chưa xong nên thường xin làm theo thủ tục rút gọn để đỡ bị liệt vào diện nợ đọng văn bản.

“Chính vì thế nên có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn, trong khi thông thường nghị định và thông tư mới là chỗ quy định đủ chi tiết để DN có ý kiến đóng góp, còn luật thì quá chung chung để DN thấy có ảnh hưởng đến lợi ích nên thường không đóng góp ý kiến”,đại biểu cho biết.

Để chống lạm dụng quy trình rút gọn, đại biểu đề nghị quy định để được phép rút gọn thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp; bổ sung quy định trong văn bản đồng ý thủ tục rút gọn của Thủ tướng phải ghi rõ áp dụng thủ tục rút gọn theo trường hợp nào và phải lý giải vì sao văn bản này thuộc trường hợp đó.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc xây dựng, ban hành luật với một quy trình ngày càng được chuẩn hóa chỉ là một trong số các yếu tố. Điều quan trọng là tổ chức thực thi với hệ thống các thiết chế bảo đảm và yếu tố con người vận hành trong hệ thống cùng với một xã hội thượng tôn pháp luật.
“Quy trình xây dựng pháp luật sẽ có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-tinh-trang-lam-dung-thu-tuc-rut-gon-trong-xay-dung-van-ban-171046.html