Có tình trạng thách thức dân 'muốn kiện đâu thì kiện'

Người dân muốn gặp lãnh đạo có thẩm quyền, nhưng một số nơi lãnh đạo né tránh, giao phó cho cấp dưới, cho người không đủ thẩm quyền ra tiếp dân và giải quyết, thậm chí còn có trường hợp thách thức dân là muốn kiện đi đâu thì kiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (phải) nhấn mạnh phải có trách nhiệm với nhân dân

Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bùi Mậu Quân (ĐBQH đoàn Hải Dương) đã phát biểu như vậy trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng qua (8/11).

Có trường hợp thách thức dân

Theo ông Bùi Mậu Quân, hiện có một số vụ khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các vụ đông người đang gây nhiều hệ lụy xấu cho an ninh, trật tự xã hội.

Ông nói, người đi khiếu nại, tố cáo đem theo băngrôn, khẩu hiệu, ảnh Bác Hồ, viết vẽ lên người để đến cửa các cơ quan trung ương, thậm chí đến nhà các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Xu thế chính trị hóa khiếu nại, tố cáo cần rất chú ý. Từ vấn đề nhỏ có thể thổi bùng lên vấn đề lớn, trở thành vấn đề chính trị, nhân quyền.

“Để xảy ra tình trạng này là từ nhiều phía chứ không hoàn toàn lỗi của người khiếu nại, tố cáo. Người dân muốn gặp lãnh đạo có thẩm quyền, nhưng một số nơi lãnh đạo né tránh, giao phó cho cấp dưới, cho người không đủ thẩm quyền ra tiếp dân và giải quyết, thậm chí còn có trường hợp thách thức dân là muốn kiện đi đâu thì kiện”, Trung tướng cho hay.

Ông Bùi Mậu Quân đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Người giải quyết phải là người có thẩm quyền, giải quyết phải đi đôi với giải thích, tuyên truyền pháp luật, chứ không phải giải quyết cho hết nhiệm vụ. Đồng thời cũng phải quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý đối với những người tố cáo sai sự thật, lợi dụng tố cáo để kích động, gây mất trật tự xã hội”.

Không cho tố cáo bằng email, điện thoại là quá vô lý!

Cũng về dự án Luật tố cáo (sửa đổi), tại nhiều tổ thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị phải mở rộng hình thức tố cáo chứ không chỉ quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp như trong dự luật.

ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng hình thức tố cáo bằng fax, email là rất bình thường. Thế giới họ làm lâu rồi. “Trong nhiều trường hợp, người ta đang trên đường ra sân bay thấy có vấn đề cần tố cáo mà phải đến trực tiếp, hoặc làm văn bản thì rất khó khăn. Do đó, cần mở rộng hình thức tố cáo như gửi email, fax…”, ông Pha nhấn mạnh.

Đồng tình với ĐB Pha, ông Giang thẳng thắn nói thời buổi công nghệ thông tin phát triển mà người dân không thể tố cáo bằng thư điện tử, bằng fax, điện thoại thì rất khó. Thêm nữa, chúng ta đang thực hiện Chính phủ điện tử mà không cho tố cáo bằng email, điện thoại, fax thì quá vô lý.

Cũng xung quanh tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 sao Luật lại đặt cái đó ra bên ngoài”. Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội là ủng hộ bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại.

“Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mới ngay chiều qua, bà đã chuyển phản ánh về việc người dân 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay Chủ tịch tỉnh đó chưa giải quyết.

“Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho Chủ tịch tỉnh. Chỉ bấm nút chuyển tiếp là đến đúng địa chỉ. Tôi còn chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện những thông tin thế này để theo dõi giúp Quốc hội về tình hình tố cáo. Nếu làm được như thế thì tình hình tố cáo sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Mình phải có trách nhiệm với dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội: “Đừng nghĩ về hưu xong thì thôi”

Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là chủ trương và thực tế đã xử lý cán bộ về hưu. Tuy chưa sửa Luật Cán bộ công chức nhưng Quốc hội đã có nghị quyết.

“Phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi”.

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến phản ánh “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, nên nếu không có cơ chế giải quyết câu chuyện này thì bỏ sót. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội cũng đã xử lý một số cán bộ đã về hưu.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, sửa luật Luật Tố cáo cũng cần bổ sung đối tượng công chức đã nghỉ hưu để giúp nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, có tính răn đe, tránh lợi dụng quy định của pháp luật.

Văn Hùng

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/co-tinh-trang-thach-thuc-dan-muon-kien-dau-thi-kien-post206463.html