Cô Tô tự hào in dấu chân Người

Đến nay đã gần 60 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, ngày 9/5/1961. Khi ấy Cô Tô là vùng đất nghèo nàn, hạ tầng cơ sở còn đơn sơ... Khắc ghi lời Bác dạy, quân dân huyện đảo đã đoàn kết một lòng, xây dựng Cô Tô trở thành một vùng kinh tế năng động, một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Vẹn nguyên ký ức ngày Bác đến

Ông Bùi Đức Bổng năm nay 79 tuổi, ở thị trấn Cô Tô, đến nay vẫn lưu giữ vẹn nguyên ký ức về lần được gặp Bác. Ông kể: “Khi ấy, tôi còn trẻ và trong lực lượng bảo vệ an ninh, an toàn vùng đảo trong thời gian Bác đến. Hồi đó, Cô Tô còn thưa vắng, nhiều chỗ bụi cây rậm rạp, hoang sơ. Bãi đáp máy bay, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên xuống đảo là thửa ruộng trồng khoai lang, bốn bề là cây cối. Khoảng 8 giờ sáng ngày 9/5, chiếc trực thăng chở Bác từ từ đáp xuống trong tiếng vỗ tay vang dội của hơn 4.000 người đủ cả già, trẻ, gái, trai, bộ đội... trên đảo. Bác Hồ chào hỏi, bắt tay các lãnh đạo địa phương, động viên các chiến sĩ, ân cần hỏi thăm các cụ già và chia kẹo cho các cháu thiếu nhi… Sau đó, Bác đứng nói chuyện với nhân dân, đồng bào, cán bộ chiến sĩ. Bác khen ngợi nhân dân đảo Cô Tô đã tận tình giúp đỡ cán bộ và bộ đội trong kháng chiến. Bác căn dặn nhân dân, cán bộ trong hòa bình đoàn kết, tương trợ nhau vượt qua khó khăn, thực hành tiết kiệm, thi đua sản xuất. Bác nhấn mạnh: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng tiến bộ”.

Du khách đến Cô Tô đều tới tham quan tượng đài Bác Hồ trên đảo.

Du khách đến Cô Tô đều tới tham quan tượng đài Bác Hồ trên đảo.

Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Nguyện vọng của người dân Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Công trình vô cùng ý nghĩa này đã được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 78 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô Tô là địa phương duy nhất trong cả nước được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống.

Khu di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô (được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997) bao gồm các hạng mục: Tượng đài Bác Hồ, Đền thờ Bác Hồ, Dốc Khoai, Ao cá, Nhà lưu niệm và Cánh đồng muối. Du khách khi đến Cô Tô hầu hết đều đến thăm tượng đài Bác Hồ, sau đó mới tiếp tục các cuộc hành trình khác. Bãi đáp trực thăng năm nào nay trở thành khuôn viên tượng đài, vạt khoai lang nơi Bác cùng bà con nông dân thu hoạch được dựng bia. Con đường Bác đi từ nơi đỗ trực thăng đến trụ sở xã được mở rộng thành trục đường chính từ bến cảng Cô Tô dẫn về trung tâm hành chính đảo...

Hạ tầng cảng, bến bãi, đường giao thông của Cô Tô được đầu tư, kiên cố hóa đến từng ngõ xóm.

Gần 60 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, người dân Cô Tô luôn tự hào có Bác ở bên. Từ năm 2013, khi được đón nhận nguồn điện lưới quốc gia, Cô Tô đã vươn dậy, phát triển mạnh mẽ. Năm 2016, Cô Tô là địa phương thứ 2 của tỉnh và là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Khắc sâu lời dạy của Bác

Việc học tập và làm theo lời Bác được huyện Cô Tô phát động hằng năm đến tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Năm 2019, huyện Cô Tô đã đưa ra kế hoạch “Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên cơ sở tiếp tục lựa chọn những mô hình làm theo lời Bác có hiệu quả từ các năm trước để nhân rộng, đồng thời xây dựng mô hình mới theo nội dung chuyên đề năm 2019 phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và được phân định cụ thể. Các chi bộ cơ quan hành chính nhà nước chọn nội dung “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân”, “Hết việc không hết giờ”; chi bộ lực lượng vũ trang “Vì nhân dân phục vụ”; chi bộ giáo dục “Vì học sinh thân yêu”; chi bộ khu dân cư "Phát huy dân chủ”, “Chăm lo đời sống nhân dân”. Trong năm 2019, mỗi cơ quan, đơn vị phải có một việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện Đề án “Phân loại rác thải tại nguồn” và Đề án “Hạn chế sử dụng túi nilon”.

Bãi biển Vàn Chảy luôn xanh, sạch, tạo ấn tượng với du khách.

Từ nhiều năm qua, người dân Cô Tô cùng đoàn kết xây dựng đảo vững mạnh, đã biến vùng đảo Cô Tô từ nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, nay chỉ còn 0,5% và phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào những năm tới. Năm 2019, Cô Tô phấn đấu thu nhập bình quân đạt hơn 88 triệu đồng/người/năm, 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh…

Phát huy thế mạnh về ngư trường đánh bắt thủy sản, với nguồn lợi và trữ lượng thủy sản dồi dào bên cạnh khai thác tự nhiên, Cô Tô rất quan tâm hỗ trợ ngư dân trong khai thác thủy, hải sản và xây dựng cơ sở chế biến thủy hải sản tập trung, ổn định diện tích vùng nuôi. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ với diện tích 54ha, tổng mức đầu tư 457 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ được xây dựng với diện tích 54ha, tổng mức đầu tư 457 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông - Hải đảo, ngân sách tỉnh, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, là nơi cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân, như xăng, dầu, nước ngọt, kho bãi hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp, nơi tiêu thụ, sơ chế hải sản... cho khoảng hàng nghìn tàu đánh bắt hải sản; đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày của các ngư dân trên ngư trường Bắc Vịnh Bắc Bộ.

Đặc biệt, từ phát triển du lịch, Cô Tô đã trở thành hòn đảo năng động, nối liền đảo xa với đất liền, hằng năm đón hàng chục vạn du khách gần xa đến với đảo. Mùa du lịch năm 2019, huyện Cô Tô phấn đấu đạt doanh thu từ du lịch tăng từ 10% trở lên so với năm 2018 (Năm 2018 doanh thu đạt 498 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm nay, huyện đảo đón 81.716 lượt du khách, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế là 1.832 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt gần 145 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Du khách đến Cô Tô đều cảm nhận được sự thân thiện, bởi người dân nơi đảo xa luôn thực hiện “thật thà, đoàn kết” như lời Bác dạy. Anh Đỗ Hoài Nam, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho hay: “Từ năm 2018 đến nay, tôi đã 2 lần đến Cô Tô. Tôi cũng đã đi du lịch ở nhiều nơi, nhưng ít có vùng đất nào người dân lại thân thiện như ở đây. Buổi tối ngủ không cần phải khóa cửa, xe máy để ngoài sân qua đêm... Tôi có người bạn đến đây du lịch để quên túi tiền ở khách sạn đã được trả lại. Hiếm có nơi nào người dân lại thật thà đến như vậy”.

Du khách thăm thị trấn Cô Tô bằng xe điện.

Để thuận tiện cho phát triển du lịch, Cô Tô đã đầu tư nhiều hạng mục lớn và đưa vào sử dụng từ đầu năm nay. Trong đó có Dự án công trình đường xuyên đảo Cô Tô, dài 5,1km theo tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng. Con đường có ý nghĩa lớn về an ninh quốc phòng ở tuyến đảo tiền tiêu và một khu du lịch biển đang phát triển như Cô Tô.

Huyện đưa các đội tàu cao tốc chất lượng cao vào phục vụ vận tải hành khách để rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền, từ 3-4 giờ di chuyển, hiện nay chỉ còn 1 giờ. Số lượng chuyến tăng lên đáng kể, từ 1-2 chuyến tàu từ cảng Vân Đồn ra Cô Tô trước kia, nay gần như giờ nào cũng có tàu ra đảo. Cùng với tuyến đường xuyên đảo, các đường nhánh trên đảo được đầu tư, nâng cấp. Hiện Cô Tô có hệ thống giao thông nội huyện và giao thông ngoài đảo bằng hệ thống bến cảng, tàu thuyền.

Đầu năm nay, Cô Tô cũng đã khánh thành Khu Dịch vụ thương mại và phục vụ du lịch huyện Cô Tô, gồm 88 ki-ốt bán hàng tạp hóa cố định trong nhà, 48 ki-ốt bán hàng ngoài trời. Ngoài ra còn 120 điểm bán hàng hải sản của ngư dân đánh bắt trên vùng biển Cô Tô. Công trình đã đáp ứng mục tiêu do huyện đề ra năm 2019 là: Duy trì tỷ trọng khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 50-60% trong cơ cấu kinh tế, doanh thu từ khu vực dịch vụ tăng 19%, gắn với chủ đề công tác của tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ”. Đây được coi là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy Cô Tô hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Cô Tô đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc khác phù hợp với tình hình địa phương như: Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp chữa bệnh, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, tổ chức gala dinner, hoạt động xã hội, từ thiện...), du lịch tâm linh... Huyện đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong phát triển các sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết với các ngành lĩnh vực liên quan và hỗ trợ trực tiếp đến phát triển du lịch, như nông nghiệp (khai thác, chế biến thủy sản là chủ đạo), giao thông vận tải (quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đối ngoại, đường bộ nội đảo, hạn chế các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu đốt, khuyến khích đầu tư các phương tiện thân thiện với môi trường như xe ô tô điện, xe đạp); về xây dựng (chú trọng công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng phù hợp với từng vùng, địa điểm để tạo bộ mặt đô thị sinh thái biển hài hòa, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên).

Bên cạnh đó, Cô Tô chú trọng đầu tư khôi phục và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn, di tích lịch sử (các hạng mục ruộng khoai, đồng muối, nhà lưu niệm Bác Hồ thuộc Khu di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô, di tích lịch sử Đồn Cao). Đây là các điểm du lịch khai thác mang tính bền vững, giúp lớp trẻ Cô Tô có ý thức hơn về lịch sử địa phương mình và nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường, thu hút thêm nhiều khách du lịch và nối gần hơn Cô Tô với đất liền.

Cô Tô đang trên đường trở thành một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201908/co-to-tu-hao-in-dau-chan-nguoi-2452853/