Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười giản dị, tiết kiệm, ghét tiệc tùng, lãng phí

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là một người năng nổ hoạt động, giản dị, tiết kiệm, liêm chính, chí công vô tư và có sức làm việc phi thường

Ông Phan Trọng Kính (Trợ lý cố Tổng Bí thư Đỗ Mười) hồi tưởng lại sau gần 50 năm đi theo phục vụ, dấu ấn đậm nhất mà cố Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại là người làm việc hết sức mình, không mảy may nghĩ đến cá nhân, tâm hồn rất trong sáng, một người năng nổ hoạt động, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và sức làm việc phi thường.

"Uống bia là uống đôla"

Người trợ lý kể về vị cấp trên - cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người làm việc rất say sưa, từ 4 giờ sáng ông đã dậy đọc sách đến 6 giờ, giữ nếp thường xuyên như thế, không bỏ ngày nào. Đặc biệt, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người vô cùng giản dị, tiết kiệm. Ăn uống qua loa, chỉ lấy công việc làm trọng, làm việc hăng say. Lịch làm việc kín từ sáng đến tối. Buổi trưa ông thường không nghỉ, ăn xong thì nghe tin tức hoặc đi công trường, nhà máy, thường đến 18-19 giờ tối mới về, hôm nào có họp thì đến tận đêm mới về.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và trợ lý Phan Trọng Kính. (Ảnh do ông Kính cung cấp)

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và trợ lý Phan Trọng Kính. (Ảnh do ông Kính cung cấp)

Đặc biệt, ấn tượng về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với cấp dưới, những người xung quanh là rất "ghét" các địa phương bày vẽ ăn uống, tiệc tùng. Địa phương mời ăn uống thì bác phê bình ngay. Có lần bác Đỗ Mười dự cuộc họp ở Nam Định và tỉnh có mời bữa cơm rất thịnh soạn. Bác chỉ ăn mấy miếng qua loa rồi đứng dậy và phê phán bày biện lãng phí quá. "Đại diện tỉnh Thái Bình lúc đó cũng dự đã báo về địa phương làm cơm đơn giản khi bác về công tác. Họ đơn giản quá thành ra anh em tôi còn thiếu cơm ăn" - ông Kính vui vẻ kể lại.

Về đức tính tiết kiệm, giản dị, có lần cố Tổng Bí thư đi thăm một đơn vị vận tải biển ở Hải Phòng. Sau khi lên tàu, các thủy thủ có mời bác Đỗ Mười ở lại ăn cơm, với nhiều bia nhập ngoại. "Xong việc, bác Đỗ Mười từ chối ở lại ăn cơm. Bác nói bia phải mua bằng ngoại tệ, "uống bia là uống đô la". Trên đường về, đói bụng, bác hỏi có chú nào mang theo đồ ăn không? May trong đoàn có anh được vợ chuẩn bị cơm nắm muối vừng nên bác Đỗ Mười và cả đoàn có chút dằn bụng qua cơn đói" - ông Kính chia sẻ.

Không muốn đổi nhà to vì lo xa dân, điều tiếng

Về ngôi nhà mà cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng với gia đình đang ở tại 11 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người trợ lý già Phan Trọng Kính cho hay đây là ngôi nhà hai tầng có từ thời Pháp thuộc, được Bộ Nội thương bố trí cho bác Đỗ Mười khi làm Bộ trưởng cùng với một số cán bộ đến ở. "Không ít lần các vị lãnh đạo như ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng khi đến thăm bác Đỗ Mười thấy nơi ở không tiện, mỗi lần đi về hoặc khách đến đều phải xuống xe từ ngoài đường. Các lãnh đạo Đảng đã chỉ thị cho Ban Tài chính - Quản trị Trung ương đổi nhà cho ông lên phố Phan Đình Phùng ở, vừa rộng rãi, tiện lợi, lại gần với cơ quan Trung ương và Chính phủ. Nhưng bác Đỗ Mười không đồng ý và nói ở như thế này là được rồi, vừa gần gũi với nhân dân, vừa ít điều tiếng"- ông Kính bồi hồi kể.

Dấu ấn đối ngoại

Theo ông Phan Trọng Kính, trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng, được điều động đi rất nhiều nơi, nhiều vị trí công tác, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn để lại dấu ấn về tác phong làm việc, lối sống và đặc biệt có nhiều đóng góp lớn, luôn tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Như thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, giải tỏa cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam, chống thiên tai, bão lụt… Thời kỳ khó khăn về lương thực, thực phẩm, bác Đỗ Mười phải đi chạy gạo, chạy tiền. "Nói chung là việc gì khó khăn nhất Đảng giao ông đều hoàn thành. Đặc biệt khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác Đỗ Mười đã giải quyết rất nhanh tình trạng lạm phát phi mã từ 700%/năm xuống 10%/năm. Giải quyết lạm phát là thành tích xuất sắc của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười" - vị trợ lý nhìn nhận.

Bên cạnh thành tích ngăn chặn lạm phát, nhìn nhận về công lao của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phan Trọng Kính nhấn mạnh đến đóng góp về công tác đối ngoại. Cố Tổng Bí thư góp công lớn cho công cuộc đổi mới, từ cơ chế quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, hội nhập các tổ chức tài chính quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ bạn bè quốc tế… góp phần để Việt Nam vượt qua khó khăn ở thời điểm đó. "Trong công tác đối ngoại, bác Đỗ Mười có nhiều thành tích lớn. Khi tiếp khách nước ngoài, kể cả nước tư bản hay xã hội chủ nghĩa ông luôn thân mật, cởi mở với các chính khách, có sức thu hút họ. Kể từ Đại hội VIII đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng, nhà nước ta ngày càng được mở rộng " - ông Kính cho biết.

Cố Tổng Bí thư luôn trăn trở, ray rứt về mục tiêu "công nghiệp hóa". Làm việc với các bộ, ngành, bác Đỗ Mười cũng nói phải công nghiệp hóa, một nước mà không công nghiệp hóa thì không trở nên giàu mạnh. Cố Tổng Bí thư nói kể từ sau khi hòa bình lập lại, nền kinh tế trì trệ, chưa có một nền công nghiệp hóa tầm cỡ, cơ khí hóa tầm cỡ, nên hằng năm Việt Nam phải nhập vật tư, nguyên liệu, máy móc nước ngoài hàng chục tỉ USD. Giá như Việt Nam có nền công nghiệp sớm thì những cái đó không phải mua nữa.

Trong giai đoạn từ khi ông làm Phó Thủ tướng đến Tổng Bí thư, ông luôn chăm lo cho công cuộc công nghiệp hóa như: xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện phía Nam (Sông Hinh, Trị An, Thạch Nham), ngoài Bắc là Sông Đà…, rồi xây dựng đường dây 500 KV để tải điện từ Bắc vào Nam... "Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng quan tâm, chỉ đạo điện khí hóa, công nghiệp hóa" - ông Kính nhớ lại.

Nhiều nước gửi điện chia buồn

Theo Bộ Ngoại giao, nhận được tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, lãnh đạo Trung Quốc, Lào và Campuchia đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông đã sửng sốt khi biết tin "bậc tiền bối lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước Việt Nam", "một người đồng chí và người bạn thân thiết của Đảng và nhân dân Trung Quốc" không may qua đời. Lãnh đạo Lào trong điện chia buồn bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước việc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần. "Việc đồng chí Đỗ Mười từ trần không chỉ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em mất đi một nhà lãnh đạo kính yêu, nhà cách mạng kiên trung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào cũng mất đi một người bạn thân thiết và gần gũi", bức điện có đoạn.

D.Ngọc

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/co-tong-bi-thu-do-muoi-gop-cong-lon-vao-cong-cuoc-doi-moi-20181004221136288.htm