'Cô, trò chúng tôi trên đảo Ngọc Vừng mãi khắc ghi lời Bác dạy'

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), hiện ở thôn Đông Hợp, xã Đông Xá (Vân Đồn), là một trong số những người vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1962 khi Người ra thăm đảo. Bác Hồ đã ân cần căn dặn cô giáo Xuân và học trò phải ra sức thi đua dạy và học để sau này xây dựng đảo quê hương. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Bà Xuân xem lại bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.

Ôn lại kỷ niệm này, bà Xuân rưng rưng xúc động kể:

+ Chuyện đã hơn nửa thế kỷ rồi nhưng với tôi niềm vui tràn ngập ấy vẫn còn xốn xang như mới ngày hôm qua. Trưa hôm đó, ngày 12/11/1962, tôi đang dạy lớp 2 Trường Tiểu học của xã. Cũng như bao ngày, tôi và đám học sinh ùa ra các con đường để trở về nhà khi tiếng trống tan trường vừa điểm.

Bỗng chúng tôi nghe tiếng trực thăng đang bay về đảo Ngọc. Tôi thấy xã viên đang gặt thì bỏ liềm hái xuống, người cày thì cột trâu lại để chạy về phía có máy bay trực thăng. Chẳng hiểu chuyện gì nhưng vì tò mò chúng tôi cũng chạy về phía máy bay. Nhưng chiếc trực thăng lại bay về phía đất liền.

Cứ thế, trong vài tiếng đồng hồ, máy bay đến và đi hai lượt liền. Mọi người thấy sự lạ liền ngơ ngác hỏi nhau, sao hôm nay máy bay bay đến, bay đi nhiều thế. Bỗng nhiên, chiếc trực thăng hạ xuống khoảng đất trống trước mắt chúng tôi. Từ trên trực thăng, một cụ già râu tóc bạc phơ bước xuống đưa tay vẫy chào chúng tôi. Chẳng ai bảo ai từ cụ già, bộ đội cho đến mỗi người dân trên đảo đều ùa về phía ông cụ miệng reo to: "Ôi Bác Hồ. Bác Hồ muôn năm!".

Bác Hồ và thiếu nhi xã đảo Ngọc Vừng. Ảnh tư liệu của bà Xuân.

- Lúc đó không khí trên đảo Ngọc Vừng thế nào, thưa bà?

+ Cả đảo vui mừng khôn xiết. Ai cũng muốn được đến gần với Bác Hồ hơn. Một làn sóng người cuồn cuộn đi theo Bác vào đơn vị bộ đội. Vào tới sân, chúng tôi tự động xếp hàng theo các chú bộ đội. Bác Hồ cùng thủ trưởng đơn vị bộ đội đi xuống thăm bếp ăn. Chúng tôi háo hức đứng ngoài chờ. Một lúc sau, Bác đi ra. Và người đầu tiên Bác Hồ hỏi thăm và ôm là cụ Biên, ông cụ cao tuổi nhất đảo lúc đó, người đã nuôi giấu cán bộ địa phương thời kháng chiến chống Pháp. Bác đến thăm thiếu niên nhi đồng. Bác Hồ hỏi 5 điều Bác dạy. Cậu học sinh Nguyễn Minh Trang, đang học cấp 2 và là liên đội trưởng lúc đó trả lời rành mạch, rõ ràng được Bác khen.

Sau đó, Người lại hỏi đến các cô giáo trên đảo. Tôi đứng hàng sau được ai đó đẩy lên trước. Lần đầu tiên được gặp Bác lại được Bác hỏi chuyện tôi vui lắm. Nhưng cũng vì vui mừng quá mà khiến tôi run bắn cả người. Bác hỏi: "Học sinh của cháu có ngoan không?". Tôi thưa với Bác rằng các em đều chăm ngoan và học giỏi. Bác quay sang hỏi học sinh rằng có bị cô đánh không. Các em đều đồng thanh đáp: "Không ạ".

Bác bảo rằng như thế là rất tốt, rồi nói tôi bắt nhịp cho các em học sinh cùng hát một bài. Tôi bắt nhịp bài hát “Em là thiếu niên tiền phong” rồi lùi ra. Bác gọi vào bảo cháu phải bắt nhịp như thế này nhé. Mọi người cười vang làm tôi đỏ mặt và run quá. Rồi Bác còn căn dặn: "Thầy phải dạy cho tốt, trò phải chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện đạo đức tốt để sau này xây dựng quê hương đất nước". Nói xong, Bác Hồ chia kẹo cho cô trò chúng tôi.

Bà Xuân và chồng thời còn trẻ.

- Lần đó chắc không chỉ riêng cô trò trên đảo vui mừng đến lúng túng phải không, thưa bà?

+ Đúng vậy. Các anh bộ đội vui quá cũng lúng túng đâu kém gì chúng tôi. Bác quay sang hỏi các anh: Các chú xếp hàng thế nào đây? Tôi nhìn ra thì cả quân dân lúc đó mới vỡ lẽ, cười ồ lên khi biết lực lượng hải quân và lục quân đang xếp hàng lẫn với nhau. Lúc đó, một chiến sĩ thưa với Bác: Chúng cháu vui mừng quá đấy ạ.

- Còn những kỷ niệm gì ấn tượng về Bác Hồ mà bà còn nhớ mãi?

+ Hôm đó trời nắng lắm, đồng chí Bí thư Chi bộ xã (Ngọc Vừng lúc đó mới có Chi bộ, chưa có Đảng bộ như bây giờ - PV) đi mượn đâu được một cái ô về bật lên định che cho Bác. Bác liền bảo: "Chú hãy chia cho ông cụ kia kìa. Bác có mũ cối rồi". Nghe Bác nói vậy, chúng tôi xúc động lắm. Chúng tôi nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ. Người về với đảo Ngọc như thể cha về với con, ông về với cháu, anh về với em. Tôi không nghĩ rằng một vị lãnh tụ lại có thể giản dị và gần dân như thế. Bác hoàn toàn không có sự xa cách mà như thể là chúng tôi được đón một người thân thiết trở về quê hương vậy...

Bác rất quan tâm đến tình hình sản xuất trên đảo. Người hỏi thăm tình hình làm ăn của hợp tác xã. Ông chủ nhiệm kính cẩn báo cáo Bác. Sau đó, ông còn dâng lên Bác Hồ một củ khoai rất to độ chừng 3 cân. Bác hỏi: “Các chú trồng thế nào mà có được củ khoai to thế?”. Ông chủ nhiệm báo cáo Bác rằng đây là củ của dây khoai lang trồng trong một gốc cây bị cháy. Gốc cây có nhiều tro nên củ khoai mới to như vậy. Bác phân tích rằng lá cây và tro mục biến thành phân. Vì vậy ta phải chăn nuôi nhiều trâu, bò, lợn, gà để có phân bón ruộng thì lúa màu mới tốt, năng suất mới cao. Đối với vùng giáp biển, dân ta phải biết trồng dương để chắn sóng giữ làng, giữ đất.

Người còn ân cần căn dặn bộ đội trên đảo phải giúp dân xây dựng hợp tác xã giàu mạnh. Dân phải giúp bộ đội bảo vệ đảo và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, bảo vệ cả khu vực biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Rồi Bác Hồ bắt nhịp cho tất cả chúng tôi hát bài ca “Kết đoàn”.

- Khi Bác Hồ tạm biệt đảo về đất liền, tâm trạng của bà cũng như mọi người lúc đó thế nào?

+ Quân và dân trên đảo Ngọc Vừng ai cũng muốn ra tận nơi để tiễn Bác Hồ lên máy bay về đất liền. Lên máy bay rồi, Người vẫn còn vẫy tay chào chúng tôi. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi lại ùn ùn kéo nhau chạy theo hướng máy bay cho đến khi máy bay khuất hẳn rồi mới chịu ra về. Ngày 12/11/1962 như một mốc son với quê hương tôi và là một ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi.

Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng.

- Thế hệ của bà và những học sinh năm đó đã làm theo những lời Bác Hồ căn dặn như thế nào trong những năm tháng sau này?

+ Làm theo lời Bác dạy, người dân quê tôi tích cực thi đua lao động sản xuất, làm cho đồng ruộng lúc nào cũng xanh mướt hoa màu. Con người ở đảo Ngọc cũng ngày càng gắn kết và thương quý nhau hơn. Lớp học sinh năm đó sau này ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Quân và dân trên đảo Ngọc Vừng đều một lòng xây dựng đảo trở thành lũy thép trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo thống kê, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã đảo Ngọc Vừng đã động viên 57 thanh niên lên đường nhập ngũ. Cứ 10 thanh niên thì có 7 người tòng quân, chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn huyện. Trong đó, 56 người được tặng huân chương kháng chiến các loại, 17 người là thương binh, 12 người anh dũng hy sinh, có người là học sinh của tôi năm đó. Xã đảo Ngọc Vừng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Những cô cậu thiếu nhi học sinh của tôi năm xưa luôn nhớ lời Bác, lấy sự quan tâm, gần gũi nhân dân làm kim chỉ nam cho mọi công việc. Những người nào không ra tiền tuyến được thì ở lại đảo, tất cả đều tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là cán bộ, đảng viên ở quê hương. Trong đó có 43 người được tặng huân, huy chương các loại. Ngọc Vừng có 30 người trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ sau này nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong và ngoài huyện. Không ít người là thạc sĩ, bác sĩ, đại tá quân đội. Anh Trang là liên đội trưởng năm đó sau này vào đất liền học tập, trưởng thành làm đến chức Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Cô bé học sinh Lan được gặp Bác năm nào cũng đi học rồi về làm Bí thư Đoàn xã, làm Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, giờ cũng đã nghỉ hưu...

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201905/cuu-giao-chuc-nguyen-thi-ngoc-xuan-co-tro-chung-toi-tren-dao-ngoc-vung-mai-khac-ghi-loi-bac-day-2441757/