Cô trò ra thế giới bằng kết nối Skype

Để mang đến cho học sinh (HS) những tiết học tiếng Anh thú vị, bổ ích, hiệu quả, cô Nguyễn Thị Thúy, GV Tiếng Anh, Trường THPT Minh Đạm (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có nhiều đổi mới trong dạy học.

Cô Nguyễn Thị Thúy cùng học trò (Ảnh nhân vật cung cấp).

Cô Nguyễn Thị Thúy cùng học trò (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ứng dụng CNTT, như ứng dụng Skype kết nối với người bản ngữ đã góp phần "làm mới" tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.

Đem thế giới đến gần hơn

Tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Trường ĐHSP Hà Nội, cô Thúy về dạy học ở Trường THPT Minh Đạm, Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013 - 2014.

Trường THPT Minh Đạm là khu vực nông thôn. Các em HS ít có điều kiện gặp gỡ với người nước ngoài nên khả năng giao tiếp còn kém. Trong khi đó, với cách dạy học truyền thống, HS chủ yếu nắm bắt được phần ngữ pháp, câu cú để làm bài kiểm tra viết và trắc nghiệm. Còn phần nghe, nói, các em thua thiệt nhiều so với những địa phương khác.

Trăn trở trước thực trạng đó, cô Thúy đã tìm tòi, áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, thế nhưng việc khắc phục khả năng nghe và nói cho HS vẫn chưa đạt mong muốn.

Trong quá trình tìm tài liệu dạy tiếng Anh trên Internet, cô biết đến cộng đồng GV sáng tạo Việt Nam và cộng đồng GV sáng tạo Microsoft toàn cầu. Cô đã tìm hiểu các hoạt động trên cộng đồng và biết được cách thức kết nối với HS và GV các nước cùng dạy tiếng Anh. Cô áp dụng phương pháp đưa lớp học ra thế giới bằng cách kết nối Skype với các lớp học khác hoặc mời các chuyên gia trên thế giới nói chuyện với HS.

HS được tiếp xúc trực tiếp với người bản ngữ qua Skype, đã dần cải thiện tính rụt rè, cởi mở giao tiếp với người nước ngoài. Việc sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến, ứng dụng CNTT, nội dung tiệm cận quốc tế đã truyền niềm cảm hứng và tinh thần hăng say học tập của HS.

Em Vũ Tuấn Khang, HS lớp 10 A1, Trường THPT Minh Đạm chia sẻ: Những tiết học qua kết nối Skype luôn mang lại cho em hứng thú. Chúng em được trò chuyện với người nước ngoài, tăng thêm phần tự tin, khả năng nghe nói. Mỗi khi đến giờ học tiếng Anh, ai cũng háo hức chờ đợi những điều mới mẻ, thú vị từ việc kết nối với giáo viên khắp nơi qua Skype của cô Thúy.

Trong giờ học của cô Thúy không còn là những kiến thức khô khan trên giấy mà mang lại tính ứng dụng cao. “Học Ngoại ngữ mà không có môi trường để thực hành thì rất khó để nâng cao trình độ.

Nhờ những giờ học giao lưu với bạn ở nhiều nước trên thế giới, chúng em được giao tiếp, tự tin, hiểu biết hơn về thế giới, biết nhiều về văn hóa, lối sống của nhiều quốc gia khác nhau… Nhờ cô, chúng em có những người bạn quốc tế, điều tưởng chỉ có trong… mơ”, Tuấn Khanh nói.

Cô Nguyễn Thị Thúy

Những dự án dạy học sáng tạo

Năng động, sáng tạo, không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, cô Thúy tham gia nhiều dự án dạy học sáng tạo và đạt kết quả cao. Năm học 2016 - 2017, dự án “Bảo vệ biển quê em” của cô đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp quốc gia trong cuộc thi “Dạy học tích hợp liên môn”.

Năm 2018, cô Thúy thành lập dự án “Phòng chống béo phì”, được tổ chức trên diện rộng, với sự tham gia cộng tác của nhiều trường học châu Á. Dự án “Phòng chống béo phì” tham gia “Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2018”, đạt giải Ba chung cuộc và giải “Khán giả bình chọn nhiều nhất”.

Tháng 3/2018, dự án “Phòng chống béo phì” của cô được Microsoft chọn báo cáo tại “Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu” ở

Singapore. Tháng 4/2018, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu mời cô về chia sẻ với các giảng viên của trường, với chủ đề “Lớp học không biên giới”.

Tháng 12/2018, cô Thúy được mời làm đại diện cho Microsoft tập huấn cho các giáo viên khu vực miền Nam tại TPHCM. Tháng 1/2019, tham gia chia sẻ về Skype, trong phiên hội thảo “Sử dụng Office 365 trong giảng dạy” tại “Diễn đàn giáo dục Việt Nam” ở Hà Nội.

“Đối với môn Tiếng Anh, việc ứng dụng CNTT đóng vai trò rất quan trọng vào sự thành công của quá trình dạy và học. Khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy làm cho bài giảng của GV luôn uyển chuyển, linh hoạt, thúc đẩy sự tương tác giữa người dạy và người học. Mỗi HS có năng lực học tập khác nhau và với ứng dụng CNTT, không HS nào bị bỏ lại phía sau”, cô Thúy chia sẻ.

Động lực lớn nhất để cô Thúy lựa chọn theo đuổi và dành tình yêu cho việc giảng dạy tiếng Anh là sự tiến bộ ở học trò, nhất là quá trình cô giúp các em không còn cảm giác sợ hãi và nhàm chán với môn học.

Thay vào đó, HS trở nên hào hứng với tiếng Anh, học tập và thực hành bằng cảm hứng và tinh thần yêu thích.

Trong việc giảng dạy của mình, cô Thúy đặc biệt quan tâm đến điều HS cần. Mong mỏi lớn nhất của cô là học trò vùng nông thôn có cơ hội được tiếp cận với phương pháp học tập mới nhất, từ đó giúp các em hội nhập dễ dàng hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Cô Thúy cho rằng, người giảng dạy tiếng Anh đóng vai trò như một sứ giả truyền cảm hứng. Để làm được điều đó, cô luôn coi trọng sự thấu hiểu giữa cô và trò. Đó là yếu tố tiên quyết để hoạt động dạy – học luôn chất lượng, tạo cảm hứng nhất định để duy trì động lực với môn học.

Thầy Nguyễn Đức Trung – Hiệu phó Trường THPT Minh Đạm cho biết: Cô Thúy là giáo viên trẻ, đam mê, nhiệt huyết, chuyên môn vững vàng; tiên phong trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; đặc biệt là áp dụng CNTT trong dạy học, giáo dục tích hợp.

Cô Thúy được Microsoft công nhận là chuyên gia sáng tạo. Cô đang triển khai nhiều dự án dạy học ở trường, đặc biệt là tham gia đổi mới phương pháp kết nối với các GV trong và ngoài nước đổi mới dạy học tiếng Anh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/co-tro-ra-the-gioi-bang-ket-noi-skype-3999353-b.html