Cố vấn 'hung thần thương chiến' của TT Trump có công thức chiến thắng?

Trong các cố vấn của ông Trump, Peter Navarro là nhân vật cứng rắn về kinh tế, luôn thúc đẩy xu hướng bảo hộ trong khi các cố vấn khác muốn ôn hòa hơn.

Đầu năm nay, Mỹ dọa sẽ rời khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), tổ chức đã bảo đảm hoạt động chuyển thư đi khắp thế giới từ năm 1874, để buộc UPU cho phép Mỹ đơn phương tăng giá đối với bưu kiện từ Trung Quốc và một số nơi khác. Đó là một chiến thắng đối với ông Navarro.

Trả lời phỏng vấn, ông Navarro từng nói đó là hình mẫu để Mỹ theo đuổi cải cách ở các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.

“Những tổ chức đa phương này đã thoải mái coi chúng tôi là con lợn đất nhiều thập kỷ nay. Và trước thời Tổng thống Trump, không ai trong phòng Bầu dục, hay Bộ Ngoại giao, hay Điện Capitol (Quốc hội) làm gì về điều đó”, ông Navarro nói. “Họ không biết đối phó hiệu quả thế nào đối với các tổ chức đa quốc gia này”.

Những lời đó như lời cảnh báo: Dù ông Trump đang cố gắng đi đến một thỏa thuận phần nào hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhiều cố vấn của ông vẫn đang mở các mặt trận khác, Bloomberg bình luận.

Trong các cố vấn của ông Trump, Peter Navarro là nhân vật cứng rắn về kinh tế, luôn thúc đẩy xu hướng bảo hộ. Ảnh: AP.

Thắng lợi ở UPU có áp dụng được ở WTO?

Vấn đề với UPU bắt đầu từ tháng 2/2018, khi ông Trump thấy một bài xã luận đăng trên Wall Street Journal của chủ một doanh nghiệp sản xuất cốc, nói rằng không thể cạnh tranh với cốc làm từ Trung Quốc, vì hàng từ Trung Quốc được đưa sang Mỹ với giá vận chuyển rẻ hơn giá “ship” trong lòng nước Mỹ.

Ông Navarro lập luận rằng quy định của UPU, giới hạn giá tiền mà ngành bưu chính Mỹ và các nước có thể tính đối với bưu phẩm gửi đến, là không công bằng.

“Như vậy chúng tôi đang trả nửa tỷ USD để trợ giá cho hàng Trung Quốc, để rồi khiến hàng nghìn người Mỹ mất việc”, ông nói.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã ngăn cản các nỗ lực của Mỹ muốn thương lượng lại giá vận chuyển, bằng cách tập hợp một nhóm các nước đang phát triển để chống đối lại các thay đổi, đồng thời lợi dụng sự chia rẽ giữa Washington và các đồng minh như Đức, vốn có hệ thống bưu chính khác biệt.

Ông Navarro đã dùng thế mạnh của mình để gây sức ép với UPU. Đó là việc ông Trump sẵn sàng rời khỏi UPU. Tổng thống Mỹ đã công khai đe dọa như vậy vào tháng 10/2018, cho tổ chức này một năm để đáp ứng yêu cầu.

Ông Navarro đã tập hợp một nhóm các nước để cùng vượt qua các bước cản trở của Trung Quốc. Cuối cùng, tháng 9 vừa qua ở Geneva, hội nghị đặc biệt ở UPU đồng ý về một hệ thống xác định giá vận chuyển mới.

Liệu thắng lợi ở UPU có phải là công thức lặp lại được ở WTO hay không là điều chưa rõ ràng, một số quan chức chính quyền đã thừa nhận. Nhưng không có nghĩa ông Navarro không tìm cách.

Ông Trump cũng không hề giấu giếm sự coi thường WTO. “Họ biết là tôi vẫn đang phân vân về WTO”, ông nói trong bài phát biểu ngày 12/11.

Ông cũng thường xuyên bóng gió với các cố vấn về việc rời WTO, nhưng việc rút khỏi tổ chức này - đồng nghĩa với phá hỏng hệ thống thương mại quốc tế - sẽ đòi hỏi Quốc hội phải vào cuộc.

Trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP.

WTO - mặt trận thương chiến tiếp theo sau Trung Quốc?

Theo Bloomberg, Mỹ đã “bóp nghẹt” cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO khi ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán mới trong cơ quan khiếu nại của tổ chức.

Washington cũng gia tăng sức ép khi dọa sẽ phản đối ngân sách của WTO, và đòi chấm dứt quy định cho phép Trung Quốc và các nước tự tuyên bố là “nước đang phát triển”, để được phép mở cửa kinh tế chậm hơn.

Ông Navarro lập luận rằng cần phải đi xa hơn và đàm phán lại hệ thống ưu đãi tối huệ quốc (Most Favored Nation), nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO, theo đó nếu đưa ra ưu đãi đối với một thành viên WTO thì phải ưu đãi tương tự với các thành viên khác.

Giới phân tích cho rằng những bất cân bằng trong thương mại hiện tại phần nào đến từ việc Mỹ muốn bảo vệ một số ngành hơn những ngành khác. Chẳng hạn, Mỹ tính thuế 2,5% đối với xe hơi nhập khẩu, so với 10% của Liên minh châu Âu (EU). Nhưng Mỹ áp thuế 25% đối với xe tải hạng nhẹ, bảo vệ các nhà sản xuất trong nước như Ford và General Motors.

Ông Navarro phủ nhận điều này, và đề xuất dự luật Thương mại Đối ứng (Reciprocal Trade Act) gửi tới Quốc hội, nhằm cho phép tổng thống đơn phương tăng thuế đối với bất kỳ nước nào tính thuế cao hơn Mỹ trong một số sản phẩm. Tổng thống Trump đã ủng hộ dự luật, nhưng rất khó có khả năng Quốc hội sẽ ủng hộ.

Không phải ai trong chính quyền cũng đồng tình với cách tiếp cận đe dọa rời UPU hay WTO. Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, đã nói nếu không có WTO, Mỹ cũng sẽ phải tạo ra một tổ chức tương tự.

Hiện tại, chiến dịch cải cách WTO của Mỹ sẽ phải đứng sau việc đối phó với Trung Quốc trong danh sách các ưu tiên. Nhưng đó là một mặt trận trong cuộc chiến rộng lớn mà chính quyền muốn tiếp tục, theo Bloomberg.

“Chúng tôi có một cuộc chạy việt dã trong chính sách thương mại, để khắc phục mọi sai trái mà người lao động Mỹ đã phải chịu đựng”, ông Navarro nói.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/co-van-hung-than-thuong-chien-cua-tt-trump-co-cong-thuc-chien-thang-post1024387.html