Cố vấn khởi nghiệp trên hành trình khởi nghiệp sáng tạo

Tìm kiếm một cố vấn khởi nghiệp là một trong những việc đầu tiên mà bất cứ một công ty khởi nghiệp sáng tạo, một nhóm hay cá nhân ngay khi bắt đầu đưa ý tưởng sáng tạo dành cho sản phẩm và dịch vụ kinh doanh đều tiến hành.

Cố vấn khởi nghiệp là mối quan hệ tự nguyện và dài hạn (thường từ 6 - 12 tháng) giữa người cố vấn với người khởi nghiệp. Trong đó, người cố vấn sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để dìu dắt người khởi nghiệp phát triển năng lực giải quyết vấn đề.

Theo ông Trần Trí Dũng - Thư ký điều hành Sáng kiến Cộng đồng Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam, các startup có thể nhận được lợi ích rất cụ thể từ những chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của các cố vấn khởi nghiệp. Các cố vấn khởi nghiệp lý tưởng thường là những doanh nhân thành đạt trên con đường kinh doanh.

Ông Trần Trí Dũng - Thư ký điều hành Sáng kiến Cộng đồng Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam

Ông Trần Trí Dũng - Thư ký điều hành Sáng kiến Cộng đồng Cố vấn Khởi nghiệp Việt Nam

Về vai trò của cố vấn khởi nghiệp trên hành trình khởi nghiệp sáng tạo, ông Dũng cho biết, người cố vấn đầu tiên phải là người lắng nghe và đặt câu hỏi. Các startup thường tìm đến cố vấn để tìm câu trả lời tháo gỡ khó khăn đang phải đương đầu. Nhưng công việc của cố vấn khởi nghiệp không phải là đưa ra câu trả lời do những thách thức muôn hình vạn trạng và thay đổi liện tục mà công ty khởi nghiệp phải đối diện, không có một giải pháp hoàn hảo cho tất cả startup. Vì vậy, điều quan trọng là sau thời gian làm việc cùng cố vấn, các startup có năng lực tự tìm ra giải pháp cho chính mình. Khi đó, người sáng lập công ty thực sự trở thành nhà lãnh đạo dẫn dắt đội ngũ của mình trong môi trường kinh doanh cạnh tranh.

Thứ hai, người cố vấn là người truyền cảm hứng. Hành trình khởi nghiệp có rất nhiều áp lực và trở ngại. Các nhà sáng lập dù có mạnh mẽ, tự tin và vững vàng tới đâu cũng luôn cần được động viên. Sẽ rất hiệu quả khi nguồn cảm hứng để tiến bước đến từ sự đồng cảm và chia sẻ trải nghiệm từ những người đã từng vượt qua thử thách tương tự để có được thành tựu như hôm nay.

Thứ ba, người cố vấn là giảng viên. Khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, nhà sáng lập mau chóng nhận ra nhu cầu học hỏi rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, tới kỹ năng quản trị, tới cách ra quyết định và tư duy lãnh đạo. Đồng thời, người sáng lập cần phải học rất nhanh để bắt kịp guồng quay của thị trường. Khi ấy, người cố vấn là người mang kiến thức tới và đưa ra chỉ dẫn để quá trình học tập hiệu quả nhất.

Thứ tư, người cố vấn là huấn luyện viên. Mọi ý tưởng kinh doanh đều tuyệt vời nhưng ý tưởng chỉ được thực thi hiệu quả mới đem lại lợi nhuận và thành công. Bắt tay vào thực thi y tưởng là lúc người khởi nghiệp bối rối trước nhiều công việc chưa từng thực hiện. Người cố vấn với trải nghiệm phong phú sẽ đồng hành cùng nhà sáng lập xử lý từng phần việc cụ thể, dìu dắt để nhà sáng lập trở nên thành thục trong công việc sản xuất, kinh doanh, và quản trị điều hành.

Thứ năm, người cố vấn là nhà tư vấn. Khi công ty khởi nghiệp phải giải quyết công việc cần tới năng lực chuyên gia mà người cố vấn có thể đáp ứng thì, tùy vào tình huống cụ thể, người cố vấn có thể làm việc cùng công ty như một Chuyên gia tư vấn.

Thứ sáu, người cố vấn là đối tác kinh doanh và/hoặc nhà đầu tư. Trong một vài tình huống thực tế, kết quả của quá trình là việc gần gũi và tin tưởng lẫn nhau và người cố vấn trở thành đối tác kinh doanh và/hoặc nhà đầu tư của công ty khởi nghiệp. Những trao đổi cởi mở, trung thực và chuyển biến tích cực của bản thân Người sáng lập của công ty khởi nghiệp có sức thuyết phục rất lới với quyết định đầu tư hay công tác kinh doanh của người cố vấn. Tuy nhiên, đây là thời điểm nên xác định lại mối quan hệ và vai trò của người cố vấn khởi nghiệp để tránh những xung đột lợi ích phát sinh.

My Anh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khoi-nghiep/co-van-khoi-nghiep-tren-hanh-trinh-khoi-nghiep-sang-tao-5422.html