Cố vấn thủ tướng Nhật: Nếu tiếp tục đà này, đất nước sẽ biến mất

Giữa lúc dân số Nhật Bản giảm nhanh và số ca sinh mới đạt mức thấp kỷ lục, các quan chức đang tìm cách đưa ra những biện pháp mới 'chưa từng có' với hy vọng đảo ngược xu hướng này.

 Ông Kishida đang tìm cách chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ em sang người làm cha. Ảnh: Bloomberg.

Ông Kishida đang tìm cách chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ em sang người làm cha. Ảnh: Bloomberg.

Nhật Bản đang trong tình trạng “báo động”, khi số lượng trẻ được sinh ra ở nước này vào năm ngoái thậm chí còn sụt giảm nhanh hơn dự kiến.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng sẽ thay đổi xu hướng nhân khẩu học, với cam kết đưa ra loạt biện pháp “chưa từng có”.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 23/1, ông cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ở bờ vực “không thể duy trì các chức năng xã hội”, Reuters đưa tin.

Nỗ lực giải quyết từ gốc

Trong những tuần gần đây, chính phủ đưa ra những ý tưởng như bắt buộc nghỉ sau khi sinh con, xóa nợ sinh viên cho những người có con và khoản thanh toán 10 triệu yen cho đứa con thứ ba, theo Bloomberg.

Một số phương án gây tranh cãi và sẽ không được đưa vào gói biện pháp cuối cùng, nhưng ông Kishida hứa hẹn các biện pháp sẽ ở “khía cạnh khác” so với những nỗ lực trước đó.

Là một phần nỗ lực mới nhằm giải quyết vấn đề, cơ quan mới dành cho trẻ em và gia đình sẽ mở cửa vào ngày 1/4 tới. Chính phủ Nhật vạch ra lộ trình tăng gấp đôi chi tiêu cho cơ quan này vào tháng 6. Ông Kishida đã bắt đầu đưa ra một số đề xuất và dự kiến có thêm thông tin chi tiết vào cuối tháng.

Nhật Bản không đơn độc trong vấn đề này. Dân số Trung Quốc bắt đầu giảm, trong khi Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản còn vào thế khó hơn, với hơn 29% dân số từ 65 tuổi trở lên. Năm ngoái, số ca sinh của nước này thấp kỷ lục và giảm khoảng 0,6% tổng dân số.

Cố vấn thủ tướng Masako Mori hồi đầu tháng 3 cảnh báo việc không chặn đà trượt dốc sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm không chỉ cản trở tăng trưởng kinh tế, mà còn dẫn tới hệ thống lương hưu sụp đổ, gây áp lực tới các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng.

“Nếu tiếp tục đà này, đất nước sẽ biến mất. Chính những người phải sống trong quá trình biến mất đó sẽ phải đối mặt với tác hại to lớn”, Bloomberg dẫn phát biểu của bà Masako Mori trong một cuộc phỏng vấn.

Thủ tướng Fumio Kishida (giữa) thăm cơ sở chăm sóc trẻ em ở Soma, tỉnh Fukushima, vào ngày 11/3. Ảnh: Kyodo.

Hôm 17/3, ông Kishida bắt đầu tiết lộ một số ý tưởng khuyến khích mọi người sinh con. Vị thủ tướng nói Nhật Bản chỉ còn vài năm nữa để khắc phục “khủng hoảng quốc gia”.

Ông Kishida đang tìm cách chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ em sang người làm cha và cộng đồng, khi nhiều trường hợp hầu như chỉ do phụ nữ gánh vác. Ông giới thiệu khoản trợ cấp mới nhằm thúc đẩy 85% đàn ông nghỉ thai sản vào năm 2030, so với 14% hiện tại.

Nếu xu hướng này tiếp tục, “khi chúng ta đến những năm 2030, số lượng thanh niên sẽ giảm với tốc độ gấp đôi hiện tại”, ông Kishida nói khi phác thảo các chính sách nhằm thay đổi “cấu trúc và ý thức xã hội”.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phụ nữ thực hiện phần lớn công việc không được trả công ở Nhật Bản, khoảng 3 giờ 45 phút mỗi ngày, so với 40 phút của nam giới. Phụ nữ nước này ngủ ít hơn so với phụ nữ ở mọi quốc gia được khảo sát. Nhật Bản cũng đứng đầu bảng xếp hạng của OECD về tỷ lệ phụ nữ không có con.

“Căn nguyên của toàn bộ vấn đề là nam giới và các tập đoàn chưa coi nuôi dạy con cái là chuyện của chính họ”, Shiro Yamasaki - cố vấn nội các, người trước đây là quan chức cấp cao của Bộ Lao động và Phúc lợi Y tế - chia sẻ. “Nếu điều đó không thay đổi, sẽ không có giải pháp nào cả”.

Tiếp cận căn bản có thể là giải pháp

Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm gần đây của các quốc gia khác, chính phủ hỗ trợ nhiều hơn hay thúc đẩy bình đẳng giới không phải lúc nào cũng đảm bảo tỷ lệ sinh sẽ tăng lên.

Tỷ lệ sinh ổn định lâu dài ở các nước Bắc Âu, mà theo nghiên cứu là nhờ các chính sách xã hội, đã giảm trong những năm gần đây.

Những biện pháp như hỗ trợ thêm tiền hay thúc đẩy bình đẳng giới chưa chắc đã đảm bảo tỷ lệ sinh sẽ tăng. Ảnh: Akashi City/Kyodo.

Ông Kishida cũng có kế hoạch giải quyết vấn đề thu nhập thấp trong giới trẻ. Hiện tại, nhiều người đang làm công việc thiếu tính ổn định với mức lương thấp và không được hưởng phúc lợi xã hội đầy đủ. Theo dữ liệu của chính phủ, tiền lương của những người ở độ tuổi 30 đã giảm dần trong 20 năm từ 1997-2017.

“Thiếu tính ổn định là vấn đề lớn với nam giới. Định kiến xã hội cho rằng đàn ông phải có khả năng hỗ trợ gia đình”, Mary Brinton - giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard - cho biết.

Mối quan tâm về triển vọng thu nhập có thể không chỉ giới hạn ở nam giới. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Daiwa cho thấy tỷ lệ sinh đã tăng lên trong thập kỷ qua ở nhóm phụ nữ làm toàn thời gian, trong khi tỷ lệ này bắt đầu giảm ở nhóm chỉ làm bán thời gian hoặc hoàn toàn không làm việc.

Dù số lượng người nước ngoài sống tại Nhật Bản đạt kỷ lục hơn 3 triệu vào cuối năm ngoái - tăng hơn 11% so với năm trước, nhập cư hiện không có khả năng bù đắp sự thiếu hụt hiện tại.

Một cách tiếp cận căn bản có thể là cơ hội duy nhất thành công, như cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Bà Brinton cho rằng việc nghỉ phép sinh con được trả nguyên lương từ 4-6 tuần là bắt buộc. Trong khi đó, Kazumasa Oguro - giáo sư tại Đại học Hosei - đề xuất khoản tiền mặt trị giá 10 triệu yen cho các cặp vợ chồng sinh con thứ ba.

“Thật khó để thoát khỏi đà tỷ lệ sinh giảm với các biện pháp nửa vời”, ông Oguro nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-van-thu-tuong-nhat-neu-tiep-tuc-da-nay-dat-nuoc-se-bien-mat-post1416110.html