Có việc lợi dụng quy hoạch để đầu cơ trung gian, đẩy giá đất lên cao

Các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Tiếp tục phiên làm việc tại hội trường, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Sau đó, đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng: “Việc thực hiện các dự án về quy hoạch chuyên ngành vẫn còn chậm, chưa đồng bộ, thiếu kết nối bên trong, bên ngoài. Các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại không đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Nhà cao tầng ở các đô thị lớn phát triển nhanh gây quá tải, tăng dân số cơ học, ách tắc giao thông, công viên, khu vui chơi giải trí, bãi đỗ xe bị lấn chiếm thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

“Tình trạng mặc kệ hoặc lờ đi các dự án thu hồi đất, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh, khai thác quỹ đất, lập lờ chưa tách bạch rõ ràng giữa đất tín ngưỡng tôn giáo và đất thương mại dịch vụ là vấn đề cần phải làm rõ, tách bạch đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Vẫn còn tình trạng không thực hiện lựa chọn nhà thầu đầu tư thay hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp đặt hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hình thức.

Như đã chọn nhà đầu tư rồi, đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ pháp lý cho đấu thầu, các nhà đầu tư khác muốn tham gia đấu thầu nhưng hồ sơ không được phê duyệt đương nhiên sẽ bị loại, chỉ còn lại nhà đầu tư đã được chọn”, đại biểu Hòa nói.

Có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý. Cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền, giao đất không đúng đối tượng, không hợp lý…

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài đối với đất thương mại dịch vụ sản xuất kinh doanh không đúng quy định. Lợi dụng quy hoạch để đầu cơ trung gian về đất đai đẩy giá lên cao…

Việc xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc, khâu áp dụng các phương pháp giá đất còn sai sót, không phù hợp với quy định, không phù hợp với giá thị trường gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Nguồn thu từ sử dụng đất đai chưa đảm bảo bền vững, chủ yếu từ hình thức giao đất, cho thuê đất, tiền sử dụng đất… Thực hiện công tác bồi thường, tái định cư cho một số dự án còn chậm, tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở các tồn tại trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính Phủ và Quốc hội quan tâm, xử lý một số vấn đề: “Đề nghị Chính Phủ chỉ đạo, thực hiện nghiêm công khai minh bạch, chuyển giao đất, cho thuê đất, để thực hiện các dự án kinh tế xã hội, thông qua đấu giá việc sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Có cơ chế phân bổ đất đai đảm bảo hài hòa đất ở, đất giao thông, đất công cộng, khu vui chơi giải trí…

Quản lý chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch để không tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số đô thị, đảm bảo cây xanh, công viên, bãi đỗ xe và các hạ tầng xã hội khác”.

Đại biểu đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế, bất động sản.

Về cơ chế chính sách giá đất, tài chính về đất đai, đại biểu nhấn mạnh, cần chỉ đạo các cơ quan tự xác định cơ chế về giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai theo hướng minh bạch.

Việc sử dụng đất là hàng hóa, giá cả của nó phải tuân thủ theo luật cung-cầu của thị trường.

“Giá đất luôn vận động và thay đổi theo hướng cung cầu. Để thực hiện minh bạch tài chính đất đai, nhà nước chỉ có thể ban hành khung pháp lý về giá đất.

Trong đó, hoàn thiện bảng giá đất với các chỉ số điều chỉnh được công bố, công khai thực hiện đấu giá nghiêm túc khi nhà nước tiến hành thu hồi đất.

Các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế giá đất để bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Vì vấn đề sử dụng, bồi thường đất là vấn đề nóng hiện nay dẫn tới việc nơi nào cũng có người dân khiếu nại kéo dài.

Việc xác định giá đất, tài sản giá trị quỹ đất cần được sự đồng thuận của các bên có liên quan. Nhất là người dân trong vùng dự án đảm bảo khách quan, minh bạch. Nếu không sẽ gây ra mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có…

Chỉ đạo các địa phương kiên quyết thu hồi sử dụng đất với các dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch treo.

Rà soát các dự án kém hiệu quả, hiệu quả thấp được bố trí trên các khu đất vàng để kêu gọi đầu tư nhằm phát huy tối đa lợi thế bất động sản về đất đai…

Hạn chế tối đa xây dựng nhà cao tầng ở các khu đô thị lớn, khu dân cư dày đặc, chỉ đạo thu hồi các cơ quan, trụ sở gắn liền với đất của các trụ sở di rời ra ngoại ô mà vẫn tự ý sử dụng để ở hoặc cho thuê mục đích thương mại”, đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - đoàn Phú Thọ thì đề cập tới một khía cạnh khác bất cập trong tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để nộp ngân sách.

“Hiện nay, rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân gây bức xúc khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Đúng là có khó khăn trong việc xác định khung giá đất của Chính phủ việc xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn cách biệt so với thị trường.

Cũng cần hoàn thiện phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất, giá đất cụ thể. Đảm bảo lợi ích cho người dân cũng như tránh thất thu ngân sách.

Đây là vấn đề rất khó theo cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng không thể không làm vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện sở hữu thống nhất quản lý.

Đất đai là của nhân dân mà nhân dân trao quyền đại diện sở hữu cho Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người được Hiến pháp trao cho quyền sở hữu đất đai”, ông Hàm nói.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/co-viec-loi-dung-quy-hoach-de-dau-co-trung-gian-day-gia-dat-len-cao-post198753.gd