Co-working Việt Nam đang đi nhanh

Thương hiệu SPACES (thuộc Tập đoàn International Workplace - IWG)) đã chính thức có mặt tại Hà Nội sau 20 năm cắm rễ chắc chắn tại thị trường TP.HCM. Ông Lars Wittig, Phó chủ tịch Bộ phận kinh doanh của IWG tại ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã dành cho Báo Đầu tư Bất động sản những chia sẻ, nhìn nhận về tiềm năng thị trường và triển vọng của phân khúc văn phòng chia sẻ (co-working).

Không gian làm việc chung ở Trung tâm Belvedere Hà Nội, đánh dấu việc SPACES chính thức Bắc tiến.

Trước tiên, xin chúc mừng ông và SPACES chính thức có mặt ở Hà Nội. Tại sao đến giờ các ông mới quyết định Bắc tiến, trong khi phân khúc này ở Thủ đô đã diễn ra khá sôi động được một thời gian, liệu có quá muộn không, thưa ông?

Cám ơn câu hỏi thú vị của bạn. Tôi đồng ý thời điểm hiện tại là khá muộn. Tuy nhiên, để quyết định khai trương một tòa nhà văn phòng theo mô hình này ở Hà Nội, chúng tôi đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về người dân, các khách hàng ở Hà Nội. Qua đó, chúng tôi biết họ cần cái gì, khi nào, ở đâu… Nói cách khác, chúng tôi có cái nhìn riêng về tương lai ở Hà Nội. Điều này sẽ giúp chúng tôi có những thuận lợi khi có thể đưa ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Điều gì khiến ông cảm thấy thú vị khi đầu tư ở Việt Nam?

Tôi muốn chia sẻ từ đáy lòng, từ cảm xúc của mình rằng người Việt Nam các bạn ngày nay có tinh thần khởi nghiệp, có sức sống trẻ rất mãnh liệt. Tôi nhìn thấy mọi người đều có tinh thần chia sẻ, tính cộng đồng. Các bạn có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ về cuộc sống, kinh doanh.

Riêng tính sáng tạo và đổi mới, ở Hà Nội tinh thần đó rất đặc biệt và không có ở bất kỳ nơi nào khác.

Vậy, ông nhìn nhận gì về tiềm năng phát triển của co-working ở Việt Nam?

Môi trường đầu tư của các bạn luôn tạo nên sự hứng thú cho các cá nhân và công ty. Một nền kinh tế mở, năng động, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia… Tôi cảm thấy các bạn ngày càng muốn đổi mới, sáng tạo, hội nhập hơn, khát khao thay đổi cũng lớn hơn. Và theo tôi, co-working là chìa khóa cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp trong tương lai.

Ông có thể nói rõ hơn?

Điều thú vị là mô hình này không chỉ dành cho các startup hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, nó còn được các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn ưa thích bởi tính linh hoạt và khả năng kết nối cao. Việt Nam đang có được một phong trào khởi nghiệp tốt và đón nhận làn sóng đầu tư và dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ. Đó là nền tảng cho sự phát triển của co-working trong thời gian tới.

Một doanh nghiệp sẽ thật khó để biết được chính xác nhu cầu về văn phòng của công ty mình trong tương lai. Và không phải lúc nào việc mở rộng hay thu nhỏ cũng dễ dàng và thuận lợi. Nhưng bằng sự linh hoạt của mình, co-working thỏa mãn được những điều khó đó.

Vậy còn tính kết nối, thưa ông?

Không giống như các văn phòng cho thuê truyền thống, ở SPACES, khách thuê có thể thoải mái làm việc trong một không gian mở và giàu tính kết nối. Bạn có thể mặc vest, cũng có thể mặc quần jean, áo phông. Bạn có thể làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia hay một doanh nghiệp khởi nghiệp. Bạn có thể là nghệ sĩ, kế toán, nhân viên kinh doanh hay bất cứ ai. Môi trường làm việc chung cho phép tất cả các thành viên trong đó kết nối với nhau. Một startup có thể tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia và ngược lại.

Ở SPACES, chúng tôi quan điểm, co-working không phải là việc đưa vài chục con người vào một không gian làm việc chung. Đó không phải là co-working nếu họ không chia sẻ, nói chuyện với nhau.

Quan trọng hơn, phải làm sao để các con người đó kết nối với nhau, hỗ trợ nhau và mỗi khách thuê có thể phát triển hệ sinh thái cho riêng mình. Chúng tôi có thể cung cấp ly cà phê ngon nhất, thiết kế văn phòng đẹp nhất…, nhưng quan trọng là chúng tôi phải tạo được điều kiện để mọi người tương tác với nhau.

Các ông tạo nên sự kết nối bằng cách nào?

Chúng tôi có không gian chung cho mọi người tham gia các hoạt động chia sẻ. Ví dụ tầng 1 là quầy bar, quán cà phê, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện của mỗi khác thuê, hay tầng 2 là nơi để nghe nhạc hay đọc sách…

Là nhà đầu tư ngoại, ông thấy mô hình co-working có sự hấp dẫn bởi yếu tố gì?

Tôi muốn nói rằng, với các công ty nước ngoài đến đây, SPACES nói riêng và các không gian làm việc chung khác nói chung chỉ hấp dẫn họ khi có những khách thuê là người bản địa. Nó tạo nên sức hấp dẫn về văn hóa, thói quen và cơ hội học hỏi lẫn nhau.

Tiềm năng tăng trưởng của co-working thì sao, ông có nghĩ sẽ đến lúc có sự bão hòa?

Ở Việt Nam, phân khúc này đang có mức tăng trưởng khoảng 30%/năm. Chúng tôi cũng thấy ngày càng có nhiều không gian làm việc chung được phát triển. Theo tôi, chúng ta sẽ không thể nào rời bỏ được mô hình này.

Theo ông, co-working ở Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang ngang bằng hoặc thậm chí là tiên phong về điều này.

Chúng ta đang nói về xu hướng toàn cầu, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, những người tham gia nhiều vào phân khúc này ở Việt Nam còn là những người trẻ nữa. Tôi vô cùng ngưỡng mộ tinh thần khởi nghiệp và sự quyết tâm của các bạn trẻ ở đây.

Khi gia nhập thị trường, hình thức đầu tư nào được các ông lựa chọn: thuê lại, M&A, nhượng quyền thương hiệu…?

Chúng tôi có thể nói có với tất cả các giải pháp này. Đơn cử như với Trung tâm Belvedere Hà Nội, chúng tôi có hợp đồng thuê dài hạn và sẽ chủ động thiết kế, khai thác theo bộ tiêu chuẩn chung của SPACES.

Vậy còn hình thức nhượng quyền thương hiệu?

Có những nhà đầu tư muốn thuê văn phòng và đề nghị chúng tôi mở những dịch vụ tương tự như của SPACES để cho thuê lại. Với trường hợp này, chúng tôi sẽ nhượng quyền thương hiệu.

Khi đi vào vận hành, điều thú vị là các khách thuê sẽ không biết được đó là địa điểm do SPACES làm chủ hay nhượng quyền. Bởi chúng tôi thực hiện tất cả các dịch vụ một cách tương đương.

Ông Lars Wittig

“Khi chúng tôi hỏi nhiều người chung một câu hỏi: Anh/chị không thích nhất điều gì trong công việc của mình?

Chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời: Đó là việc tôi phải đến cái nơi tôi làm việc, nhất là những người ở xa. Họ không muốn bị đánh giá về thời gian làm việc (chấm công), muốn là một phần của một cộng đồng linh hoạt, Linh hoạt và kết nối chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của co-working.

Trong các doanh nghiệp, thì phòng hành chính - nhân sự sẽ rất thích mô hình này bởi môi trường, không gian mà nó tạo ra. Bộ phận kế toán cũng thích vì chỉ phải trả tiền cho những gì họ sử dụng. Doanh nghiệp thì không cần phải bỏ vốn hoàn thiện văn phòng tại điểm thuê hay xây nên những tòa nhà vật lý cứng nhắc.

Quan trọng hơn, các khách thuê có khả năng được học tập qua việc trao đổi, kết nối. Nói cách khác, co-working chẳng khác gì một trường đại học, một môi trường học tập linh hoạt”.

Thành Nguyễn

Co-working sẽ tiến hóa ra sao?

Văn phòng cho thuê 2019: Co-working sẽ là điểm nhấn

Đau rát họng, ho đờm lâu ngày: Biết mẹo này mừng hơn bắt được vàng!

Tin tài trợ

Co-working ngày càng chiếm ưu thế

Co-working chiếm ưu thế trên thị trường văn phòng

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/coworking-viet-nam-dang-di-nhanh-211676.html