Có xử lý hình sự chủ vườn lan bị tố bỏ trốn cùng 200 tỷ đồng?

Luật sư cho rằng nếu chủ vườn lan ở Ứng Hòa là nạn nhân trong vụ làm ăn với ông C. thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước thông tin chủ vườn lan H.T. (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ trốn cùng số tiền khoảng 200 tỷ đồng, em trai anh Thanh (chủ vườn) đã bác bỏ điều này. Theo gia đình, anh Thanh là nạn nhân trong cuộc làm ăn với người đàn ông tên C.

Chiều 16/4, đại diện VKSND huyện Ứng Hòa cũng xác nhận anh Thanh không bỏ trốn như thông tin lan truyền trên mạng. Còn người thân cho biết loại hoa ông C. cung cấp cho anh Thanh để bán cho người khác không phải lan đột biến. Khi khách bắt đền, anh Thanh đã bán nhiều tài sản để đền bù nhưng không đủ. Đó là lý do chủ vườn lan phải tạm lánh mặt.

Trước sự việc gây xôn xao dư luận, nhiều người thắc mắc nếu chia sẻ từ gia đình anh Thanh là đúng sự thật, chủ vườn lan có phải chịu trách nhiệm hình sự?

 Vườn lan H.T. trống không sau sự việc. Ảnh: Hải Nam.

Vườn lan H.T. trống không sau sự việc. Ảnh: Hải Nam.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho rằng để xác định dấu hiệu tội phạm trong vụ việc, cần làm rõ nhận thức của ông C. và anh Thanh khi thực hiện giao dịch mua bán lan đột biến.

"Cơ quan điều tra cần làm rõ khi cung cấp cây lan, ông C. và anh Thanh có biết đây thực chất không phải giống lan đột biến không. Nếu cả hai cùng biết điều này nhưng lại cung cấp thông tin sai sự thật để lừa dối khách hàng, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Mức án cao nhất đối với tội danh này là tù chung thân", luật sư Tiền nhận định.

Nếu anh Thanh không biết về nguồn gốc hoa lan, không bỏ trốn, thậm chí tự bán tài sản để bồi thường cho khách thì chủ vườn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có cùng quan điểm, luật sư Thái Phương Quế (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu thông tin gia đình phản ánh là đúng, anh Thanh và những người mua lan cần kịp thời tố giác, cung cấp tài liệu liên quan đến các giao dịch đã thực hiện để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ.

Nếu anh Thanh và khách hàng có đủ căn cứ chứng minh mình bị lừa dối khi tham gia giao dịch, họ có quyền yêu cầu tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.

Khi đó, theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp này, anh Thanh có trách nhiệm hoàn tiền cho khách hàng, còn ông C. phải hoàn trả tiền đã nhận từ việc cung cấp hoa cho anh Thanh (nếu có).

Nếu những giao dịch này gây thiệt hại, bên có lỗi phải bồi thường cho những người liên quan.

Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt số tiền dưới 500 triệu đồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc chấp hành án tù tối đa 15 năm tù. Mức án tùy thuộc vào tình tiết định khung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của điều này.

Nếu chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo, người phạm tội sẽ đối diện mức án 12-20 năm tù hoặc tù chung thân, theo quy định tại khoản 4 điều này.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-xu-ly-hinh-su-chu-vuon-lan-bi-to-bo-tron-cung-200-ty-dong-post1204444.html