Coi chừng 'chết chùm' vì nấm dại, nấm độc

Mùa xuân, nấm hoang dại mọc nhiều ở miền núi, cũng là mùa mà người dân tộc, người nghèo thường xuyên ăn phải nấm độc, với các ca 'chết chùm' cả nhà. Tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang vừa xảy ra vụ ăn nấm độc khiến một nhà có 3 người tử vong, 1 người vẫn đang nguy kịch.

Ngộ độc khó cứu

Ngày 4.4, tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Chống độc đang cấp cứu cho 1 bệnh nhân ăn nấm dại bị ngộ độc. Cùng ăn nấm, 3 người thân trong gia đình bệnh nhân này đã tử vong. Bệnh nhân tên là Sùng Diu Hồng (sinh năm 1966, trú tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), vào Trung tâm Chống độc ngày 2.4 trong tình trạng tỉnh táo, hết đau bụng, da và niêm mạc vàng. Tuy nhiên các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị rối loạn đông máu, men gan tăng, tổn thương gan nặng. Sau 2 ngày điều trị, các bác sĩ vẫn chưa dám tiên lượng về sức khỏe của bệnh nhân vì độc tố ngấm vào gan.

Bệnh nhân Sùng Diu Hồng tuy tỉnh táo, tuy nhiên gan vẫn tổn thương nặng, tiên liệu sức khỏe dè dặt. Ảnh: Diệu Linh

Nếu vô tình ăn phải nấm nghi độc hoặc ăn nấm hoang dại sau 1-2 giờ có triệu chứng nôn, đi ngoài thì người dân nên uống 0,5-1 lít nước rồi dùng bàn chải cào sâu vào lưỡi, kích thích gây nôn hết nấm đã ăn. Nếu có than hoạt tính thì nên uống than với liều 2g/15kg cân nặng. Sau đó đưa ngay người ngộ độc nấm hoặc nghi ăn phải nấm độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Qua khai thác tiền sử, sáng 28.3, ông Sùng Diu Hồng đi hái nấm ở quả đồi sau nhà về nấu ăn sáng, cả gia đình 4 người cùng ăn là ông Sùng Diu Hồng, bà Thào Thị Vản (sinh năm 1970, vợ ông Hồng); Ly Thị Pà (sinh năm 1995, con dâu ông Hồng); Sùng Văn Hoành (sinh năm 1990, con trai ông Hồng).

Đến 16 giờ cùng ngày cả 4 người xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn và nôn ra thức ăn, đi ngoài phân lỏng. Tại Bệnh viện Hà Giang, các bệnh nhân được truyền dịch, lọc máu, truyền huyết tương. Nhưng đến ngày 31.3, Sùng Văn Hoành tử vong. Ngày 1.4, bà Thào Thị Vản tử vong. Ngày 2.4, Ly Thị Pà tử vong. Nguyên nhân tử vong trực tiếp vì suy gan tối cấp có từ độc tố từ nấm dại.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc) cho biết, bệnh nhân miêu tả đã hái nấm màu trắng, to như cái bát ngay sau nhà để ăn. Các bác sĩ dự đoán đây là nấm độc tán trắng, có chứa chất amatoxin kịch độc. Nấm này gây triệu chứng ngộ độc muộn, thường sau 6h ăn nấm, cũng có thể sau 8-9h. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm này lên đến 50%. Các ca cấp cứu ngộ độc nấm có chi phí rất lớn, lên đến vài trăm triệu đồng/ca. “Những người dân bị ngộ độc nấm thường rất nghèo, đói ăn. Nấm độc lại rất ngon mắt, ăn có vị ngọt nên người dân thường không cưỡng lại được. Khi chúng tôi tuyên truyền người dân không nên ăn nấm mọc hoang dại còn gặp phải sự phản đối của nhiều người vì cho rằng vẫn còn nhiều loại nấm không độc, có nhiều bổ dưỡng. Tuy nhiên, nấm độc và nấm không độc đôi khi rất khó nhận biết, ngay cả chuyên gia sinh vật, chuyên gia ngành nấm cũng phải xem xét nhiều đặc điểm mới phân biệt được” – TS Dũng cho biết.

Nấu chín cũng không hết độc

Tình trạng ngộ độc nấm đối với đồng bào dân tộc miền núi đã diễn ra nhiều năm nay với hàng trăm người bị ngộ độc, hơn 100 người tử vong. Cụ thể, theo nghiên cứu của các bác sĩ Học viện Quân y, từ năm 2004-2017 tại Hà Giang có 33 ca ngộ độc nấm khiến 165 người mắc, 24 người tử vong. Tại Cao Bằng từ 2003-2009, có 29 vụ ngộ độc nấm làm 81 người mắc, 17 người tử vong. Ở Bắc Cạn từ 2004 - 1011 có 28 vụ ngộ độc nấm, 94 người mắc, 14 người tử vong.

Về các quan niệm cho rằng nấu chín sẽ hết độc tố, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc khẳng định, độc tố amatoxin có trong nấm cực độc và bền vững trong nhiệt độ nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố. Hơn nữa, với các loại nấm ngộ độc chậm mà người dân thử cho chó-gà ăn sau 1-2h thấy chó-gà không chết thì cho rằng không độc nên vẫn ăn là sai lầm. Cũng có người thấy kiến ăn nấm thì cho rằng không độc, mang về ăn và cũng tử vong. Một số người dân tộc dùng đồng bạc, thìa bạc để sát lên nấm, thấy thìa, đồng xu không bị đen, cho rằng nấm không độc cũng là sai lầm.

Có nhiều loài nấm gây triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy muộn nhưng sau đó lại tự cầm nên bệnh nhân và ngay cả các bác sĩ cũng đã cho rằng “hết ngộ độc”. Tuy nhiên sau đó người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.

“Vì thế, để tránh ngộ độc, khuyến cáo duy nhất với người dân là không nên ăn bất cứ loài nấm mọc hoang dã nào" - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/coi-chung-chet-chum-vi-nam-dai-nam-doc-864061.html