Coi chừng 'lợi bất, cập hại'

Giải giao hữu quốc tế U.23 - Cúp Vinaphone 2018 được tổ chức ở Mỹ Đình là giải đấu giao hữu chuẩn bị cho ASIAD 18. Nó cũng là cơ hội cuối để tận dụng, khai thác thương hiệu U.23 Việt Nam, khi một sân chơi được tạo ra để phục vụ nhiều mục đích, ngoài chuyên môn còn là làm truyền thông, hình ảnh và cả thương mại…

HLV Park Hang-seo chịu nhiều áp lực và những bài toán khó ở giải giao hữu quốc tế U.23. Ảnh: H.A

Khi U.23 không còn “hot”

Không có cảnh rồng rắn xếp hàng, chen chúc xô đẩy trong ngày phát hành vé. Mấy ngày qua, cũng không có cơn “sốt vé” nào cả như kỳ vọng, khi mức độ quan tâm của khán giả dành cho U.23 Việt Nam cũng như giải giao hữu quốc tế U.23 - Cúp Vinaphone 2018 có, nhưng không lớn. Ở Mỹ Đình hay Hàng Đẫy, dân “phe vé” méo mặt vì ôm vé và ế, trong khi những quầy vé vẫn chờ khán giả, nên có lẽ, trận ra quân gặp U.23 Palestine của U.23 Việt Nam khó tránh khỏi cảnh các khán đài trống vắng.

Hơn nửa năm sau thành công ở VCK U.23 Châu Á 2018, U.23 Việt Nam vẫn còn sức lan tỏa và ảnh hưởng. Tuy nhiên, sức hút đã giảm nhiều, khi quá nhiều sự kiện “ăn theo” và khán giả cũng gặp các thành viên U.23 Việt Nam nhiều ở sân chơi V.League hằng tuần. Đấy là chưa kể thực tế, rào cản vì giá vé cao do nhầm lẫn trong cách “định giá”, khi một đôi vé xem U.23 Việt Nam được đẩy lên đến gần 1 triệu đồng.

Thêm nữa, đây cũng chỉ là giải đấu giao hữu chuẩn bị cho ASIAD 18. Nhiều người hiểu, nó cũng là cơ hội cuối để tận dụng, khai thác thương hiệu U.23 Việt Nam, khi một đơn vị làm sự kiện kiếm được tài trợ nên kết hợp với VFF nghĩ ra một sân chơi để phục vụ nhiều mục đích, ngoài chuyên môn còn là làm truyền thông, hình ảnh và cả thương mại…

Và khi ông Park Hang-seo phải lo

Về mặt lý thuyết, tổ chức một giải giao hữu trước ngày vào giải chính như thế là cơ hội tốt cho U.23 Việt Nam thể hiện, thử nghiệm và lựa chọn những gì tốt nhất cho ASIAD 18 chỉ diễn ra vài ngày sau đó. Tuy nhiên, thực tế đặc thù của bóng đá Việt Nam với mức độ quan tâm lẫn sự phán xét của dư luận, truyền thông thì chưa chắc…

Bởi cái gì cũng có 2 mặt và ở giải đấu được tổ chức vì U.23 Việt Nam thì chính đội bóng của HLV Park Hang-seo cũng phải đối diện với nhiều vấn đề, khi việc phải chơi tốt, thành công và làm hài lòng nhiều thành phần, nhiều phía cũng là trách nhiệm chứ không thể đơn giản là đá giao hữu, kiểm tra và chuẩn bị chuyên môn. Ví dụ như áp lực tạo ra với cầu thủ, thắng hay thua ở giải Tứ hùng này thì chắc chắn sẽ gia tăng với U.23 Việt Nam, khi liên tục thành tiêu điểm trên truyền thông và bước vào ASIAD 18 với kỳ vọng, vị thế của một Á quân châu lục.

Người hiểu nhất chính là HLV Park Hang-seo. Thế nên trước giải giao hữu quốc tế, ông thầy này phải chủ động chuyển đi thông điệp về việc hãy nhẹ nhàng kết quả thắng thua, đừng đòi hỏi mục tiêu và thẳng thắn bày tỏ mong muốn khán giả thông cảm để đội tránh nhận thêm những sức ép. Tuy nhiên, cái khó của ông Park cũng như U.23 Việt Nam, với tư cách những nhân vật chính, là vẫn cứ phải chơi tốt, khiến tất cả hài lòng và tạo ra không khí “cờ bay phần phật”. Nó thể hiện ở ngay phát biểu trước giờ bóng lăn của ông về việc “có trách nhiệm thi đấu tốt nhất cho người dân, NHM cảm thấy hài lòng” và mâu thuẫn ai cũng thấy khi “kiểm tra năng lực cầu thủ, nâng cao và hoàn thiện chiến thuật nhưng không vì thế mà coi nhẹ giải đấu, ra sân thi đấu là phải hướng đến chiến thắng…”.

Đá chơi để thử và chuẩn bị nhưng phải chơi tốt, phải thắng khiến tất cả hài lòng còn nếu không có kết quả tốt sẽ đối diện với nhiều vấn đề phát sinh, đó là nghịch lý với nhiều lứa ĐTQG và nhiều đời HLV ở những giải đấu giao hữu trước giải chính thức vốn chỉ có ở Việt Nam, giờ là bài toán với U.23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo rồi…

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/coi-chung-loi-bat-cap-hai-622866.ldo