Coi chừng mua phải cây cảnh rởm

Gần đây, trên Quốc lộ 28 đoạn qua xã Hàm Chính, thị trấn Ma Lâm, xã Hàm Trí... huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận xuất hiện nhiều người đi xe máy chở cây sung, lộc vừng, hoa lan được trồng trong chậu… bán dọc đường (xem ảnh).

Ông Nguyễn Văn Khanh, ở xã Hàm Trí, cho biết: “Cách đây vài ngày, tôi thấy một người đàn ông chở 3 cây sung rất đẹp bán dạo trên Quốc lộ 28. Nhìn cây sung đẹp, cành nào cũng ra trái nên tôi mê và mua một cây với giá 500.000 đồng. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, các chùm trái bắt đầu rụng và rụng hết. Quan sát kỹ, tôi phát hiện các chùm sung được dính vào thân cây bằng keo". Còn theo ông Đỗ Văn Hồng, một người chuyên kinh doanh cây cảnh ở địa phương: Những cây sung, cây lộc vừng ra hoa, quả chi chít khi còn non là rất hiếm. Chủ yếu là hoa, quả này được gắn bằng keo, vì vậy người bán luôn phải xịt nước để không bị héo. Hơn nữa, để trồng được cây sung bonsai có quả chi chít phải mất từ 20 năm trở lên, nên giá bán phải từ 7 đến 10 triệu đồng/cây. Chính vì vậy, những người mê cây cảnh khi mua phải tìm hiểu thật kỹ.

Bài và ảnh: ĐỖ KHẮC THỂ (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận)

Quản lý chặt chất lượng thực phẩm dùng cho học sinh

Thời gian gần đây, truyền thông liên tiếp đưa tin nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Ngày 27-10, gần 500 học sinh của hai trường Tiểu học Lái Hiếu (phường Lái Hiếu) và Tiểu học Nguyễn Hiền (phường Hiệp Thành) thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang phải nhập viện sau khi uống sữa. Rồi vụ 84 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, sau khi uống sữa và ăn bánh của đoàn từ thiện phát cũng phải nhập viện. Hay, ngày 16-11, sau bữa ăn trưa, gần 100 học sinh của Trường Mầm non Hương Lung (Hương Lung, Cẩm Khê, Phú Thọ) có biểu hiện nôn khan được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời...

Ai cũng biết, việc ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập, tâm lý của học sinh, mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho toàn xã hội. Chính vì vậy, ban giám hiệu các trường cần có biện pháp giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ y tế các trường phải chủ động tham mưu cho ban giám hiệu việc quyết định để học sinh sử dụng các loại thực phẩm... Về phần mình, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm của doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho trường học để ngăn chặn việc ngộ độc từ gốc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

NGUYỄN THANH VŨ (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)

Nỗi lo sạt lở bờ sông

Cầu Tứ Câu trên Quốc lộ 1A bắc qua dòng sông Tứ Câu, nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn và sông Vu Gia, thuộc địa bàn phường Điện Ngọc, xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Khu vực hai bên cầu Tứ Câu có đông dân cư sinh sống. Cầu Tứ Câu nằm trên tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, thế nhưng gần đây bờ sông phía Đông (phường Điện Ngọc) đang bị xâm thực gây sụt lún, sạt lở mạnh, có chỗ sát nhà dân và cột điện (xem ảnh).

Tình trạng sạt lở không chỉ đe dọa tới chân cầu, mà còn đe dọa tới sự bình yên của khu dân cư sinh sống ven sông. Còn bờ sông phía Tây (xã Điện Thắng Bắc) cũng bị sạt lở mạnh chỉ còn cách nhà dân vài chục mét… Đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng sớm kiểm tra, xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Bài và ảnh: MỸ KHÊ (Hòm thư 7, bưu điện Đà Nẵng 3, số 4 Trần Quang Diệu, TP Đà Nẵng)

Thận trọng khi đốt lửa trên lề đường, hè phố

Đợt rét vừa qua, không ít người dân mưu sinh bằng nghề bán hàng nước, xe ôm, taxi, đi chợ sớm ở khu vực huyện Đông Anh (Hà Nội) thường tụ tập bên vỉa hè, góc phố để đốt lửa sưởi ấm. Họ đốt lửa ở mọi khu vực: Cạnh gốc cây, gần bốt điện, trạm biến áp, tường rào của cơ quan, thậm chí gần nhà dân. Đã thế, khi bỏ đi họ cứ để nguyên củi còn cháy, than rực đỏ. Do vậy, nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn là rất cao. Thói quen đốt lửa sưởi ấm với ý thức chưa cao của một số người dân cần được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm có những giải pháp phù hợp không những bảo đảm an toàn mà còn góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

NGUYỄN THỊ LOAN (Đông Anh, TP Hà Nội)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/coi-chung-mua-phai-cay-canh-rom-525201