Coi chừng Việt Nam thành 'vựa' công nghệ kém của Trung Quốc

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể sẽ trở thành 'vựa' hàng công nghệ kém chất lượng từ Trung Quốc tràn sang.

Đó là cảnh báo của một số chuyên gia tại hội thảo "Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng lo của doanh nghiệp Việt?" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam... tổ chức hôm nay (6-9) tại TP.HCM.

Cuối tuần trước, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu hai nước không đạt được một thỏa thuận thì chính quyền tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế vào ngày 15-12 tới đây.

Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng mức thuế 10% vào 75 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các sản phẩm nhạy cảm với ngành nông nghiệp.

Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng: "Điều này tạo ra một thế giới rất rủi ro đối với môi trường kinh doanh".

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề Trung Quốc hạ giá đồng NDT vượt qua mốc 7 NDT/USD, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định đồng NDT giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc.

"Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỉ giá tiền đồng và USD. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định nền kinh tế" - ông Tuyển giải thích.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển nhận định trước bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn.

Theo đó, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Khi EU - FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.

Để tranh thủ một số lợi ích từ thương chiến, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng: Việt Nam có thể tập trung vào một vài nhóm giải pháp trước mắt. Đầu tiên, cần tăng cường thông tin cho các hiệp hội về thương chiến để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp hiệp hội có các thông tin từ chuyên gia để có cách truyền thông hiệu quả đến nội bộ, qua đó bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như ngành hàng.

"Tiếp theo, cần nhận thức và thay đổi chiến lược thu hút FDI thay vì ưu đãi thái quá như hiện nay. Chiến lược mở cửa đã dẫn đến mô hình kinh tế dị dạng với doanh nghiệp bản địa yếu và bị gạt ra bên lề phát triển. Khi tốc độ tăng trưởng dân số cũng đã xuống rất thấp (1%), khi công nghiệp hóa 4.0 phát triển nhanh chóng thì tỉ lệ việc làm mới mỗi năm không cần phải có nhiều nữa. Chính phủ và địa phương không cần thu hút FDI chỉ để giải quyết việc làm" - ông Thành nói.

T.Linh

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/coi-chung-viet-nam-thanh-vua-cong-nghe-kem-cua-trung-quoc-856668.html