Còi 'khủng' - hung thần trên phố

Luật có quy định xử lý vi phạm còi khủng nhưng thực tế việc xử lý khó do thiết bị dễ tháo lắp khi vào đăng kiểm, lực lượng chức năng phải có thiết bị đo đạc chuyên dụng về cường độ âm thanh...

Tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu… đi qua TP HCM thường xuyên bị người dân phản ánh vì tiếng còi "khủng" đinh tai nhức óc. Bất kể giờ giấc nào, chỉ cần đường đông, ngay lập tức tài xế tận dụng còi âm lượng lớn để thúc người đi đường.

Muốn cỡ nào, có cỡ đó

"Hầu hết xe container, xe tải 5 chân (25 tấn - PV), xe khách đường dài đều sử dụng còi hơi, còi hụ để chạy cho nhanh. Những loại còi này có tiếng kêu giống xe cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa... Đặc biệt có loại còn trang bị chức năng loa thoại, bấm nút và nói vào micro thu âm của remote, còi sẽ trở thành loa phát thanh cỡ lớn, khiến người đi đường giật mình" - ông Thành, chủ xe container chuyên chở nông sản từ Long An đi Trung Quốc, mách nước.

Ông Thành cho biết thêm tất cả các garage ôtô đều có kinh doanh các phụ kiện, khi xe tải vào bảo dưỡng sẽ được gợi ý lắp đặt. Một số nơi được giới xe tải hay lui tới lắp còi là bảo trì ôtô T.D (cổng chợ Bình Điền, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), garage M.T đường Hồ Văn Long (quận Bình Tân), bãi xe A. đại lộ Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân)…

Ngoài ra, trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội hiện nay, không khó để tìm thấy những lời rao bán công khai còi hơi, còi hụ..., dù là mặt hàng cấm kinh doanh và sử dụng trái phép.

Còi “khủng” ở xe tải, nỗi ám ảnh của người đi đường Ảnh: LÊ PHONG

Còi “khủng” ở xe tải, nỗi ám ảnh của người đi đường Ảnh: LÊ PHONG

Chúng tôi thử liên hệ với Hà, chủ một cửa hàng linh kiện ôtô. Hà cho biết còi hơi hiện nay được sản xuất từ nhiều quốc gia trong đó Đức, Nhật, Hàn Quốc…, kích thước dài từ 0,5-0,9 m. Riêng loại còi 1,2 m do Trung Quốc sản xuất, âm lượng cực "khủng". Mỗi sản phẩm có giá từ 750.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy kích cỡ, kèn đơn hoặc đôi. Nếu mua sẽ có nhân viên đến tận nơi lắp, kèm theo chi phí tiền vận chuyển 150.000 đồng.

Để minh chứng cho sản phẩm chất lượng của mình, Hà gửi chúng tôi hàng loạt hình ảnh và video ghi lại công dụng của những chiếc còi hơi. Trong đó loại còi 1,2 m của Trung Quốc chỉ cần bấm một lần, tiếng vang to như tiếng còi tàu. Riêng còi đôi một lúc phát ra tiếng bíp kéo dài hơn 15 giây, theo vỏ hộp, âm lượng ghi rõ 125 decibel (dB).

"Sử dụng còi này, tài xế nhấn còi từ xa là các phương tiện né hết cho xe mình chạy thoải mái" - Hà giới thiệu.

Trước lo ngại lắp còi ở đầu xe sẽ bị lực lượng CSGT kiểm tra, Hà cười và hướng dẫn: "Lâu nay mọi người hay để trên đầu thùng xe nhưng cách đó xưa rồi. Để né CSGT, đăng kiểm, nhà xe lắp ở dưới gầm xe, bên hông gầm cạnh bình xăng, nhìn không thấy, chỉ bóp mới nghe".

Phải xử nghiêm!

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5007V TP HCM, cho biết cơ quan đăng kiểm không có quyền thu hồi vật dụng trên xe đi đăng kiểm vì đó là tài sản của chủ xe. Khi phát hiện phương tiện gắn thêm thiết bị như loa, còi thì cán bộ đăng kiểm sẽ yêu cầu tài xế tháo xuống. Ngoài ra, kiểm tra âm lượng của còi mà không đạt tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ đăng kiểm đánh giá xe không đạt và không cấp giấy đăng kiểm.

Cũng theo ông Sơn, thực tế việc kiểm soát phương tiện có gắn thêm còi hơi được các cơ quan chức năng thực hiện từ nhiều năm trước, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông chết người liên quan còi hơi ở quận Thủ Đức. Tuy nhiên, các thiết bị này dễ tháo lắp, trước khi vào đăng kiểm, tài xế tháo ra sau đó lại gắn vào, rất khó xử lý. Do đó, khi xe lưu thông trên đường, nếu sử dụng còi hơi âm lượng vượt ngưỡng quy định, các lực lượng kiểm soát giao thông nên xử phạt nghiêm, thậm chí thu hồi thiết bị này để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường.

Trong khi đó, một đội trưởng Đội CSGT tại TP HCM cho biết việc xử phạt chủ phương tiện lắp còi "khủng" hiện nay còn gặp nhiều trở ngại. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó khoản 3 điều 5 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định). Thế nhưng, việc xử phạt không đơn giản do phải chứng minh được âm lượng còi vượt quá quy định, tức đòi hỏi lực lượng chức năng phải có thiết bị đo đạc chuyên dụng về cường độ âm thanh. Nhiều trường hợp CSGT thổi vào chỉ nhắc nhở, buộc tài xế tháo gỡ thiết bị tăng âm nhằm bảo đảm an toàn cho người đi đường.

Để dần kiểm soát việc lắp đặt các thiết bị tăng âm vô tội vạ gây ảnh hưởng an toàn giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng các lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các trạm đăng kiểm, chủ xe, chủ doanh nghiệp phải yêu cầu tài xế không được lắp đặt các thiết bị này vì bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, cá nhân.

Hiện nay, các thiết bị đo nồng độ cồn, test ma túy của tài xế đã có, do đó cần thiết nên bổ sung thiết bị đo cường độ âm thanh cho lực lượng kiểm soát giao thông để dễ dàng xử lý những vi phạm, tăng tính nghiêm minh của pháp luật.

Tiếng còi giết người

Gần 1 năm qua, căn phòng trọ trong hẻm 52 Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TP HCM) hiu quạnh khi chỉ còn em Trần Nguyễn Hùng Thắng (17 tuổi) vừa đi học vừa đi làm thêm để chăm sóc em trai đang học lớp 6. Ba Thắng bỏ đi từ lâu, năm 2019, mẹ của Thắng (chị Trần Thị Hồng Châu) đang trên đường đi làm về thì bất ngờ bị tai nạn giao thông tử vong.

Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè xác định chị Châu khi đi xe đạp trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) bị xe tải phía sau thúc còi khiến chị giật mình ngã xuống đường và bị xe một người đàn ông có sử dụng nồng độ cồn tông vào gây tử vong.

THU HỒNG - LÊ PHONG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/coi-khung-hung-than-tren-pho-20200702203232409.htm