'Cởi nút thắt' giúp da giày, dệt may tiến vào chuỗi cung ứng

Trước vấn đề dịch bệnh đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đang đặt ra nhiều áp lực cho ngành trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Tính riêng năm 2019, xuất khẩu dệt may đã đem về gần 40 tỷ USD; trong đó sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Từ sau Tết Nguyên Đán Canh Tý, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Lo ngại hơn, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong một thế giới toàn cầu hóa và mối quan hệ tương tác phụ thuộc lẫn nhau đang rất là sâu rộng và đặc biệt thể hiện rất rõ trong chuỗi giá trị của dệt may thì chúng ta thấy nguồn cung này đều ảnh hưởng rất lớn. Hay nói cách khác, tức là các sản phẩm dệt may của Việt Nam có tính phụ thuộc rất lớn vào trong các nguồn cung cũng như là ở các khâu ở trong các chuỗi cung ứng này. Đây cũng không phải câu chuyện bài toán riêng của Việt Nam mà trong chuỗi giá trị dệt may của cả thế giới."

Công ty hóa dệt Hà Tây là doanh nghiệp đã chủ động được hơn 80% nguồn nguyên liệu cho sản xuất từ nguồn trong nước, song số còn lại khoảng 15% vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số đó có tới 90% chi tiết của sản phẩm phải nhập từ Trung Quốc, số còn lại từ các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Vì vậy, khi dịch COVID-19 lan rộng tại các thị trường trên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bắt đầu gián đoạn.

Tổng công ty May 10 với khoảng 12.000 lao động thuộc hơn 18 nhà máy, xí nghiệp lại trải dài tại các tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước, do vậy khi dịch bệnh kéo dài, nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, May 10 cũng dự báo nhiều kịch bản xấu xảy ra đối với doanh nghiệp, như phải cắt giảm giờ làm, công nhân phải nghỉ việc từ đó khiến doanh thu sụt giảm mạnh.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay Bộ sẽ sớm báo cáo Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về dệt may, da giày sau đó chúng ta sẽ ban hành Chiến lược phát triển ngành gian đoạn tới. Ngoài ra, Cục cũng đang làm việc với các cơ quan của Quốc hội để bổ sung ngành dệt may, da giày vào luật đầu tư để bổ sung vào các ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn tới và trên cơ sở đó Việt Nam sẽ ban hành các hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giầy.

Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến khoảng 20-30% năng lực sản xuất tùy từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc chịu phạt mất khách hàng trong trường hợp chậm giao hàng hoặc không hoàn thành hợp đồng đã ký với đối tác.

Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu khóa mới đã phê chuẩn hai hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Để tận dụng hiệu quả hai hiệp định thương mại tự do vừa ký kết là CPTPP và EVFTA, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại đáp ứng về nguyên phụ liệu của các chuỗi cung ứng. Thực tế này cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước bên cạnh các chính sách khác về vốn và môi trường..../.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/video-coi-nut-that-giup-da-giay-det-may-tien-vao-chuoi-cung-ung/628215.vnp