COI THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC

Triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký Quyết định số 362/QĐ-VPQH ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Văn phòng Quốc hội.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: RÀ SOÁT, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG VIỆC TRONG THÁNG 3/2023

Coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Văn phòng Quốc hội xác định rõ mục tiêu tiếp tục thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Đặc biệt là tiết kiệm các khoản chi mua sắm công, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nghiên cứu, khảo sát, chi đoàn ra, đoàn vào, quà tặng, khánh tiết và tổ chức lễ kỷ niệm trong năm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký Quyết định ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Văn phòng Quốc hội (Ảnh minh họa)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký Quyết định ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Văn phòng Quốc hội (Ảnh minh họa)

Chương trình đặt ra yêu cầu tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, đi đôi với việc gắn trách nhiệm tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được triển khai tới từng đơn vị được giao tài sản, dự toán ngân sách nhà nước, tiến hành đồng bộ với các hoạt động giám sát, đối thoại, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chương trình nêu rõ các nhiệm vụ đặt ra trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Thường xuyên quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc phân bổ, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Mục tiêu của Chương trình là đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành việc làm thường xuyên, liên tục trong các đơn vị

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện cơ chế khoán chi đối với một số nhiệm vụ chi thường xuyên như khoán sử dụng xe công đi công tác, văn phòng phẩm, mực in, thông tin liên lạc,... Thực hiện công khai, minh bạch đối với một số nội dung chi như in ấn, xăng xe, mua sắm tài sản công, vé máy bay. Tăng cường thực hiện đấu thầu rộng rãi, công khai theo quy định của Luật Đấu thầu. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng, chi tiêu ngân sách nhà nước và tài sản công, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với đó, Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù hoạt động của cơ quan, đơn vị. Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng hiệu quả chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chương trình xác định rõ, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, cần thực hiện chi thường xuyên ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được giao; tiến hành rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước, đảm bảo phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID – 19. Triệt để tiết kiệm các khoản chi mua sắm công, sử dụng xe ô tô công, tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí, in ấn và các khoản chi thường xuyên khác.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, cần thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chi đầu tư các Dự án có hiệu quả; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và đấu thầu, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Tạm dừng, cắt giảm các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Chương trình được xây dựng nhằm thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, cần thực hiện quản lý chặt chẽ thời giờ lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của các đơn vị theo hướng giảm bớt những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Sắp xếp tổ chức lại bộ máy theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị.

Đưa ra giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, Chương trình nêu rõ cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh cải cách tổ chức, hiện đại hóa quản lý, gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với đấu tranh phòng chống tham nhũng. Sắp xếp lại cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm hợp lý, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức nói chung.

Ngoài ra, cần thực hiện các quy định về công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa, số hóa, chia sẻ, dùng chung dữ liệu thông tin trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tại Văn phòng Quốc hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ người cung cấp thông tin chống lãng phí.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=74253