Coi trời bằng vung

Hai ngày sau cuộc bầu cử quốc hội Thụy Điển hồi đầu tháng 9, một thông báo lạ lùng bằng tiếng Anh xuất hiện trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ở Stockholm.

Thông báo đó chỉ trích "một số ít cá nhân, tổ chức và truyền thông Thụy Điển đã cáo buộc thiếu cơ sở rằng Trung Quốc can thiệp vào cuộc bỏ phiếu".

Điều lạ nhất là không ai ở Thụy Điển hiểu thông báo này ám chỉ gì. Phải đến vài ngày sau, manh mối mới xuất hiện thông qua một video gây tranh cãi được tải lên mạng, với nội dung 3 du khách Trung Quốc bị "đối xử tàn bạo" tại một khách sạn ở Stockholm. Phản ứng giận dữ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc hé lộ một đường lối ngoại giao mang tính cường điệu hóa và gây bối rối.

Trong video, một người đàn ông tự xưng họ Zeng cùng cha mẹ mình bị cảnh sát khiêng từ trong khách sạn ra vỉa hè. Ông Zeng không ngừng la hét: "Giết người, giết người" bằng tiếng Anh. Tờ báo địa phương Aftonbladet cho hay 3 người này tới khách sạn sớm hơn thời gian đặt phòng và đề nghị được ở lại trong sảnh qua đêm.

Dù bị từ chối và yêu cầu rời đi, họ quyết trụ lại. Một nhân chứng nói cảnh sát vẫn cư xử điềm tĩnh trong khi gia đình người Trung Quốc trở nên kích động. Một công tố viên Thụy Điển sau đó xác định cảnh sát nước này không làm gì sai.

Gia đình họ Zeng than khóc bên ngoài khách sạn ở Stockholm - Thụy Điển trong đoạn video tải lên mạng Ảnh: YOUTUBE

Nhiều người Trung Quốc xem clip tỏ ra tức giận nhưng số khác lại cho rằng 3 người nhà họ Zeng đang chơi chiêu "pengci" (tức ăn vạ). Ẩn ý của Trung Quốc sau vụ này dành cho các chính phủ và xã hội ở châu Âu là: Nếu tìm cách chỉ trích chính sách hay cản trở chúng tôi, Trung Quốc sẽ làm đảo lộn chương trình nghị sự của các vị bằng cách thổi bùng sự giận dữ của người dân chúng tôi.

Tới đầu tháng 10, chuyện như vậy tái hiện trong một hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ Anh tại TP Birmingham. Một nữ phóng viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) to tiếng với một đại biểu dự sự kiện về Hồng Kông (có sự tham gia của nhiều gương mặt ủng hộ dân chủ tại đặc khu này). Khi bị đưa ra ngoài, cô này dường như đã tát một sinh viên tình nguyện và hét lên: "Dân chủ ở Anh là thế đấy!".

Đại sứ quán Trung Quốc ở London không chỉ yêu cầu xin lỗi mà còn tuyên bố phản đối "bất cứ âm mưu hay hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc trái với dòng chảy lịch sử". Nói cách khác là không được bàn luận về tương lai Hồng Kông.

David Bandurski, đồng giám đốc dự án Truyền thông Trung Quốc (Đức) của Trường ĐH Hồng Kông

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/coi-troi-bang-vung-2018102321261449.htm