'Cởi trói' cho giống cây trồng

Phát triển giống của doanh nghiệp sẽ được 'cởi trói', cắt giảm nhiều thủ tục, chi phí, tạo môi trường cạnh tranh...

Đó là một trong những điểm nhấn tại Dự án Luật Trồng trọt vừa được trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Với 7 Chương và 82 Điều, có 7 điểm mới của Dự thảo Luật so với Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, nổi bật nhất phải kể đến quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.

Việc tập trung cho khâu nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí cao đang kéo chân các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này. Ảnh: Vườn ươm trồng cam giống của HTX Xuân Khu ở xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

3 năm để sản xuất một giống

Ông Lê Hồng Nhu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam cho hay, Pháp lệnh giống cây trồng quy định, khi công nhận giống cây trồng chỉ thành lập một hội đồng, cùng với đó, khi công nhận giống cây trồng Pháp lệnh quy định có hai giai đoạn một là khảo nghiệm (gồm 2 lần) và hai là giai đoạn sản xuất thử.

Điều đáng nói là, tính riêng quá trình khảo nghiệm, giống thử phải trải qua quá trình khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng (VCU) và khảo nghiệm tính khác biệt, tính ổn định và tính đồng nhất (DUS). Trong đó, khảo nghiệm VCU sẽ phải triển khai ở vùng sản xuất đề nghị được công nhật ít nhất 3 vụ. Khảo nghiệm DUS phải thực hiện ít nhất 2 vụ trong cùng điều kiện. Quy trình khảo nghiệm được thực hiện rất chặt chẽ.

Việt Nam vẫn chưa hình thành được ngành công nghiệp về giống cây trồng do hệ thống pháp luật về ngành giống còn thiếu, việc hội nhập quốc tế cũng yếu.

Sau khi khảo nghiệm, Cục Trồng trọt sẽ cấp phép cho sang giai đoạn hai là sản xuất thử, việc sản xuất thử sẽ triển khai sản xuất diện rộng hơn. Chẳng hạn, lúa thuần không quá 2.000 ha. Việc sản xuất thử có thể diễn ra trên toàn quốc với điều kiện đã có khảo nghiệm VCU. Quá trình sản xuất thử diễn ra tối thiểu 2 vụ, tối đa 3 năm.

Quy trình này được doanh nghiệp phản ánh là gây phát sinh thời gian và chi phí quá lớn cho doanh nghiệp, là rào cản lớn. Hệ quả, tính riêng khu vực Đông Nam Bộ có tới 200 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng nhưng chủ yếu là hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy, việc tập trung cho khâu nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí cao đang kéo chân các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

14 năm mới được bảo hộ

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình thậm chí còn cho biết, bản thân ông là đồng tác giả 10 giống cây trồng cấp quốc gia, có những giống 14 năm mới được bảo hộ. Nhưng giống vừa ra “lò” đã bị người khác đem đi khảo nghiệm cho riêng họ. “Cứ như thế còn ai dám nghiên cứu nữa vì làm giống mà không nghiên cứu thì không nói được chuyện gì”, ông Báo nhấn mạnh.

Không chỉ là câu chuyện khảo nghiệm, quy định cây trồng phụ do Chính phủ quy định, nếu không đăng ký không công bố thì dân không được sản xuất, đang được cho là phi lý. "Theo tôi hiện có đến hàng vạn loại giống trên thực tế như dược liệu, lâm nghiệp, hoa, rau... vốn vẫn tồn tại trong sản xuất, vậy ai sẽ công bố cho nông dân để họ đưa vào sản xuất? Tôi cho rằng quy định này không hợp lý, không khả thi”, ông Lê Hồng Nhu nhấn mạnh.

Còn nói như TGĐ Cty giống Thái Bình thì Việt Nam vẫn chưa hình thành được ngành công nghiệp về giống cây trồng do chưa đồng bộ nhiều yếu tố, điển hình là hệ thống pháp luật về ngành giống còn thiếu, việc hội nhập quốc tế cũng yếu...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:Xã hội hóa kiểm nghiệm giống cây trồng

Dự thảo Luật quy định, trường hợp với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính, giảm công đoạn đăng ký khảo nghiệm từ hai giai đoạn là khảo nghiệm và sản xuất thử xuống chỉ còn một giai đoạn là khảo nghiệm, bỏ giai đoạn sản xuất thử nghiệm.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã thu hẹp vùng khảo nghiệm công nhận giống từ 7 vùng theo vùng sinh thái xuống còn 3 vùng phân theo điều kiện nhiệt độ, thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp đến giống cây trồng.
Việc “nới” thêm số điểm khảo nghiệm và số vùng sinh thái không phải kiểm nghiệm, mà có thể khảo nghiệm một số vùng sinh thái chính có tính đại diện, được đánh giá là tránh cho doanh nghiệp phải kiểm nghiệm trên nhiều vùng.

Trên thực tế, hoạt động khảo nghiệm chỉ là hoạt động kiểm định độc lập của các tổ chức đảm bảo tính khách quan về chất lượng của giống cây trồng. Còn bản thân mỗi doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu sản xuất giống đã tiến hành nghiên cứu trồng thử.

THY HẰNG

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/coi-troi-cho-giong-cay-trong-129678.html