'Cởi trói' cho nghệ thuật biểu diễn

Trước hàng loạt những bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 79, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Biên đạo múa Tuyết Minh - thành viên Tổ Biên tập dự thảo Nghị định, về vấn đề này.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

PV: Thưa bà, phải chăng sau hàng loạt những bật cập xảy ra với các quy định lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, Cục NTBD mới đề xuất sửa đổi một số điều để “sửa sai”?

Biên đạo múa Tuyết Minh: Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 mới chỉ quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chứ chưa đưa ra những chính sách phát triển ngành nghệ thuật nói chung. Thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chỉ là một mảng nhỏ chứ chưa hướng đến mặt bằng lớn của phát triển NTBD. Theo đó, dự thảo Nghị định mới sẽ bao gồm 8 Chương quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành bản ghi âm, ghi hình các loại hình nghệ thuật biểu diễn và phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Dự thảo sẽ “cởi trói”, tạo hành lang thông thoáng hơn cho những quy định cũ đã nảy sinh những bất cập trong thời gian qua. Đơn cử, với thủ tục cấp phép, hiệu lực của giấy phép đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thông thoáng hơn.

Cụ thể, đối với hoạt động của cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo Nghị định quy định thủ tục cấp phép trực tiếp cho đối tượng này không phải thông qua các pháp nhân Việt Nam, giấy phép có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc và có thời hạn sử dụng. Các nghệ sĩ chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định một số trường hợp cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép biểu diễn nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Một trong những vấn đề “nóng” trong thời gian qua là cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài. Dự thảo sẽ có những thay đổi gì?

Theo tôi, bài hát, tác phẩm trước hay sau năm 1975, trong nước hay hải ngoại cũng đều phản ánh cảm xúc con người nên việc cấp phép phải dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả ngôn từ, giai điệu… thì được quyền đến với công chúng.

Thông thoáng trong giấy phép giúp hoạt động biểu diễn sôi động hơn.

Bên cạnh việc “cởi trói”, dự thảo Nghị định dường như lại “thắt chặt” hơn vấn đề quản lý thi người đẹp, người mẫu?

- Theo dự thảo này, Cục NTBD sẽ công bố danh sách khoảng 10 cuộc thi hoa hậu lớn nhất, uy tín và lâu năm thế giới, khu vực để các người đẹp Việt Nam tham gia. Dự thảo cũng đề xuất trong nước chỉ có một cuộc thi mang tên Hoa hậu Việt Nam hàng năm. Từ cuộc thi này sẽ chọn ra tốp 5 hoặc 10 để tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới theo danh sách của Cục NTBD. Cùng đó, ngoài Hoa hậu Việt Nam, mỗi vùng, khu vực trên cả nước sẽ được tổ chức một cuộc thi người đẹp vùng hoặc khu vực. Về vấn đề “thắt chặt” hay “nới lỏng” thì phải thẳng thắn nhìn nhận việc quản lý người mẫu, người đẹp, thời trang hiện nay ở Việt Nam là khá phức tạp.

Trong dự thảo mới, Cục NTBD sẽ phân chia chi tiết cuộc thi trong nước và quốc tế. Bộ VHTTDL sẽ cấp phép cho cuộc thi cấp quốc gia và danh hiệu là hoa hậu. Các cuộc thi khác sẽ phân theo khu vực với số lượng cuộc thi giới hạn. Giấy phép các cuộc thi khu vực sẽ do UBND mỗi TP đăng cai năm đó của khu vực đó cấp. Các tỉnh trong khu vực sẽ luân phiên tổ chức cuộc thi người đẹp chứ không phải năm nào cuộc thi khu vực A cũng diễn ra ở tỉnh, thành B. Cuộc thi sắc đẹp khu vực sẽ có danh xưng người đẹp. Các người đẹp từ các cuộc thi này nếu đủ điều kiện vẫn có thể tham gia các cuộc thi quốc tế trong danh sách Cục NTBD đưa ra.

Được biết, trong dự thảo Nghị định, Cục NTBD đang đề xuất lập hồ sơ trực tuyến từng nghệ sĩ nhằm tránh những kiện tụng không đáng có trong những đợt xét tặng danh hiệu. Xin bà chia sẻ thêm về quy định mới này?

- Là thành viên Tổ xây dựng Dự thảo Nghị định, đồng thời là một nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị định, qua thực tế tôi thấy thấm thía việc cần thiết cần phải có một “Cơ sở dữ liệu quản lý Hồ sơ hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ trên toàn quốc”. Trước hết, ta phải khẳng định Hồ sơ này là một hoạt động quản lý nhà nước, là nơi mỗi người nghệ sĩ có thể đặt niềm tin vào sự minh bạch, thể hiện thực chất quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và những công hiến của người nghệ sĩ.

Để lập cơ sở dữ liệu này, chúng tôi đang nghiên cứu và lấy ý kiến tìm ra phương án tối ưu nhất, nhưng chắc chắn việc cập nhật sẽ được phân cấp tới các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố. Mặt khác, chúng tôi sẽ không bỏ qua cơ chế phối hợp với các Hội nghề nghiệp chuyên ngành để cùng kiểm tra, giám sát độ xác thực của các Bằng khen, Giải thưởng vì ngoài “thành tích cứng” của mỗi người nghệ sĩ hiển thị trên dữ liệu số này, còn phải tính đến một yếu tố hết sức quan trọng của mỗi người nghệ sĩ đó là mặt hoạt động xã hội, ảnh hưởng nghệ thuật của họ tới công chúng, đây mới là thước đo người nghệ sĩ đó có phải là “nghệ sĩ của nhân dân” hay không? Tác phẩm của họ có thực sự “sống trong lòng dân” hay không?.

Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Quân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/coi-troi-cho-nghe-thuat-bieu-dien-tintuc423277