Coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga

Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang (LB) Nga Dmitri Medvedev, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ thăm chính thức LB Nga từ ngày 20 đến 23-5.

Trong bối cảnh hai nước sẽ tổ chức Năm chéo Việt-Nga 2019-2020 nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-LB Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020), chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga.

Hiện nay, LB Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên G20, BRICS cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Theo Học thuyết đối ngoại mới thông qua năm 2016, Nga chủ trương đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ, rộng mở trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong chính sách đối ngoại, Nga coi khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) là ưu tiên hàng đầu, với trọng tâm là tăng cường liên kết khu vực; coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí quan trọng... Nga tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực, như: APEC, Cấp cao Nga-ASEAN, EAS, ARF, ASEM, ADMM+…; tăng cường hợp tác song phương với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam; khai thác thế mạnh về năng lượng, kỹ thuật quân sự.

Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với LB Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của thời đại. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 30-1-1950, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.

Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12-1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và LB Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Việc hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga ngày 16-6-1994, nhân chuyến thăm LB Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới. Trong chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 28-2 đến 2-3-2001) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Ngày 27-7-2012, Việt Nam và Nga ra tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ chính trị Việt-Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng… Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp cục, vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, như: Liên hợp quốc, APEC, ASEM...

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-LB Nga thời gian qua phát triển năng động, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Năm 2016 kim ngạch thương mại đạt 2,7 tỷ USD; năm 2017 tăng lên mức 3,55 tỷ USD; năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, may mặc, nông, thủy sản, hải sản các loại… Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng của Nga như: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại… Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29-5-2015, có hiệu lực từ ngày 5-10-2016.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 2-2019, Nga đứng thứ 24 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 127 dự án và tổng số vốn đăng ký trên 950 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn gần 3 tỷ USD, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hóa-Thương mại Hà Nội-Moscow, chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH-True Milk… Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam.

Một trong những điểm sáng hợp tác giữa hai nước là giáo dục-đào tạo. Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Nếu năm 2011 Nga cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Nga, thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên khoảng 1.000 suất học bổng/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.

Do yếu tố lịch sử, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 60-80 nghìn người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại LB Nga nhiều thập niên. Cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga tích cực học tập, cố gắng chuyển đổi hình thức kinh doanh nhằm tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước Nga.

Trong bối cảnh hai nước sẽ tổ chức Năm chéo Việt-Nga 2019-2020, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ thành công tốt đẹp, đưa quan hệ Việt Nam-LB Nga tiếp tục phát triển thực chất, bền vững trong nhiều lĩnh vực hợp tác, như chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/coi-trong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-lien-bang-nga-574498