Coi trọng quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar U Win Myint, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 16 đến 18-12-2019.

Việt Nam và Myanmar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-5-1975, nhưng trên thực tế hai nước đã có mối quan hệ ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước. Tuy còn nhiều khó khăn song chính quyền và các đoàn thể ở Myanmar luôn tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và Myanmar được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Aung San gây dựng đã không ngừng được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Myanmar thời gian qua có nhiều bước phát triển tích cực. Về chính trị-ngoại giao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Hợp tác chặt chẽ trên kênh Đảng được xác định là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước tiếp tục được tăng cường thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước. Gần đây nhất, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar hồi tháng 8-2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, ghi một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước.

Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư khởi sắc, trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Myanmar. Theo đó, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 860 triệu USD trong năm 2018 (tăng 3,8% so với năm 2017) và 790 triệu USD trong 10 tháng của năm 2019 (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018). Hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar với 18 dự án có tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD; nổi bật phải kể đến dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar với tổng vốn đầu tư của liên doanh là gần 1,4 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam khác tăng cường đầu tư vào Myanmar như FPT, Eurowindow… Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 224 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: Văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.

Trên cơ sở quan hệ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư ngày càng gắn bó, các lĩnh vực hợp tác khác như quốc phòng, an ninh, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương có nhiều tiến triển, nhất là sau khi hai nước mở đường bay thẳng vào năm 2010. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar trong các lĩnh vực khác như giáo dục, năng lượng-dầu khí, giao thông vận tải, nông-lâm-ngư nghiệp, tài chính-ngân hàng tiếp tục được thúc đẩy.

Việt Nam và Myanmar có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS)...

Mối quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc có nền tảng hữu nghị truyền thống vững chắc, đã và đang được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy phát triển. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực đưa quan hệ với Myanmar ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực trên tinh thần hữu nghị và cùng có lợi. Chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác tin cậy giữa hai nước vì hòa bình và phát triển.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/coi-trong-quan-he-doi-tac-hop-tac-toan-dien-viet-nam-myanmar-605435