Colombia: Cuộc sống trong những khu ổ chuột

Colombia hiện có 2 khu ổ chuột lớn nhất là La Pista nằm ở ngoại ô thành phố Maicao với khoảng 14.000 người và khu ở chuột Altos de Cazuca, gần thành phố Soacha, nơi cư ngụ của 450.000 người. Theo Chương trình lương thực thế giới Liên Hợp quốc (World Food Programme, viết tắt là WFP), 84,6% dân số ở hai nơi này luôn trong tình trạng đói ăn…

1. Dưới ánh nắng chói chang của một ngày cuối tháng 3, German Balera đẩy chiếc xe nhỏ đóng bằng những thanh gỗ, bánh xe lấy từ một chiếc xe nôi trẻ em, đi qua đường băng sân bay đã bị bỏ hoang từ lâu để vào một mê cung gồm những túp lều xiêu vẹo vách tôn kẽm, nylon, bìa các-tông…, với hy vọng sẽ có người mua các mặt hàng bánh bột ngô nướng, cà phê pha loãng cùng thuốc lá rẻ tiền. Ông nói: “Những thứ tôi bán chẳng thứ nào quá 3.000 peso (tương đương gần 15.000 đồng tiền Việt) nhưng ở La Pista, nó vẫn là số tiền lớn”.

Khu ổ chuột La Pista dọc theo sân bay bỏ hoang.

Khu ổ chuột La Pista dọc theo sân bay bỏ hoang.

Trước những túp lều này, phụ nữ, trẻ em ngồi túm tụm thành từng nhóm, đưa mắt thèm thuồng nhìn chồng bánh màu vàng nâu. Trả lời trang tin Mỹ Latin ngày nay - Latin America Today - một phụ nữ 54 tuổi là Yuraima nói: “Đã 2 hôm nhà tôi không có gì ăn. Chồng tôi đi làm mướn chưa về nên chẳng có tiền dù 3 đứa con tôi đang đói. Tôi chỉ còn biết trông đợi vào ông ấy”.

Khác với Yuraima, bà Otaria lúc nhác thấy bóng người bán hàng rong German Balera thì nhanh như sóc, bà lẩn vào sau tấm màn che ở cửa lều vì 3 ngày trước, bà đã mua thiếu của ông ta 4 cái bánh với lời hứa hôm nay sẽ trả. Nói chuyện với Latin America Today, bà cho biết con trai bà 15 tuổi, làm nghề nhặt phế liệu ở thành phố Maicao lẽ ra đã phải mang tiền về từ chiều hôm qua nhưng chẳng hiểu sao giờ này vẫn chưa thấy mặt. Bà nói: “Tôi phải trốn vì nếu không, ông ấy sẽ làm ầm lên. Lần sau khó mà mua thiếu được nữa”.

Yuraima Garcia và Otaria chỉ là hai trong 14.000 người sống ở khu ổ chuột La Pista, ngoại ô thành phố Maicao, Colombia, phần lớn là người Venezuela. Nguyên nhân mà họ rời khỏi đất nước là vì nhóm du kích Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (ELN) trong nhiều thập kỉ đã sử dụng đất Venezuela làm căn cứ chống lại chính phủ Colombia. Chưa hết, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cũng thiết lập nhiều cơ sở ở biên giới, cả trên đất Colombia lẫn Venezuela, dẫn đến những cuộc đụng độ giữa ELN, FARC với quân đội Venezuela, Colombia vì cả hai nhóm này đều bị chính phủ hai nước đưa vào danh sách khủng bố.

Khi chạy sang La Pista, người tị nạn chọn sân bay bỏ hoang làm nơi nương náu, sống chen chúc trong những căn lều tạm bợ, dựng lên bởi vô số vật liệu phế thải mà dân Maicao vứt đi. Những căn lều ấy chạy dọc theo đường băng sân bay dài 1,2 km, nền bê tông nhiều chỗ đã bong tróc. Cả khu ổ chuột không hề có giếng nước, không điện và dĩ nhiên là cũng không có trạm y tế lẫn trường học. Họ tồn tại bằng việc làm thuê vác mướn, bằng sự cứu trợ ít ỏi của chính phủ và của các tổ chức nhân đạo quốc tế nhưng chẳng phải lúc nào cũng có. Bà Yuraima nói: “Cả nam lẫn nữ từ 13 tuổi trở lên đều đổ về thành phố Maicao để tìm việc, việc gì cũng được miễn là có vài ngàn peso mỗi ngày. Ở đây chỉ còn người già và con nít”.

Bà Otaria bắt mấy đứa con phải ngủ trưa để quên đi cái đói.

Về mặt địa lý, khu ổ chuột La Pista chỉ là 1 trong 52 điểm định cư không chính thức ở tỉnh La Guajira, cách biên giới Venezuela chưa tới 6 km.

Theo khảo sát của Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc, trong số 4.000 gia đình ở La Pista thì có đến 3.600 gia đình chỉ ăn một bữa mỗi ngày và tỉ lệ suy dinh dưỡng của cả người lớn lẫn trẻ em là 84,6%. Bên cạnh đó, nước uống cũng là vấn đề nan giải. Để có nước, cư dân La Pista phải đi bộ 6 km đến sông Rio Arauca, biên giới tự nhiên giữa Colombia và Venezuela. German Balera, người bán hàng rong ở La Pista cho biết mỗi tuần một lần, cư dân La Pista lại lũ lượt rủ nhau đi lấy nước đồng thời cũng để tắm rửa, giặt quần áo: “Bằng các vật liệu thu nhặt, chúng tôi làm ra những chiếc xe đẩy, mỗi chiếc có thể chở được 20 can nước, loại can 20 lít dùng cho cả tuần” nên cũng dễ hiểu vì sao can, thùng đựng nước ở La Pista là thứ đồ đạc quý giá nhất. Cũng do thiếu nước trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, khá nhiều cư dân La Pista mắc các bệnh ngoài da như ghẻ lở, zona, nấm…

Bác sĩ Ricardo, làm việc cho tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) nói: “Cứ 10 trẻ thì có đến 6 trẻ nổi đầy những mụn mủ trên đầu, gọi là bệnh “đầu đinh” do nhiễm tụ cầu khuẩn mà nguyên nhân là thiếu nước để tắm rửa…”. Marianna, tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Hijos de La Guajira cho biết mỗi ngày một lần, Hijos de La Guajira cung cấp bữa ăn trưa cho 350 trẻ em suy dinh dưỡng ở La Pista nhưng chỉ là cơm độn bắp vì thiếu kinh phí. Cô nói: “Hầu như chính quyền địa phương chẳng ngó ngàng gì đến nơi này. Thỉnh thoảng mới có một phái đoàn ghé qua, nhìn ngó rồi đi. Mọi lời hứa chỉ là “viện trợ ảo”.

Theo khảo sát của Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc, thu nhập bình quân tính theo đầu người mỗi ngày ở khu ở chuột La Piata chỉ là 4,25USD (khoảng 12.000 đồng). Với số tiền ít ỏi như thế thì ăn 1 bữa, đói 2 bữa là chuyện hiển nhiên. Rosa, người Colombia sống trong La Pista giải thích: “Khi số tiền này hết, nếu đi làm mướn thì chúng tôi phải đợi đến lần lĩnh lương tiếp theo. Việc đó có thể mất vài ngày hoặc đôi khi hơn một tuần”.

Bỏ trốn khỏi căn nhà ở Cali khi giao tranh giữa Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và quân chính phủ nổ ra, Rosa được phân loại là “người di cư nội địa Colombia (IDP)”. Ở La Pista, cô sống cùng 4 phụ nữ khác cũng chung cảnh ngộ trong một túp lều lợp bằng tôn, diện tích chỉ 4m2. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về di dân ước tính Colombia có gần 7 triệu IDP, cao hơn cả Syria và Iraq. Một nửa trong số đó sống ven rìa các đô thị lớn như Bogota, Medellin, nửa còn lại ở trong 52 khu ổ chuột được gọi là “trại tạm cư”. Maria Garzon, người ở cùng lều với Rosa than thở: “Chúng tôi là những nạn nhân bị lãng quên của cuộc chiến này. Chẳng có gì dành cho chúng tôi ngoài đói khát và tuyệt vọng”.

2. Khác với La Pista, khu ổ chuột Altos de Cazuca nằm dọc theo sườn núi ven rìa thành phố Bogota, là nơi cư trú của hơn 450.000 người, trong đó khoảng 200.000 là người Venezuela, số còn lại là người Colombia chạy trốn bạo lực. Để phần nào chống lại những cơn mưa gió mùa, nhà cửa ở đây hầu hết được dựng bằng những tấm tôn phế liệu. Hernando Trujillo, trước năm 2007 là chủ một doanh nghiệp nhỏ làm nghề vận chuyển rau từ các vùng nông thôn đến Bogota nhưng giờ đây, sau khi 2 chiếc xe tải của ông bị nhóm phiến quân FARC tịch thu để phục vụ chiến đấu, nhà của ông cũng bị trưng dụng, Hernando và gia đình phiêu bạt đến Altos de Cazuca. Ông nói: “Mùa nắng, chúng tôi phải chịu đựng cái nóng kinh hồn còn đến mùa mưa, những con đường đất biến thành những dòng sông bùn nhưng thà vậy còn hơn là chết dưới làn đạn của quân FARC hoặc quân chính phủ”.

Một đứa bé với bữa ăn do nhóm thiện nguyện Hijos de La Guajira cung cấp.

Là quốc gia đông dân thứ 3 ở Mỹ Latin và cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất chất ma túy cocain nên người dân Colombia ngoài việc nằm giữa làn tên mũi đạn trong những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và ELN, FARC, họ còn là nạn nhân của các băng nhóm sản xuất, buôn bán ma túy.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Colombia và nước láng giềng Venezuela đã xấu đi từ tháng 2/2019, khi tổng thống Venezuela là ông Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia với lý do ông Ivan Duque, Tổng thống Colombia đã chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Venezuela nhằm giúp các chính trị gia đối lập thu phục lòng dân. Không những thế, Colombia còn công nhận lãnh đạo phe đối lập là ông Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Đến tháng 1/2020, Colombia lại “đổ dầu vào lửa” khi từ chối đề xuất của Tổng thống Maduro về việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tháng 8/2022, ông Gustavo Pedro đắc cử tổng thống Colombia vì theo hiến pháp, mỗi tổng thống chỉ có thể tại vị 1 nhiệm kỳ duy nhất. Nó đã tạo ra một hy vọng cho những người Venezuela hiện đang sống trong những khu ổ chuột ở Colombia vì hồi tháng 1 năm nay, hai nước đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới. Nieto, 53 tuổi, người đã rời bỏ nhà cửa khi quân du kích FARC yêu cầu ông cung cấp lương thực cho họ, nói: “Thoạt đầu, chúng tôi hy vọng rằng sự tan băng trong quan hệ ngoại giao giữa Colombia và Venezuela có thể mang lại những hỗ trợ về lương thực, việc làm, thậm chí chúng tôi còn có cơ hội để trở về nhà nhưng đến nay, đã 3 tháng trôi qua nhưng tình hình vẫn vậy, thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì thế, chúng tôi thà ở lại đây chứ không thể liều mạng ra đi với một tương lai bất định”.

Theo ông Francesca Fontanini, phát ngôn viên Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) tại Colombia, hơn nửa triệu di dân có rất ít kỹ năng để tồn tại trong môi trường đô thị nên đã tạo ra áp lực rất lớn cho các thành phố. Ông nói: “Điều kiện sống ở các khu ổ chuột còn tồi tệ gấp hàng chục lần nếu so với những vùng nông thôn nghèo khổ nhất tại Colombia hay Venezuela. Ở nông thôn, người dân còn có thể dựa vào đất đai, chăn nuôi hoặc làm thuê cho các trang trại mỗi khi đến vụ mùa nhưng ở La Pista hay Altos de Cazuca, họ sẽ làm gì khi xung quanh chỉ có đất và đá?”. Jose Aicardo, 53 tuổi, từng là giáo viên trước khi chạy trốn khỏi các nhóm vũ trang cho biết: “Chính phủ Colombia đã bảo đảm an ninh cho các đường cao tốc và khách du lịch có thể đi từ thành phố này sang thành phố khác một cách an toàn nhưng những khu vực mà chúng tôi đã từng sống vẫn là những vùng đất của bạo lực và cái chết”.

Tháng 11 năm ngoái, sau nhiều thập niên giao tranh đẫm máu, một thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Colombia với FARC đã được ký kết nhưng nó vẫn chưa mang lại hy vọng cho những người sống trong các khu ổ chuột bởi lẽ khi FARC rút khỏi các căn cứ của họ, một số tổ chức bán quân sự cùng các băng nhóm ma túy đã nhanh chóng tiếp quản rồi điều hành cộng đồng dân cư theo luật lệ riêng. Nieves Batres, điều phối viên của UNHCR cho biết: “Di dân vẫn tiếp tục đổ về La Pista, Altos de Cazuca để tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế trước sự đe dọa của những nhóm vũ trang mới ra đời và sự bất lực của chính quyền. Người di cư không còn cách nào để chọn lựa…”.

7 giờ chiều, hoàng hôn bắt đầu đổ xuống đường băng sân bay. Trước những túp lều, vài đống lửa được đốt lên bằng mấy mảnh cao su, cháy bập bùng như ma chơi. Khói cay hăng nồng xộc vào mắt, mũi những người ngồi dưới chiều gió. Đây đó vang lên vài cơn ho sặc sụa. Phải 2 đến 3 tiếng nữa, khi cái nóng đã dịu bớt, họ mới có thể đi ngủ với cái bụng rỗng và niềm hy vọng ngày mai có cái gì đó để ăn. Người bán hàng rong German Balera cười buồn: “Cả ngày nay tôi chỉ bán được 2 cái bánh cho gia đình Eduard. Ông ấy là công nhân xây dựng tại một công trường ở thành phố Maicao với mức lương 30.000 peso mỗi ngày (13 USD). Nếu tôi cũng kiếm ra chừng ấy thì tối nay con tôi không đói nhưng nếu cho chúng ăn hết mấy cái bánh thì ngày mai sẽ sống bằng gì?...”.

Vũ Cao (Theo Latin America Today)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/colombia-cuoc-song-trong-nhung-khu-o-chuot-i691401/