Cơm cháy Tân Châu trên hành trình hướng đến sản phẩm OCOP

Anh Nguyễn Trọng Thọ ở thôn Thọ Sơn 1, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa vừa nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm cơm cháy với hình thức đóng gói phù hợp, mang đặc trưng riêng, nhãn hiệu Ánh Dương, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa bao bì nhãn mác đáp ứng yêu cầu của thị trường đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên liệu làm cơm cháy là gạo nếp, gạo tẻ được trộn lẫn, đem vo sạch sau đó ngâm trong nước từ 3 đến 4 tiếng cho nở rồi để ráo.

Sau đó sẽ được cho vào các khay nấu, đổ nước vừa đủ và đặt vào các tủ nấu cơm tự động.

Cơm chín được đổ ra các mặt phẳng, định hình và dàn đều trong khuôn với chiều lớp dày từ 1 - 2 cm.

Sau đó sẽ được cho vào lò sấy khô ở nhiệt độ 120 độ C trong khoảng 1 đến 1.5 tiếng bằng máy sấy thực phẩm chuyên dụng.

Và sẽ được cho vào các bếp chiên nhúng để chiên tới khi phồng, giòn và có màu vàng đều, sau đó được vớt ra, để ráo và sẽ được rắc đều một lớp gồm ruốc và nước sốt có vị đặc trưng của phương Nam và vị chủ đạo truyền thống phía Bắc lên trên.

Cơm cháy hoàn thành được đóng gói vào các túi hút chân không để giữ được độ giòn và hương vị thơm ngon nhất.

Mỗi ngày cơ sở sản xuất cơm cháy nhà anh Nguyễn Trọng Thọ sản xuất ra 6.000 bánh cơm cháy, tiêu thụ 18 tấn gạo/tháng, tạo việc làm cho 25-30 lao động với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng.

Với thị trường tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn cả nước, sản phẩm cơm cháy nhãn hiệu Ánh Dương đang được huyện Thiệu Hóa chọn đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/com-chay-tan-chau-tren-hanh-trinh-huong-den-san-pham-ocop/21363.htm