Còn 13 cầu cản trở giao thông thủy cần cải tạo

Hàng loạt điểm nghẽn trên các tuyến vận tải thủy trọng điểm quốc gia được các cơ quan chức năng nhận diện...

Cầu Đuống là điểm gây cản trở lớn nhất trên tuyến vận tải thủy hành lang số 1 ở phía Bắc

Cầu Đuống là điểm gây cản trở lớn nhất trên tuyến vận tải thủy hành lang số 1 ở phía Bắc

Mùa lũ vướng cầu, mùa khô luồng cạn

Ông Vũ Văn Định, thuyền trưởng tàu NB - 1275 thường xuyên chở dăm gỗ, đá xây dựng từ Phú Thọ; và Ninh Bình, Nam Định và ngược lại theo tuyến sông Lô, sông Hồng cho biết, từ đầu tháng 11/2018 đến nay phương tiện khi đi qua đoạn Bác Cổ trên sông Hồng (đoạn gần cầu Chương Dương, Hà Nội) rất khó khăn, thường xuyên bị ùn ứ.

“Luồng đoạn này đã bị cạn thường xuyên chỉ đi hàng một và một chiều khiến mỗi chuyến hàng chậm hàng tiếng so với con nước bình thường. Giờ mới bắt đầu mùa khô nên hai, ba tháng nữa kiểu gì trên các đoạn qua vùng Cao Đại, Trung Hà... cũng sẽ có các đoạn luồng cạn hơn nhiều, có khi tàu phải nằm chờ cả ngày mới đi được”, ông Định nói.

Trên hành lang vận tải thủy số 1 ở phía Bắc ngoài chuyện luồng bị cạn, còn có cầu Đuống trên sông Đuống với tĩnh không thấp, hẹp đã gây cản trở phát triển vận tải thủy trên hành lang trong nhiều năm qua. Điểm nghẽn cầu Đuống được nhận diện đã lâu, cần ưu tiên giải quyết, nhưng đến nay chưa có nguồn vốn để cải tạo hoặc xây mới.

Ông Phan Quốc Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết, từ ngày 6/11 đến nay, đơn vị đã bố trí phương tiện, lực lượng để điều tiết, hướng dẫn tàu thuyền qua lại an toàn qua đoạn luồng chạy tàu Bác Cổ. “Hiện mực nước xuống thấp. Luồng chạy tàu không đủ chiều sâu, chiều rộng theo tiêu chuẩn nên phương tiện không được đi song song hàng đôi, hàng ba, buộc phải đi theo hàng một, một chiều để tránh mắc cạn, ùn tắc giao thông”, ông Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, nhiều năm nay mỗi khi vào mùa khô trên sông Hồng từ cảng Hà Nội đến Việt Trì lại xuất hiện khoảng 10 bãi cạn trọng điểm, khiến luồng lạch bị thu hẹp, gây cản trở vận tải và nguy hiểm cho tàu thuyền, nhưng các giải pháp mới chủ yếu điều tiết giao thông, nạo vét luồng trong phạm vi hẹp.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, gây cản trở giao thông thủy nhiều nhất là hệ thống cầu vượt sông đã xây dựng từ nhiều năm trước đây với tĩnh không thấp, khoang thông thuyền nhỏ hẹp hơn so tiêu chuẩn kỹ thuật của luồng chạy tàu. Tại khu vực phía Bắc điển hình là cầu đường sắt Đuống, cầu Tam Bạc, còn phía Nam có hơn chục cầu cần cải tạo, nâng cấp.

Khó hút vốn xã hội hóa vì cơ chế thu hồi vốn

Liên quan đến đề xuất cải tạo cầu Đuống, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung cho biết, đã có ý tưởng nâng tĩnh không cầu Đuống (sông Đuống) bằng giải pháp cải tạo nhịp giữa cầu có thể nâng lên, hạ xuống để tàu có trọng tải lớn, tàu chở container 3 lớp đi qua. Kinh phí đầu tư cải tạo khoảng 300 - 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ khó thu hồi vốn. Bởi, không thể thu phí phương tiện đường bộ, trong khi thu phí phương tiện thủy không khả thi.

“Phương án khả thi chỉ có thể là thu hồi vốn bằng cát, sản phẩm nạo vét trên luồng tàu trên tuyến, nhưng không dễ để có được cơ chế này”, ông Cường nói.

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, khu vực này hiện có 18 tuyến đường thủy quốc gia do đơn vị quản lý, trong đó có 23 cầu cũ có khoang thông thuyền nhỏ, hẹp gây cản trở vận tải. Từ năm 2013 đến nay, Bộ GTVT và các địa phương đã ưu tiên đầu tư xây dựng, thay thế được 10 cầu mới giúp nâng năng lực vận tải thủy trên các tuyến quan trọng. Hiện, còn 13 cầu nữa cần giải quyết, trong đó có 3 cầu cần ưu tiên đầu tư tiếp là Rạch Ông (TP HCM) kênh Xà No trên tuyến TP HCM - Cà Mau, Nàng Hai (Đồng Tháp) kênh Rạch Sỏi Hậu Giang thuộc tuyến TP HCM - Kiên Lương, Kim Sơn (Bạc Liêu) tuyến Bạc Liêu - Cà Mau để phục vụ giao thông thủy và thay thế cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Ngoài các cầu trên, kênh Chợ Gạo ở cũng là tuyến vận tải điển hình cần sớm được nâng cấp, cải tạo để nâng năng lực vận tải thủy. Trước đây, tuyến này từng được chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhưng không khả thi nên dự kiến dùng nguồn vốn khác, nhưng chưa biết khi nào có thể triển khai”, ông Nguyễn Văn Loan thông tin.

Đồng thời, cũng theo ông Loan, hiện chỉ có dự án nâng tĩnh không cầu Bình Lợi (sông Sài Gòn) đang được triển khai bằng vốn xã hội hóa qua thu phí phương tiện thủy (chỉ có một chiều để ra, vào khu vực này), còn lại do đường thủy chưa có cơ chế về thu hồi vốn (thu phí phương tiện, đổi đất lấy hạ tầng, sản phẩm nạo vét luồng...) nên ít có nhà đầu tư quan tâm.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) mới đây có văn bản kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư xây dựng 3 cầu Rạch Ông, Xà No và Nàng Hai bằng nguồn vốn ngân sách trong năm 2019, với tổng mức đầu tư cần khoảng 725 tỷ đồng.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/con-13-cau-can-tro-giao-thong-thuy-can-cai-tao-d279720.html