Còn 138 tàu đang nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 6 giờ ngày 20-12 có 138 tàu đang ở trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong vòng 24 giờ tới, trong đó có 63 tàu của tỉnh Bình Định, 21 tàu Khánh Hòa, 41 tàu Phú Yên, 1 tàu Quảng Nam, 12 tàu Quảng Ngãi.

Hướng di chuyển của ATNĐ. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng nay, 20-12, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7 giờ sáng nay, 20-12, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm ATNĐ.

Trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn BĐBP báo cáo tình hình kêu gọi tàu thuyền. Ảnh: Ngọc Hà

Khi ATNĐ hình thành trên biển Đông, các đơn vị Biên phòng tuyến biển đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin và chủ động vòng tránh.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, tính đến 6 giờ sáng 20-12, BĐBP các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 phương tiện/255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó có 1.326/8.925 người đang hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa.

Hiện các phương tiện này đang di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú. 12.573 tàu/68.982 người đang hoạt động ở khu vực khác cũng đã được thông báo về diễn biến của ATNĐ. Hiện tại có 32.783 tàu/177.486 người đang neo đậu tại các bến.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau (khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và ATNĐ) có 889.397ha nuôi trồng mặn, lợ (tôm, cá, nhuyễn thể); 84.354ha nuôi nước ngọt và 222.231chiếc lồng/bè cần được thực hiện các biện pháp bảo vệ để tránh thiệt hại.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương không chủ quan, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bão. Ảnh: Bích Nguyên

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đúng ngày này 3 năm về trước, cơn bão số 16 cũng ở khu vực này nhưng mạnh hơn và diễn biến phức tạp hơn cơn bão lần này vì thế không thể chủ quan.

“Toàn bộ khu vực biển Đông đang có gió mạnh, phạm vi rất rộng và diễn biến phức tạp. Trong khi đó vùng bị ảnh hưởng đang có rất nhiều tàu, thuyền đánh bắt thủy sản và tàu vận tải hoạt động. Hôm qua có tàu vận tải mang quốc tịch Panama đã bị chìm. Rủi ro trên biển đang rất lớn. Trong khi khu vực chịu ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão có nhiều tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, khả năng chống chịu gió bão kém và khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trên đất liền rất hạn chế „- ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài đề nghị Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục liên hệ với các địa phương theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển, tăng cường thời lượng, số lượng bắn pháo hiệu báo bão ngay từ bây giờ để người dân biết và chủ động hơn trong công tác phòng, chống bão.

Đồng thời, tích cực thông tin cho địa phương và người dân có biện pháp đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi trồng thủy sản. Ông Hoài cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần sẵn sàng kích hoạt hệ thống tin nhắn cảnh báo bão tới người dân.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-138-tau-dang-nam-trong-vung-anh-huong-cua-ap-thap-nhiet-doi-post435975.html