Cơn ác mộng dai dẳng

Nước Mỹ vừa rúng động bởi hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng, liên tiếp xảy ra chỉ trong chưa đầy 24 giờ dịp cuối tuần qua, khiến 30 người chết. Cơn ác mộng dai dẳng về bạo lực liên quan súng lại bùng lên, đốt nóng dư luận Mỹ về nỗ lực kiểm soát súng đạn, vốn vẫn bị chặn trước 'cửa ải' Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa chi phối.

Nước Mỹ vừa rúng động bởi hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng, liên tiếp xảy ra chỉ trong chưa đầy 24 giờ dịp cuối tuần qua, khiến 30 người chết. Cơn ác mộng dai dẳng về bạo lực liên quan súng lại bùng lên, đốt nóng dư luận Mỹ về nỗ lực kiểm soát súng đạn, vốn vẫn bị chặn trước “cửa ải” Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa chi phối.

Với 20 người chết và 26 người bị thương, vụ xả súng kinh hoàng hôm 3-8, tại siêu thị bán lẻ Walmart ở thành phố En Pa-xô thuộc bang Tếch-dát, trở thành vụ bạo lực súng đạn đẫm máu thứ 8 trong lịch sử nước Mỹ. Chưa đầy 24 giờ sau, sáng 4-8, dư luận Mỹ lại rúng động vì vụ một đối tượng, trước khi bị tiêu diệt, đã nổ súng cướp đi sinh mạng chín người, khiến 16 người bị thương, tại một khu giải trí ở thành phố Đây-tơn của bang Ô-hai-ô. Gần như trùng thời điểm, tại thành phố Chi-ca-gô thuộc bang I-li-noi, hai vụ xả súng liên tiếp cũng khiến chín người bị thương.

Các vụ xả súng liên tiếp xảy ra trong bối cảnh người Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng bởi loạt vụ bạo lực trong tháng 7 vừa qua, cũng liên quan súng đạn. Hôm 30-7, hai người chết trong vụ xả súng cũng tại một siêu thị Walmart ở bang Mi-xi-xi-pi. Hai vụ xả súng trong các ngày 27 và 28-7, tại hai lễ hội văn hóa ở các thành phố Niu Oóc và Bắc Ca-li-pho-ni-a, khiến bốn người chết. Trước đó, hôm 20-7, thành phố Chi-ca-gô trải qua một ngày đen tối, khi có tới bốn vụ xả súng liên tiếp, khiến hai người chết, nhiều người bị thương.

Theo hồ sơ dữ liệu tại Mỹ, trong 10 vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, thì bốn vụ xảy ra trong vòng ba năm gần đây, và năm 2019 có nguy cơ thành “năm kỷ lục” mới về bạo lực súng đạn. Trong khi đó, Liên hợp quốc ước tính, năm 2018, số người Mỹ chết vì súng đạn cao gấp sáu lần so với ở Ca-na-đa, gấp bảy lần ở Thụy Điển và 16 lần ở Đức. Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ cũng chỉ rõ, Mỹ chiếm chỉ 5% số dân thế giới, song lại sở hữu khoảng 45% số vũ khí tư nhân trên toàn cầu.

Những con số kinh khủng nêu trên phản ánh thực trạng tồi tệ về bạo lực súng đạn ở Mỹ, vốn được xem như cơn ác mộng dai dẳng với người dân “nước này”. Điều đáng nói, theo kết quả điều tra ban đầu, vũ khí được hung thủ sử dụng trong các vụ việc ở các bang Tếch-dát và Ô-hai-ô đều là loại súng có khả năng sát thương cao, mà một đối tượng chưa có tiền án, tiền sự không quá khó khăn để sở hữu. Các vụ việc nghiêm trọng mới nhất ngay lập tức khơi lại cuộc tranh cãi bất tận về nỗ lực siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những yếu tố giúp giảm tình trạng bạo lực tại Mỹ. Nhiều ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ chỉ trích Thượng viện và đảng Cộng hòa đã không hành động nhằm chấm dứt nạn bạo lực súng đạn.

Thực tế, các vụ xả súng hàng loạt vốn gây nhức nhối trong xã hội Mỹ từ lâu, song vấn đề này vẫn chưa tìm được lời giải, bởi chính mâu thuẫn và sự chia rẽ trên chính trường Mỹ. Từ năm 2011, các nỗ lực về an toàn súng đạn thường bị chặn lại ngay từ Hạ viện, dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Giành lại thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử năm 2018, đảng Dân chủ thúc đẩy những quy định về sở hữu súng. Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật liên tiếp về kiểm soát súng, một động thái chưa có tiền lệ ở Mỹ. Sau gần một phần tư thế kỷ, lần đầu nước Mỹ có một dự luật kiểm soát súng đạn qua được cửa ải Hạ viện, tạo bước đột phá trong nỗ lực hạn chế bạo lực do súng. Đáng tiếc, đến nay, hai dự luật nêu trên vẫn chưa được Thượng viện thảo luận và khả năng được thông qua thật sự khó khăn khi đảng Cộng hòa còn nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Và kể cả khi vượt qua cửa ải này, các dự luật cũng không có gì bảo đảm được thực thi, khi Tổng thống Đ.Trăm từng tuyên bố sẽ phủ quyết các dự luật liên quan kiểm soát súng đạn.

Tranh cãi dai dẳng về việc kiểm soát súng xuất phát từ lợi ích của các nhóm vận động hành lang có sức ảnh hưởng tới chính trường tại Mỹ, trong đó có Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA). Ngoài ra, nguồn thu khủng từ kinh doanh súng đạn cũng tạo cản trở lớn đối với những nỗ lực hạn chế loại vũ khí này. Cộng thêm sự chia rẽ lưỡng viện Quốc hội, triển vọng một dự luật về kiểm soát súng đạn vẫn còn xa vời.

Các thảm kịch chết người vì súng đạn liên tiếp xảy ra một lần nữa làm bùng lên lo ngại về “bóng ma” bạo lực súng đạn ám ảnh nước Mỹ. Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Trăm khẳng định Nhà trắng đang thực hiện nhiều biện pháp hơn bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào để ngăn chặn bạo lực súng đạn. Song rõ ràng, Chính phủ Mỹ còn phải làm nhiều hơn nữa, mới mong xóa được “cơn ác mộng” này.

Ngân An

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41116102-con-ac-mong-dai-dang.html