Con bài mặc cả của Trung Quốc lại là dao hai lưỡi

Trung Quốc có thể tước đoạt 'vitamin' của ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp quân sự Mỹ, là kim loại đất hiếm đã tinh chế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh không dễ để thực hiện đòn đánh này bởi nó cũng là con dao hai lưỡi.

Đất hiếm, vũ khí lợi hại của Trung Quốc

Các nguyên tố đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại, được gọi là “vitamin cho cuộc sống hiện đại” vì tầm quan trọng to lớn của chúng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ điện thoại thông minh cho đến tên lửa.

Có thể nói kim loại đất hiếm có vai trò cực kỳ quan trọng với con người và nền công nghiệp hiện đại.

Trung Quốc sẽ chưa vội sử dụng con bài đất hiếm

Trung Quốc sẽ chưa vội sử dụng con bài đất hiếm

Giới chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang thiết lập các cơ chế tăng cường khả năng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và tăng gấp đôi thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này, sử dụng vị thế gần như độc quyền của mình trên thị trường kim loại đất hiếm để gây áp lực lên Mỹ trong cuộc đàm phán thương mại.

Nếu cấm vận xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, Trung Quốc có thể tước đi “vitamin” quan trọng cho ngành công nghiệp quân sự Mỹ, như một phần lệnh trừng phạt mới đối với tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin; để đáp trả lại hành động của Washington, phê duyệt thỏa thuận cung cấp cho Đài Loan thiết bị hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Lockheed Martin sản xuất.

Ban đầu, các biện pháp mới của Trung Quốc được đón nhận rất nhẹ nhàng, vì tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ thực tế không bán hàng hóa gì ở Trung Quốc, nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Bắc Kinh ngừng cung cấp đất hiếm cho Lockheed Martin, vốn rất quan trọng để sản xuất vũ khí công nghệ cao, và Trung Quốc lại có “độc quyền gần như hoàn toàn” về loại hàng này.

Điều đó gây sự lo ngại cho Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ đề xuất đơn giản hóa các quy tắc khai thác và thăm dò kim loại đất hiếm trên lãnh thổ Mỹ và thậm chí trên thềm lục địa.

Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng “hệ thống phòng thủ” để không bao giờ trở thành con tin của nước ngoài, vì tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế.

Trong một thời gian dài, Phương Tây được nuôi dưỡng bằng hàng hóa giá rẻ, họ không quan tâm quá nhiều đến việc lấy đất hiếm từ đâu và chỉ đến khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát họ mới phải nghĩ về nó.

Vị trí gần như độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này là kết quả của 30 năm hoạch định chiến lược, cũng như chi phí lao động thấp và không có những hạn chế về môi trường, khiến các quốc gia khác không thể cạnh tranh trong việc khai thác và xử lý đất hiếm trên đất nước mình.

Mỹ thực sự gặp khó trước Trung Quốc

Trung Quốc, chỉ tính riêng trên lãnh thổ của mình đã khai thác khoảng 70% tổng khối lượng và xử lý khoảng 95% quặng đất hiếm, nhờ đó họ có thể kiểm soát nguồn cung ra thế giới.

Một tỷ lệ đáng kể động cơ, nam châm, hay các thành phần khác chứa đất hiếm được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc và sau đó được xuất khẩu cho người mua ở phương Tây, bao gồm cả Lockheed Martin.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn sở hữu một mạng lưới các mỏ đất hiếm ở châu Phi mà họ đã mua “trong chiến lược dài hạn nhằm độc chiếm các nguyên liệu thô này trong tương lai”.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và nguy cơ Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế của mình để giảm xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ, Washington đang xem xét khả năng sản xuất độc lập các nguyên tố đất hiếm từ quặng để thay thế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với quặng và các sản phẩm khai thác quặng từ ngày 01/6 là một đòn đánh mạnh vào Mountain Pass Materials của Mỹ, công ty chuyên xuất khẩu bán thành phẩm có chứa kim loại đất hiếm sang Trung Quốc.

Đối tác của Mountain Pass Materials tại Trung Quốc là nhà sản xuất các nguyên tố đất hiếm Shenghe Resources Holding.

Đối tác Trung Quốc sở hữu khoảng 10% cổ phần của Mountain Pass Materials, cung cấp tư vấn kỹ thuật cho công ty Mỹ, đóng vai trò là người chế xuất và nhà phân phối chính của công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Đối tác Trung Quốc xử lý quặng đất hiếm Mỹ để lấy ra neodymium, cerium, lanthanum, europium và các yếu tố khác được sử dụng trong nam châm, xe điện, điện thoại thông minh, vô số linh kiện công nghiệp và sản phẩm điện tử. Phần lớn các kim loại quý hiếm này, có nguồn gốc từ nguyên liệu thô của Mỹ, được tái xuất trở lại Hoa Kỳ.

Nhận ra hậu quả của việc phá vỡ chuỗi cung ứng đang hoạt động tốt trong nhiều năm qua, Lầu Năm Góc đã xây dựng một nhà máy chế biến bên cạnh mỏ đất hiếm duy nhất ở Hoa Kỳ tại làng Mountain Pass ở California;

tuy nhiên nhà máy vẫn chưa bắt đầu hoạt động bởi chi phí lao động cao hơn đáng kể so với đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, cũng như tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, đã cản trở việc này.

Một thỏa thuận khai thác gần đây của Texas Blue Line có trụ sở tại Texas với công ty liên doanh Lynas của Australia và Malaysia được cho là sẽ giảm một phần rủi ro cho thị trường kim loại đất hiếm của Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn nghiêm trọng cũng đã nảy sinh đối với Blue Line Mining.

Vị trí của tập đoàn xuyên quốc gia Lynas hiện nay đang khá bấp bênh. Công ty có trụ sở tại Malaysia, mà trong những tháng gần đây ở nước này đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình phản đối tập đoàn gây hại cho môi trường trong quá trình sản xuất. Phía Malaysia đe dọa sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh của Lynas.

Vì sao Trung Quốc chưa sử dụng vũ khí đất hiếm?

Động thái mới của Bắc Kinh và những phản ứng của Mỹ đã tái khẳng định tính dễ bị tổn thương của phương Tây, khi phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung kim loại đất hiếm từ Trung Quốc.

Công ty tư vấn Mỹ Horizon Advisory cảnh báo vào tháng trước rằng, Trung Quốc đang xem xét vị thế thống trị của mình trên thị trường đất hiếm không phải từ tài chính mà từ quan điểm chiến lược.

Bắc Kinh không quan tâm đến những lợi ích kinh tế, mà họ thấy kiểm soát khu vực này là một cách để chiến thắng mà không cần phải chiến đấu.

Nhưng Bắc Kinh cũng có sự phụ thuộc vào nhu cầu của phương Tây, bởi xét đến cùng, mặc dù điện thoại thông minh được lắp ráp tại các nhà máy Trung Quốc, nhưng các hệ điều hành trên đó được viết ra ở Mỹ.

Do đó, mặc dù những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị chính quyền hạn chế hoàn toàn xuất khẩu để ngăn chặn Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể biến lợi thế thị trường của mình thành vũ khí.

Bắc Kinh sẽ chỉ sử dụng công cụ đất hiếm trong tình huống bất đắc dĩ, ở những đòn đánh cuối cùng. Điều này xuất phát từ ba nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Vì Mỹ thực sự cần kim loại đất hiếm của Trung Quốc và nhu cầu ngày càng gia tăng nên các doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian qua cũng mở rộng sản xuất.

Kim loại đất hiếm là lĩnh vực trong đó có mối liên kết chặt chẽ, có mối quan tâm đan chéo nhau của cả doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc. Phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ khiến Trung Quốc phải tái cấu trúc nghiêm túc và tốn kém cho công việc của ngành này.

Thứ hai: Nếu việc xuất khẩu đất hiếm hoàn toàn chấm dứt, bất hòa giữa hai bên sẽ không còn có thể cứu vãn.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc làm điều đó ngay bây giờ thì Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa trong tương lai, Bắc Kinh sẽ không còn công cụ để đáp trả.

Do đó, Trung Quốc dự định sẽ sử dụng kim loại đất hiếm làm con át chủ bài trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, chứ không phải là vũ khí tấn công.

Thứ ba: Những biện pháp cấm xuất khẩu đất hiếm vượt ra ngoài khuôn khổ các quy tắc hiện hành của WTO, mà Trung Quốc không muốn rời khỏi các chế tài của luật pháp quốc tế trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Hiện nay, dư luận đang dần thay đổi có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh đang nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi trên khắp thế giới (kể cả ở Mỹ) trong cuộc thương chiến. Nhưng nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ, họ sẽ mất đi “sự đồng cảm” của cộng đồng quốc tế.

Do đó, khả năng sử dụng đất hiếm để gây áp lực lên Hoa Kỳ chỉ được xem xét như mối đe dọa mang tính biểu tượng và làm công cụ mặc cả chứ không phải là một khả năng thực tế sẽ xảy ra.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/con-bai-mac-ca-cua-trung-quoc-lai-la-dao-hai-luoi-3414978/