'Cơn bão' Donald Trump đang đến với NATO?

Ngày 18/1, không dưới 90.000 binh sĩ từ 31 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thụy Điển - ứng cử viên gia nhập liên minh - đã tham gia cuộc tập trận 'Steadfast Defender 2024' (Người bảo vệ kiên định) nhằm đánh giá năng lực đồng minh trong việc triển khai để bảo vệ sườn phía Đông. Cuộc tập trận lớn nhất của NATO từ năm 1988 và sau Chiến tranh Lạnh được nhiều người nhìn nhận là màn biểu dương sức mạnh đúng dịp 2 năm Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

NATO cũng chuẩn bị đánh dấu cột mốc 75 năm thành lập và ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Washington vào tháng 7 tới, những hoạt động khẳng định tiềm lực của liên minh dường như vẫn là không đủ để trấn an trước liên tiếp những “cơn bão” - mà trong đó có gắn với cái tên Donald Trump.

Mũi tên của ông Donald Trump

Khi chiến dịch tranh cử tại Mỹ đang sôi động hơn với các cuộc bầu cử sơ bộ vào guồng, ứng cử viên nhiều khả năng sẽ nhận được đề cử của đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục đưa ra những lời đe dọa nhằm thẳng vào NATO, lặp lại tuyên bố thu chiếc ô an ninh khỏi những quốc gia mà ông cho là không trả đủ tiền để duy trì liên minh và cáo buộc họ đang "cười nhạo sự ngu ngốc" của Mỹ.

Đầu tháng 2, trong cuộc vận động tranh cử ở South Carolina, ông Trump nói: "Một trong những nguyên thủ quốc gia từng đặt câu hỏi “Điều đó có nghĩa là nếu chúng tôi không thanh toán các hóa đơn thì các bạn sẽ không bảo vệ chúng tôi phải không?”. Đó chính xác là ý nghĩa của nó. Tôi sẽ không bảo vệ bạn". Những bình luận kiểu này gần đây trên các phương tiện truyền thông khiến người ta không khỏi lo ngại rằng nếu ông Trump trở lại trong vai trò Tổng thống Mỹ, tương lai của tổ chức này sẽ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Ông không ngần ngại khẳng định rằng người châu Âu "chưa làm đủ để đóng góp cho NATO" và rằng, ông sẽ không ngần ngại để mặc Nga tấn công những nước ít có đóng góp, bất chấp Điều 5 Hiệp ước phòng thủ tập thể của khối quân sự này - một lời đe dọa mà chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phải gay gắt nhận xét là làm suy yếu uy tín về khả năng răn đe của NATO: "Bất kỳ ý tưởng nào cho rằng các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của chúng ta, trong đó có Mỹ. Nó cũng khiến binh sĩ Mỹ và châu Âu gặp nhiều rủi ro hơn".

Những tuyên bố của ông Trump còn bị quy kết là chẳng khác nào lời từ chối viện trợ cho Ukraine và kêu gọi Nga tấn công bất cứ ai họ muốn, hay "Trump đang hoàn toàn đứng về phía Nga" và chống lại các đồng minh của nước Mỹ. Dù sao đi nữa, nét cá tính đặc biệt và hoàn toàn không thể đoán trước của ông Trump rõ ràng cũng nhóm lên những lo sợ không phải là không có căn cứ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích người tiền nhiệm là "mối đe dọa với nền dân chủ". Ông Biden lên tiếng: "Khi nhìn vào NATO, ông ấy không xem đây là liên minh bảo vệ Mỹ và thế giới. Ông ấy chỉ thấy liên minh như tổ chức bảo kê". Chính quyền của Tổng thống Biden dù không muốn chạy theo xử lý khủng hoảng "Donald Trump" vẫn phải ra sức trấn an các đồng minh, song các tuyên bố của ông Trump vẫn khiến nhiều nước thành viên lo sợ. Không hiếm những cảnh báo kiểu như nếu trở lại, ông Trump sẽ đảo ngược những nỗ lực tài chính đã thực hiện và xáo trộn cả tầm quan trọng của NATO đối với an ninh.

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen mới đây đã cảnh báo rằng nếu nước Mỹ một lần nữa gọi tên Donald Trump, châu Âu "sẽ phải rất thận trọng", bởi lần này ông ấy sẽ không để bất cứ ai cản trở các ưu tiên của mình, và châu Âu sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

Cái thế của NATO

Diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay không hề tươi sáng. Dù phương Tây gần đây liên tục thể hiện quyết tâm và tinh thần đoàn kết, dù Ukraine và nhiều nước như Pháp, Đức, Italy và Canada đã ký hàng loạt thỏa thuận tương trợ, thực tế là trong tình trạng thiếu đạn dược và vũ khí, quân đội Ukraine vẫn đang phải oằn mình trước các đợt pháo kích không ngừng nghỉ của quân đội Nga. Trong khi các đồng minh châu Âu nỗ lực hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, các tranh cãi chính trị tại Quốc hội Mỹ khiến gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD bị chặn lại suốt nhiều tháng, càng làm tình hình nghiêm trọng.

Không thiếu những lời cảnh báo về việc sau Ukraine, Nga sẽ mở rộng chiến dịch quân sự sang các nước vùng Baltic và Ba Lan. Thực tế là sau những gì diễn tại Crimea năm 2014, NATO đã xác định lại các nguyên tắc cơ bản của khối về "bảo vệ lãnh thổ", thúc đẩy việc tăng cường lực lượng ở sườn Đông và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dường như càng đẩy nhanh hơn những tính toán này.

Những bình luận của ông Donald Trump khiến NATO không thể ngồi yên.

NATO chào đón sự gia nhập của Phần Lan vào năm 2023 và giờ là Thụy Điển. Các đội quân đồng minh hiện được triển khai tại 8 quốc gia giáp biên giới Nga và Belarus. NATO cũng đang phát triển một mô hình lực lượng mới, với lực lượng cơ động 300.000 binh sĩ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius mùa hè năm 2023, nhiều kế hoạch mới đã được công bố và một trong số đó là thử nghiệm năng lực trên quy mô đầy đủ của liên minh thông qua các hoạt động như cuộc tập trận Steadfast Defender 2024.

Tất nhiên, nền tảng đảm bảo cho tham vọng mới này đòi hỏi các thành viên NATO cũng phải tăng cường đầu tư cho quốc phòng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây bày tỏ kỳ vọng sẽ có 18 nước thành viên đạt mức chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP - tăng gấp 6 lần so với năm 2014, khi con số này chỉ là 3 thành viên liên minh. Một số phân tích gần đây chỉ ra rằng, con số 2% vẫn còn khiêm tốn khi cân nhắc tổng thể những kế hoạch tham vọng mà NATO đề ra tại Vilnius, thậm chí là khá thấp so với thực tế hiện nay.

Dù vậy, tất cả dường như sẽ còn chẳng mấy ý nghĩa khi đặt cạnh những tuyên bố chấn động của cựu Tổng thống Donald Trump, người đang gây rất nhiều tranh cãi trong chiến dịch tranh cử.

Ông Trump sau những chỉ trích của lãnh đạo NATO và phía Tổng thống Biden đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình, nói rằng ông đã làm cho NATO trở nên "mạnh mẽ" khi thúc đẩy các đồng minh đáp ứng mục tiêu ngân sách quốc phòng trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Ông cũng từng nhiều lần nhấn mạnh có thể giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

Sẵn sàng trước mọi cơn bão

Những tuyên bố kiểu này không phải là mới với ông Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông cũng đe dọa sẽ ngừng hỗ trợ quân sự cho các đồng minh NATO đang trốn tránh chi tiêu quốc phòng. Ông cũng đã từ chối đảm bảo tuân thủ Điều 5 của Hiệp ước NATO, trong đó cam kết mọi thành viên sẽ hỗ trợ thành viên khác khi bị tấn công. Lần duy nhất Điều 5 Hiệp ước NATO từng được viện dẫn là sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, một trang sử mà nhiều người chỉ trích rằng dường như ông Trump đã quên hoặc cố tình bỏ qua. Công bằng mà nói, nước Mỹ cũng được hưởng những lợi thế đáng kể về kinh tế và ngoại giao từ việc dẫn đầu khối và bá chủ lĩnh vực quân sự thế giới.

Quân đội Mỹ và sự hỗ trợ của nước này dành cho NATO ghi dấu ấn trên khắp châu Âu. Mỹ là nước chi tiêu lớn nhất trong liên minh và chiếm phần lớn về hỏa lực. Nguy cơ nước Mỹ "dưới thời Trump" từ chối bảo vệ một quốc gia châu Âu bị tấn công - và thậm chí là nguy cơ Mỹ rút khỏi NATO (rất có thể!) - là một thực tế và sẽ là một cơn địa chấn mà người ta không thể phớt lờ.

Tất nhiên, việc rút khỏi NATO không phải chỉ là quyết định của riêng tổng thống, sẽ có nhiều rào cản. Quốc hội Mỹ hồi tháng 12/2023 đã thông qua dự luật lưỡng đảng nhằm ngăn cản các tổng thống đơn phương rút khỏi NATO mà không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc một Đạo luật Quốc hội.

Nói một cách bóng bẩy, đây là sợi dây mong manh mà châu Âu có thể bấu víu trước những nguy cơ. Song, với cá tính của ông Trump, người ta vẫn nên chuẩn bị cho mọi kịch bản, thậm chí là khả năng đảng Cộng hòa nắm giữ Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11. Phe MAGA - "Make America Great Again" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) của đảng Cộng hòa chính là lực lượng then chốt trong các nỗ lực ngăn cản kế hoạch mở rộng cung cấp tài trợ quân sự cho Ukraine.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và mối quan hệ Nga-phương Tây hiện nay là những khác biệt căn bản định hình vấn đề an ninh quốc gia trong các cuộc bầu cử năm 2016 với hiện nay. Cùng với đó là hàng loạt điểm nóng địa chính trị tiềm ẩn nguy cơ lan rộng như tình hình ở eo biển Đài Loan - đe dọa sự ổn định rộng hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cuộc xung đột ở Gaza có thể leo thang thành các cuộc chiến tranh khu vực khốc liệt hơn trên khắp Trung Đông.

NATO đã không còn "chết não" như cảnh báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhiều quốc gia có thể không còn mơ hồ về tư cách thành viên NATO. Song, "ác mộng" có thể sẽ đến nếu nước Mỹ lựa chọn đứng ngoài các kế hoạch tham vọng của khối hoặc rút đóng góp quân sự khỏi NATO và toàn châu Âu.

NATO ở thời điểm hiện tại có lẽ chưa bao giờ mạnh đến thế về khía cạnh quân sự, vậy còn mặt chính trị thì sao?

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/con-bao-donald-trump-dang-den-voi-nato--i725228/