'Cơn bão hoàn hảo' đang tấn công nền kinh tế lớn nhất Châu Âu

Những lo ngại về việc Đức có thể bị kéo vào suy thoái bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng bởi dữ liệu cho thấy, sản xuất tại 'cường quốc sản xuất' của Châu Âu đã sụt giảm.

Những lo ngại về việc Đức có thể bị kéo vào suy thoái bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng bởi dữ liệu cho thấy, sản xuất tại “cường quốc sản xuất” của Châu Âu đã sụt giảm.

Các ngành sản xuất của Đức được dự báo sẽ giảm sút trong quý tới. Ảnh: Fnancial Times

Các ngành sản xuất của Đức được dự báo sẽ giảm sút trong quý tới. Ảnh: Fnancial Times

Sản lượng công nghiệp trong tháng 6 giảm hơn 5% so với năm trước, cho thấy, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có thể đã đi xuống trong quý 2. “Chúng ta nên chuẩn bị cho sự co lại của nền kinh tế Đức”, các nhà kinh tế tại ngân hàng ING của Hà Lan cho biết.

Đức phụ thuộc rất nhiều vào các nhà xuất khẩu bởi nước này bán một lượng hàng hóa không cân xứng cho Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại khốc liệt. Doanh số bán ô-tô toàn cầu sụt giảm cũng khiến các nhà sản xuất ô-tô của Đức khốn đốn. Nỗi sợ hãi về một Brexit hỗn loạn cũng đang làm tổn thương nền kinh tế nước này. “Thương mại toàn cầu yếu hơn, ngành công nghiệp ô-tô toàn cầu đang gặp khó khăn, Brexit và các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, tất cả tập hợp thành một “cơn bão hoàn hảo” tấn công Đức”, Kit Juckes, một chiến lược gia tại Hiệp hội Genere, nhận định.

Đức không phải là nạn nhân duy nhất của cơn bão. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới, với lý do tác động của xung đột thương mại Mỹ-Trung. Nếu tranh chấp này tiếp tục leo thang, IMF cảnh báo rằng tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ giảm một nửa điểm phần trăm. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới hiện đang chạy đua để vượt qua “những đám mây bão” này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất vào tuần trước, lần đầu tiên sau 11 năm và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết họ sẽ tung ra nhiều kích thích hơn.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Tình hình gần đây khiến các nhà đầu tư lo lắng và có thể kích hoạt thêm hành động của các ngân hàng trung ương.

Tổng thống Donald Trump leo thang cuộc chiến thương mại vào tuần trước với tuyên bố Mỹ sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu vào tháng 9. Mỹ sau đó gán cho Trung Quốc cáo buộc “kẻ thao túng tiền tệ” sau khi Bắc Kinh cho phép đồng NDT suy yếu. Điều đó đã thúc đẩy lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ sẽ tác động đến lạm phát và khiến giá tài sản giảm mạnh. Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ leo thang hơn nữa vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không đáp ứng yêu cầu cầu của Mỹ và thay đổi chính sách công nghiệp. “Như vậy, chúng tôi dự đoán mức thuế sẽ được tăng lên, lên tới 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ”, các nhà phân tích viết trong một nghiên cứu.

Ở Đức, mức tăng trưởng trong quý đầu tiên là 0,4%, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo Capital Economics, các cuộc khảo sát kinh doanh chỉ ra sự suy giảm hơn nữa trong ngành sản xuất của Đức vào tháng 7 vừa qua. Khảo sát kinh doanh mới nhất của Viện Ifo của Đức cho thấy, kỳ vọng vào ngành sản xuất ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012, khi Châu Âu vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ. “Ngày càng có nhiều Cty tuyên bố ý định cắt giảm sản lượng trong quý tới”, Ifo cho biết hôm 7-8, nói thêm rằng “chấm dứt suy thoái kinh tế trong ngành công nghiệp Đức không nằm trong tầm ngắm”.

Commerzbank (CRZBF), ngân hàng lớn thứ hai của Đức hôm 7-8 cho biết đã tăng gấp đôi số tiền được sử dụng trong quý hai để giải quyết các khoản vay sẽ không được trả. Ngân hàng này cũng cảnh báo, khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận trong năm 2019 do “tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi” và “tình hình địa chính trị ngày càng không chắc chắn”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_210702_-con-bao-hoan-hao-dang-tan-cong-nen-kinh-te-lon-nh.aspx