Con bướng bỉnh, luôn cho mình đúng, cha mẹ có nên quát mắng?

Với những trẻ có tính bướng bỉnh, luôn cho mình đúng, thông thường các phụ huynh sẽ cảm thấy khó chịu và phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đó lại gây nên những tác dụng ngược không tốt.

Ảnh: Internet

Vì đâu trẻ bướng bỉnh, luôn tự cho rằng mình đúng?

Đây là vấn đề không hề hiếm gặp trong đời sống, có thể ở mỗi gia đình có những tình huống mang tính chất khác nhau, nhưng phản ứng của con trẻ đều giống nhau. Tức là trẻ luôn khẳng định mình đúng, không bao giờ thừa nhận những lời khuyên từ phía người lớn, cũng như không chấp nhận những đề nghị của bố mẹ.

Lý giải trên phương diện tâm lý, trước tiên luôn có những giai đoạn mà các con muốn khẳng định bản thân, có chính kiến riêng và quyết định riêng, đó là lý do con không thừa nhận lời khuyên của người khác.

Hơn nữa, trong những trường hợp trẻ có em, con luôn có cảm giác bị bỏ rơi, nên muốn chứng tỏ sự tồn tại, độc lập của mình bằng cách không thừa nhận sự xuất hiện của em, cũng như không thừa nhận mình là người gây ra lỗi lầm cho em.

Bên cạnh đó, đôi khi muốn khẳng định bản thân, thu hút sự chú ý cho mình, con luôn làm điều ngược lại với những lời khuyên của người khác. Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khiến trẻ có tính bướng bỉnh, bảo thủ luôn cho mình đúng bởi, trẻ được chiều chuộng quá mức, trẻ tự ti sợ người khác không để ý đến mình, hoặc cũng có thể trẻ học theo người lớn.

Đừng đánh mắng, quát nạt khi con bướng bỉnh, luôn cho mình đúng

Việc mắng con và yêu cầu con phải thực hiện hành vi nào đó, theo mệnh lệnh của mình khi con bướng bỉnh là sự thiếu tôn trọng con. Điều này, khiến trẻ có cảm giác bị tổn thương, dẫn đến việc các con có thể làm theo nhưng không phục, hoặc ương bướng bỏ ngoài tai lời yêu cầu của phụ huynh.

Nếu cha mẹ chỉ đánh giá khái quát mà chưa có cái nhìn sâu sắc vấn đề, đã đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh sẽ khiến trẻ vô cùng ức chế. Những phản ứng mạnh mẽ sẽ vô tình tác động vào tâm lý, cũng như tư duy và ý thức của trẻ. Cha mẹ luôn là tấm gương phản chiếu của con cái, nên những hành động của phụ huynh ít nhiều sẽ tác động đến tính cách của con.

Do đó, trong những trường hợp con luôn bướng bỉnh, chỉ nhận mình đúng, nhưng bố mẹ luôn cương quyết rằng con phải xử lý theo cách của mình, đôi khi lại gây ra những hậu quả ngược.

Xử trí thông minh khi con bướng bỉnh, chỉ cho rằng mình đúng

Ảnh: Internet

Không phải những biện pháp mạnh hay bạo lực, thay vào đó, cha mẹ nên có cách cư xử bình tĩnh, thấu đáo vấn đề. Đồng thời, cũng nên nhìn nhận sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ở mỗi tình huống, người trong cuộc luôn tìm được lý lẽ của mình dù là cha mẹ hay con cái.

Cách tốt nhất chính là hai bên hãy ngồi lại với nhau, để có thể nói chuyện và dung hòa. Thông thường con trẻ rất cần được nói ra, được bày tỏ cảm xúc của mình, nếu con không thể hoặc không tiện nói, hãy để con được viết ra những suy nghĩ riêng.

Thông qua đó, cha mẹ sẽ được hiểu con hơn, giúp hai bên cùng đi đến những thỏa thuận giải quyết vấn đề. Đặc biệt, đây cũng là một trong những phương pháp rèn luyện tư duy phản biện cho con, bởi một đứa trẻ nếu chỉ biết nghe lời chưa hẳn đã tốt.

Không phải chỉ con trẻ phải học mà chính người lớn cũng cần phải học cách cư xử, trong mọi tình huống nếu quá nôn nóng và mất bình tĩnh, chỉ mong muôn giữ thể diện của cha mẹ, thì kết quả sẽ chỉ khiến cho con không thể kiểm soát sự ức chế.

Trước hết, các bậc phụ huynh hãy xem lại cách cư xử của mình, bằng cách đặt ra những câu hỏi như: Có luôn đặt con ở vị trí trung tâm hay không? Bạn có cho con cơ hội được nói ra hay không? Cách bạn xử lý các tình huống có vấn đề của con là gì? Bạn có thực sự lắng nghe và trò chuyện với con giống như những người bạn hay không?

Bên cạnh đó, hãy tập cho con trẻ có những hành vi biểu lộ những cảm xúc của mình, đồng thời dạy con các kĩ năng phản biện, điều này còn liên quan đến khả năng diễn đạt ngôn ngữ, tư duy lô gic của một đứa trẻ.

Thêm nữa, hãy để con bộc lộ và bày tỏ ý kiến của mình trong các nhóm bạn. Điều này sẽ giúp con dễ điều hòa cảm xúc của mình hơn, Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý về cách cư xử dựa trên đặc tính tâm lý của từng thời kỳ. Ví dụ, cách cư xử với một đứa trẻ lên 3 sẽ khác với một đứa trẻ đang độ tuổi teen, qua đó khiến con nghĩ lúc nào mình cũng được tôn trọng và yêu thương. Sự lắng nghe của cha mẹ với con chính là bài học tuyệt vời nhất cho con trẻ.

Theo Thegioitre.vn

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/con-buong-binh-luon-cho-minh-dung-cha-me-co-nen-quat-mang-514676.htm