Con cái trở thành 'vua chúa nửa mùa' vì bố mẹ... quá bao bọc

Bất cứ cha mẹ Việt nào cũng mong muốn con mình có cuộc sống tự lập và hạnh phúc sau này. Nhưng cách mà các phụ huynh chăm sóc, nuôi dưỡng, định hướng và giáo dục một đứa trẻ đã thực sự khoa học hay chưa, có nhân văn với trẻ không thì cần xem lại...

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), nhiều phụ huynh đã tìm đến chị vì… hết cách với con. Có những đứa trẻ, theo phản ánh của phụ huynh, học lớp 7 mà không biết tự làm bất kỳ một việc gì trong nhà.

Ngay cả việc đơn giản như cắm cơm, phơi đồ hay cầm dao cắt quả táo ra đĩa con cũng không làm được. Ngoài thời gian đến trường, con chỉ biết ngủ, đến bữa thì cô giúp việc gọi xuống ăn cơm, ăn xong lại chơi điện tử. Việc tối thiểu như gấp chăn khi thức dậy hay tự dọn phòng của bản thân cũng không biết làm nốt.

“Có những phụ huynh bất lực vì thấy con mình như một cái robot lập trình sẵn những việc như đến trường, ăn, chơi điện tử. Ngoài ra không nói chuyện, không tâm sự với bố mẹ, không ra khỏi nhà. Các con không có cả những kỹ năng sống, không bản năng sinh tồn bình thường như "đói thì ăn, khát thì uống". Họ lo lắng và cảm giác nếu con xa bố mẹ thì không thể sống nổi”, thạc sĩ Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

Theo chị Phương Anh, phụ huynh phải tăng cường dạy con các kỹ năng sống (Ảnh minh họa)

Theo chị Phương Anh, phụ huynh phải tăng cường dạy con các kỹ năng sống (Ảnh minh họa)

Một điểm chung mà chị Phương Anh nhận thấy ở những phụ huynh tìm đến tư vấn chị khi con không có chút kỹ năng nào là vì bố mẹ bao bọc con quá. Những đứa trẻ được bố mẹ cung phụng hóa thành “vua chúa nửa mùa”.

Tất tần tận mọi việc của đứa trẻ như chuyện đi giày dép, mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, sắp xếp sách vở... đều được phục vụ bởi “ô sin cao cấp” chính là bố mẹ, ông bà hoặc người giúp việc.

Ngày bé, bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất cũng không để con phải động tay vào mà bố mẹ làm hết. Như vậy, những đứa trẻ này đã không có cơ hội để lớn lên, để trưởng thành và được là chính bản thân mình.

Có lẽ không ít người trong số chúng ta từng chứng kiến mâu thuẫn giữa các con với bạn bè cũng bị nhiều phụ huynh xen vào giải quyết thay. Vì thế dân mình hay có câu “chuyện trẻ con mất lòng người lớn”.

Tại sao chuyện giữa các con phụ huynh không để các con tự xử lý. Vì các con là người trong cuộc và là nguyên nhân của sự việc cơ mà? Các con là người buộc nút thắt thì hãy để các con tự tháo nút thắt. Bố mẹ xen vào thái quá vô hình tước đi khả năng tự lập và giải quyết vấn đề của các con và tạo ra những đứa bé thiếu kĩ năng sống, không chịu trưởng thành được.

Hiện nay nhiều gia đình có điều kiện sống ở các thành phố lớn còn cung phụng cho con một cách “thừa thãi” về mặt vật chất, sẵn sàng đáp ứng tất cả các nhu cầu của con mà con không phải làm bất cứ việc gì. Con đi siêu thị thích lego bố mẹ lập tức mua lego, con thích ô tô điều khiển bố mẹ lập tức mua ngay… Có những đứa trẻ hàng tủ đồ chơi nhưng chỉ chơi 1-2 ngày lại chán và vứt xó.

Đó là chưa kể quần áo, giàu dép mỗi ngày một mốt, chưa kịp mặc thì đã chật, có những bộ chỉ mặc một lần lại vứt xó góc tủ.

“Chu cấp cho con bằng những gì tốt nhất có thể là tâm lý chung của bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ hãy dạy con biết quý trọng đồng tiền, quý trọng sức lao động thì con mới có thể phát triển toàn diện được. Nếu con tốt nhiệm vụ cô giáo giao trong tuần này con sẽ có một món đồ chơi yêu thích.

Như vậy vừa để trẻ có động lực phấn đấu vừa là để con biết là mình phải lao động thì mới được hưởng thành quả. Cùng với đó, bố mẹ hãy dạy con những kỹ năng sống tối thiểu - là khả năng tự thích nghi trong nhiều hoàn cảnh, là cảm nhận yêu thương của cha mẹ, là sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh cho hay.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/con-cai-tro-thanh-vua-chua-nua-mua-vi-bo-me-qua-bao-boc-post334029.info