Cồn Cỏ, ký ức 1000 ngày

'Cồn Cỏ - hòn đảo tiền tiêu! Cồn Cỏ - hòn đảo Anh hùng! Tôi và anh em đồng đội đã bám trụ ở đó 1.000 ngày đêm! Nếu không có 1.000 ngày nung rèn trong mưa bom bão đạn, đan bện với gió thét, sóng gầm ở Cồn Cỏ thì tôi không phải là tôi bây giờ! Danh hiệu Anh hùng của tôi là do đồng đội dùng máu mà viết nên cho tôi đó' - Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình như vậy. Tôi đọc được cảm giác nhớ thương thật đậm sâu hằn rõ trên gương mặt ông.

Đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Bích Nhàn).

Năm 1961, đế quốc Mỹ bắt đầu tăng cường binh lính và vũ khí tiến hành “chiến tranh đặc biệt” hòng “bình định” miền Nam Việt Nam. Đang tuổi mười tám đôi mươi, cũng như biết bao chàng trai cô gái Quảng Bình tuyến lửa, Lê Hữu Trạc nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giã từ gia đình, tòng quân nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341 đóng quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhận nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến. Tuy nhiên, ông ở đây không được lâu. Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tự tạo dựng “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, vu khống hải quân ta tấn công chiến hạm Mỹ để trả đũa, phá hoại một số nơi ở miền Bắc. Chưa dừng lại ở đó, ngày 7-2-1965, chúng tiếp tục lấy cớ quân Giải phóng tấn công doanh trại Mỹ ở Pleiku để ném bom thị xã Đồng Hới và đảo Cồn Cỏ, chính thức mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Ông lại tiếp tục khoác ba lô lên đường.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ giữ vị trí vô cùng quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN, đương đầu trực tiếp với không lực và hải quân Mỹ. Để chặn đứng sự leo thang của chúng, năm 1965 đại đội Lê Hồng Phong được lệnh cử một trung đội ra chiến đấu giữ đảo. Trung đội của Lê Hữu Trạc gồm có 30 chiến sĩ được cấp trên tin tưởng chọn là đơn vị đi đầu. Tạm biệt đất liền, hẹn trở lại sau 2 tháng, nhưng chuyến đi của Lê Hữu Trạc và đồng đội đã kéo dài đến... 1.000 ngày.
- Ác liệt vô cùng! Thiếu thốn vô cùng! Nhưng chúng tôi đã sống và chiến đấu quật cường trong suốt 3 năm ròng rã ở Cồn Cỏ. Tại sao? Vì bên cạnh khó khăn thiếu thốn trăm bề đó, chúng tôi có tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến. Tình yêu ấy luyện cho chúng tôi một tinh thần thép, dám đối mặt với các loại vũ khí hạng nặng và tối tân của đế quốc Mỹ mà quyết tâm chiến đấu đến cùng!

Những tháng ngày trung đội của ông Lê Hữu Trạc ở đảo chính là thời gian khó khăn nhất. Đế quốc Mỹ trút đạn bom xuống đảo không cần có nguyên nhân và bất chấp thời gian. Lịch sử ghi lại: từ năm 1964 đến năm 1968, không lực Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4 nghìn quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn; mỗi ha đất chịu 22,6 tấn bom đạn. Trong lúc đó, để đảm bảo đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ chiến sĩ trên đảo, tất cả nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược đều phải được tiếp tế từ đất liền. Có thời điểm do tình hình chiến sự ác liệt, địch ráo riết vây hãm phong tỏa, thời tiết lại phức tạp, con đường tiếp tế giữa đất liền với đảo gần như bị chặn đứng trong hàng tháng trời. Gạo, nước ngọt đều cạn kiệt, đến cả vũ khí cũng thiếu thốn. Nhưng lạ kỳ thay, tất cả vẫn không hề nao núng. Họ đã không gục ngã bởi bom đạn quân thù, cũng không hề gục ngã vì khó khăn thiếu thốn về vật chất. Đảo bị xới tung. Cỏ cây bị cháy rụi. Cồn Cỏ vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng!

“Vấn đề khó khăn nhất ở các đảo nhỏ giữa biển khơi luôn luôn là nước ngọt. Có thời điểm bom Mỹ phá tan cả bể chứa nước của chúng tôi, cả đảo khô khát, bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Quả thật là nếu không có tình cảm và những hy sinh lớn lao của quân và dân Vĩnh Linh thì chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Mưa bom bão đạn là vậy, máy bay, tàu chiến địch vần vũ, quần thảo suốt ngày đêm nhưng những chuyến hàng tiếp tế vẫn cập đảo. 200 người hy sinh và mất tích trên biển để có những chuyến tiếp tế cho chúng tôi. Nhiều bữa ăn cơm chan nước mắt vì xót thương đồng đội, đồng bào. Những trận đánh của chúng tôi vì thế mà càng quyết liệt hơn!

Đáp trả sự điên cuồng của không quân, hải quân Mỹ, cán bộ chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã dũng cảm chiến đấu 841 trận và ghi nhiều chiến công vang dội: Bắn rơi 48 máy bay các loại, bắn cháy và chìm 17 tàu chiến... góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom phá hoại miền Bắc. Đảo nhỏ Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng; 3 đồng đội của Lê Hữu Trạc đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, cán bộ chiến sĩ chiến đấu bảo vệ đảo được Bác Hồ gửi thư khen và tặng hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

- Tôi đã rời xa Cồn Cỏ tròn 50 năm, vậy mà chưa bao giờ nguôi quên những ký ức về đảo. Tôi vẫn nhớ rất rõ từng người đồng đội đã chiến đấu cùng tôi. Họ vô cùng anh dũng và sẵn sàng xả thân mà không tơ hào chút quyền lợi chi. Họ mãi mãi là tấm gương sáng để tôi phấn đấu. Đó là người thủ trưởng tôi luôn luôn kính trọng: Đại tá Trần Văn Thà - Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ. Ông đã chỉ huy chúng tôi đánh hàng trăm trận, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động phục vụ chiến đấu trên đảo vô cùng có hiệu quả. Thời kỳ đó, bom Mỹ gần như phát quang đảo, chúng tôi thân trơ mình trụi trên mặt đất. Nếu không có sáng kiến đào địa đạo của ông Thà thì có lẽ tất cả sẽ làm mồi cho máy bay Mỹ thôi. Vậy nhưng, thành tích hay danh hiệu Anh hùng, ông dành hết cho chiến sĩ. Thái Văn A dù bị thương vẫn không chịu rời chòi quan sát, anh đã chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu hàng trăm trận, góp phần bắn rơi 20 máy bay Mỹ. Anh Nguyễn Văn Mật - khẩu đội trưởng súng cao xạ 14,5 ly, tham gia chiến đấu trên 100 trận chống máy bay và tàu chiến Mỹ.... Cả 2 anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1967. Cồn Cỏ tự hào nhưng tôi còn có một niềm tự hào riêng: hai anh Thái Văn A và Nguyễn Văn Mật đều là người Quảng Bình quê hương tôi.

Ông Lê Hữu Trạc đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Năm 1968, đế quốc Mỹ bắt đầu xuống thang đánh phá miền Bắc, ông Lê Hữu Trạc được điều động trở lại đất liền. Khi ra đi là Trung đội trưởng, nay trở về ông được cấp trên tín nhiệm nâng cấp bậc lên Đại đội trưởng. Vẫn vẹn nguyên khí thế chiến đấu mang về từ Cồn Cỏ, ông tiếp tục xây dựng Đại đội Lê Hồng Phong trở thành Đại đội Anh hùng. Một thời gian sau ông được giao trọng trách là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV. Thời gian này, đế quốc Mỹ vẫn chưa thôi những âm mưu phá hoại miền Bắc, các cuộc đổ bộ của địch vẫn lén lút diễn ra trên cả đường bộ, đường không và đường biển dọc theo giới tuyến. Đóng quân ở cửa ngõ miền Bắc, đơn vị của ông được ví như một lực lượng đa chức năng có nhiệm vụ hỗn hợp, vừa chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, vừa phải tuần tra, trinh sát ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập trái phép của biệt kích, thám báo Mỹ - Ngụy. Trong một chuyến đi khảo sát địa hình, chống địch đổ bộ bằng đường không ở phía tây Vĩnh Linh, ông và đồng đội không may vướng bom Mỹ. Một chiến sĩ hy sinh, thi thể không còn nguyên vẹn. Ông bị bom hất tung và làm tổn thương đôi mắt. Khát vọng được cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc phải dừng lại từ đây.

- Từ Quảng Trị tôi được chuyển về tuyến sau. Đầu tiên là trạm 44 ở Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, sau đó là Bệnh viện Quân khu 4 ở Nghệ An. Phải 1 tháng sau tôi mới ra tới Bệnh viện Mắt Hà Nội. Vì sức ép của bom quá lớn, mắt bị tổn thương nặng, các bệnh viện tiền phương không có phương tiện xử lý kịp thời, vả lại thời gian di chuyển từ Quảng Trị ra đến Hà Nội quá dài nên đôi mắt của tôi sưng phồng và bắt đầu có dấu hiệu xẹp... Do đó các bác sĩ không thể cứu được đôi mắt của tôi nữa rồi. Tôi được chuyển về Trại an dưỡng thương binh nặng Hà Tây với một đôi mắt giả. Cuộc sống chìm vào bóng tối từ đây. Năm đó tôi mới 28 tuổi. Phơi phới sức trai và giàu nhiệt huyết lại phải lui về tuyến sau và không còn có cơ hội để trở lại chiến trường, đó là nỗi buồn quá lớn!

Những tưởng cuộc đời sẽ chỉ còn bóng tối, xa quê hương, xa gia đình và đừng bao giờ dám nghĩ đến chuyện tình yêu, vậy mà anh thương binh hạng 1/4 Lê Hữu Trạc lại bất ngờ gặp được nhân duyên của mình nơi đất khách. Vô tình gặp... Cố tình gặp... Nói xa... nói gần... Và những cánh thư đi... Nét chữ của người thương binh mù vụng về mà chân thật đã khiến một cô gái đất Hà Tây quê lụa tuổi thanh tân mở lòng đáp lại và sẵn sàng cùng ông trở về quê mẹ Quảng Bình để dựng xây hạnh phúc.

Năm 2000, với ước nguyện được giúp đỡ những người mù của tỉnh Quảng Bình có điều kiện sinh hoạt, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống và tìm hướng tạo công ăn việc làm cho anh chị em, ông Lê Hữu Trạc đề xuất tỉnh cho thành lập Hội Người mù. Đề xuất nhân văn này đã được nhanh chóng phê duyệt và ông trở thành vị chủ tịch hội đầu tiên.

Chiến tranh đã lùi xa, ký ức chói sáng 1.000 ngày sống và chiến đấu hết mình của ông và đồng đội tưởng đang trôi dần vào quên lãng, rất may được sự giúp đỡ của Đại tá Trần Văn Thà và đơn vị cũ cũng như sự đồng tình ủng hộ của tỉnh Quảng Trị, năm 2018, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông Lê Hữu Trạc vì đã có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Áp thật chặt tờ quyết định vào ngực ông run người vì xúc động: “Không ai quên Cồn Cỏ! Không ai quên chúng tôi! Quyết định này không chỉ trao cho riêng tôi mà cho cả những người đồng đội đã nằm lại ở Cồn Cỏ. Tôi chỉ xin là người đại diện đón nhận niềm vinh dự cao quý này”.

Trương Thu Hiền

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/con-co-ky-uc-1000-ngay-tintuc428862